Người trẻ Trung Quốc và phong cách sống "45 độ": Cố gắng không được, mà buông bỏ cũng không xong

Khi cố gắng không được, buông xuôi không xong, trào lưu "sống 45 độ" đang ngày càng phổ biến trong người trẻ ở đất nước tỷ dân.
Nếu như 90 độ thể hiện quyết tâm vươn lên mãnh liệt, còn 0 độ là những người đã quyết định "mặc kệ sự đời", thì 45 độ là thuật ngữ chỉ những ai đang bị kẹt ở khoảng không lưng chừng: Họ không thể nỗ lực vươn lên, nhưng cũng không thể buông xuôi và từ bỏ mọi thứ.

Kevin, một thanh niên 25 tuổi tại Trung Quốc, cho biết đã cố gắng tìm việc suốt 2 năm qua nhưng không thành công. Anh nhận ra, bằng đại học thôi là không đủ nếu anh không theo học từ một trường danh tiếng, nên đã quyết định thi cao học. "Tôi không muốn là kẻ tầm thường, tôi muốn chứng minh năng lực nhưng không có cơ hội nên đi học tiếp là một cách cầm cự, thỏa hiệp", Kevin nói.
Người trẻ Trung Quốc và phong cách sống 45 độ: Cố gắng không được, mà buông bỏ cũng không xong
Nhiều người trẻ Trung Quốc "mắc kẹt", không thể phấn đấu cũng không thể buông xuôi
Có những bạn bè cũng quyết định chọn thi cao học như Kevin. Một số khác thì sẵn sàng làm những công việc với thu nhập chỉ loanh quanh 3.000 tệ (khoảng 10 triệu đồng), chỉ vừa đủ lo miếng cơm manh áo.
Kể từ mùa hè 2023 đến nay, chủ đề "Bạn có phải là thanh niên 45 độ?" và "Cách đối mặt với cuộc sống 45 độ" nhiều lần trở thành "hot search" (được tìm kiếm nhiều nhất) và tạo ra các cuộc thảo luận sôi nổi.
Khảo sát phát triển thanh niên của Đại học Nhân dân Trung Quốc cuối năm 2023 cho thấy 28,5% thanh niên sống "45 độ", 12,8% nằm phẳng và 58,7% sống 90 độ.
Có nhiều lý do dẫn đến giới trẻ Trung Quốc chọn lối sống này, nhưng hầu hết là vì họ không nhìn thấy hy vọng nào ở tương lai. Nền kinh tế sa sút hậu đại dịch Covid-19 khiến cơ hội việc làm ngày càng ít, những người trẻ "90 độ" cũng hoàn toàn có thể dần bị đẩy sang thế "45 độ" hoặc thậm chí "0 độ".
Người trẻ Trung Quốc và phong cách sống 45 độ: Cố gắng không được, mà buông bỏ cũng không xong
Nền kinh tế sa sút khiến các cơ hội việc làm ngày càng ít đi
Liu, một nhân viên truyền thông ở Quảng Châu, cho biết khái niệm "thanh niên 45 độ" gây được tiếng vang trong xã hội Trung Quốc vì nó phản ánh sự đánh mất mục tiêu sống của giới trẻ đương đại. Một mặt, họ hy vọng mình nổi bật trong đám đông; mặt khác thực sự không thể đương đầu với cường độ cạnh tranh cao và bất công xã hội, nên họ chỉ đơn giản lựa chọn giữa hai thái cực là "nằm ngửa và đứng thẳng".
Tiến sĩ Xu Quan, Đại học Hong Kong cho biết "cuộc sống 45 độ" thực sự là tình trạng mà giới trẻ trong xã hội Trung Quốc đang cảm thấy bơ vơ. Tình trạng này hơi giống với nỗi lo lắng của nhiều người trẻ ở châu Âu trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản công nghiệp trỗi dậy, họ không tìm được vị trí và tọa độ của mình trong thời đại mới.
"Sự chuyển tiếp từ 90 xuống 45 độ thể hiện sự phủ nhận khả năng phấn đấu của người trẻ và sự thất vọng về triển vọng cá nhân của bản thân; nhưng đi từ 45 độ xuống 0 độ là sự thất vọng của toàn xã hội và đất nước", Xu nói.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top