Người Việt bán hàng trên Amazon tăng đột biến

TienCM

Pearl
Số người Việt tham gia bán hàng xuyên biên giới trên Amazon tăng trưởng đột biến khoảng 80% trong năm nay, hầu hết là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Người Việt bán hàng trên Amazon tăng đột biến
Đó là thông tin được Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ trong sự kiện tuần lễ Amazon Week 2022 diễn ra ở Hà Nội vào ngày 27/10/2022.
Không tiết lộ số lượng người bán hàng cụ thể, Amazon cho biết thống kê trong vòng 12 tháng từ 1/9/2021 đến 31/8/2022), các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 80% so với năm trước đó chỉ tăng 15%. Gần 10 triệu sản phẩm Made in Vietnam đã được bán qua Amazon trong thời gian trên và doanh thu bán hàng qua dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó, các ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon là dụng cụ nhà bếp, đồ gia dụng, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sản phẩm tiện ích gia đình.
Chia sẻ với báo chí, ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nêu ra ba nguyên nhân khiến số lượng người Việt tham gia bán hàng xuyên biên giới trên Amazon tăng đột biến.
Thứ nhất, theo ông Gijae Seong, Việt Nam có cộng đồng mua bán online lớn, luôn muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt sau khi trải qua những năm đại dịch. Vì vậy sau khi Amazon thúc đẩy việc giới thiệu bán hàng xuyên biên giới ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp tham gia đăng ký và kinh doanh trên Amazon đã tăng nhanh chóng.
Lý do thứ hai là có sự đầu tư từ Amazon Global Selling Việt Nam. Trong năm vừa qua, Amazon đã thành lập 2 đội ngũ chuyên trách để hỗ trợ người bán hàng ở hai đầu Hà Nội và TP.HCM. Quá trình đăng ký và xác minh danh tính giờ đã có sự hỗ trợ của đội ngũ người Việt, vì vậy tỷ lệ người bán đăng ký thành công cao hơn. Trước đó, toàn bộ quy trình đăng ký trên Amazon được thực hiện bằng tiếng Anh, người xác thực và thẩm định hồ sơ đăng ký không phải là người Việt nên tỷ lệ đăng ký thành công thấp. Bên cạnh đó, Amazon cũng đầu tư vào việc bản địa hóa tài liệu đào tạo cho người bán hàng, trung tâm khách hàng, giúp các nhà bán ở Việt Nam dễ tiếp cận hơn.
Lý do thứ ba, theo ông Gijae Seong, là hiệu ứng thành công từ nhiều người bán của Việt Nam trên Amazon từ các doanh nghiệp lớn như Sunhouse với mặt hàng đồ gia dụng, Minh Long với mặt hàng gốm sứ đến các doanh nghiệp khởi nghiệp như nón bảo hiểm Royal Helmet hay hạt điều Lafooco. Các câu chuyện "người thật việc thật" đó đã kiến các doanh nghiệp Việt Nam tự đặt ra câu hỏi “Tại sao các doanh nghiệp khác làm được còn mình thì không?" và từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia Amazon.
Trong thời gian tới, ông Gijae Seong cho biết Amazon sẽ tiếp tục tập trung cải thiện và nâng cấp những quy trình hiện có, đồng thời hỗ trợ các đối tác bán hàng Việt Nam hiện nay tối ưu quy trình bán hàng và lợi nhuận trên Amazon.
Amazon cũng đánh giá tiềm năng buôn bán xuyên biên giới của Việt Nam vẫn còn rất lớn và có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới. Theo các dữ liệu thống kê, thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu được dự báo sẽ đạt mức 28,4% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2027. Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp đến người dùng) tại Việt Nam cũng được dự kiến sẽ tăng hơn 20% mỗi năm.
>> Các nhà bán hàng Trung Quốc than trời vì bị Amazon cấm cửa
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top