Nhà đầu tư chứng khoán đi tìm đáy, chỉ tìm thấy niềm đau!

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Thị trường chứng khoán với VN-Index đã rơi vào những đợt giảm điểm sốc liên tiếp từ tháng 4 đến tháng 5 rồi tiếp theo là tháng 6. Trong gần 3 tháng qua (tính từ tháng 4.2022), thị trường đã một lần tạo đáy vào ngày 17.5 ở mức 1.156,54 điểm, sau đó hồi phục nhẹ.

Tại sao cứ phải đi tìm đáy?

Thời gian gần đây, thông tin từ thị trường chúng khoán chúng ta thường nghe đề cập đến khái niệm “đáy” và theo đó là những câu hỏi “thị trường đã tạo đáy chưa?”, “đâu là đáy của đợt giảm ngắn hạn này?”… Nhìn chung cả về mặt kỹ thuật lẫn thực chiến, đáy của thị trường ở đâu luôn là điều nhà đầu tư quan tâm. Bởi khi đã đến đáy của đợt giảm, nghĩa là thị trường không giảm thêm nữa, bắt đáy vào thời điểm đó ít sợ lỗ, thậm chí có cơ hội lãi nhiều hơn khi thị trường hồi phục; còn nếu bắt không đúng đáy, có thể ngay lập tức ôm lỗ từ phiên liền sau đó. Xác định được đáy, đối với nhiều nhà đầu tư kinh nghiệm và chuyên nghiệp, đó cũng là thời điểm có thể xuống tiền dần. Và khi thị trường đã chắc mười mươi đã tạo đáy khi xu hướng hồi phục rõ ràng hơn, việc xuống tiền bắt theo xu hướng cũng sẽ mạnh mẽ hơn để tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn. Việc xác định đáy không chính xác, nhà đầu tư có thể rơi vào “hố đen” đáy sau sâu hơn đáy trước, giá trị trong tài khoản cứ thế càng vơi đi. Nhưng chẳng ai, từ các chuyên gia về thị trường chứng khoán cho đến những nhà đầu tư chuyên nghiệp cáo già, dám vỗ ngực xưng danh là xác định được đúng đáy hay bắt đáy đúng chốc 100%. Các chuyên gia có thể sử dụng các công cụ đo lường, tính toán về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên phân tích kỹ thuật thường thiên về lý thuyết cho dù có thể ít nhiều đúc kết từ lịch sử thị trường. Thị trường diễn biến muôn vẻ, càng khó lường khi bị tác động bởi các yếu tố phi kỹ thuật, cho nên phân tích kỹ thuật sẽ khó mà lường, tính được hết những yếu tố đó. Tại thời điểm hiện nay, đó là tình hình lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ và Châu Âu, chiến sự Nga – Ucraina, việc phong tỏa tại Trung Quốc…Phân tích kỹ thuật chỉ đo được sau các biến động đó, ở một trạng thái khi biến động đã tĩnh hóa và có thể chuyển hóa thành các chỉ số đi vào các công thức đo lường và tính toán.

Đáy chỉ là niềm đau

Quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau khi tạo đáy tại phiên ngày 17/5, chỉ số VN-Index đã hồi phục vượt ngưỡng 1.300 điểm, chính xác hơn là cán mức 1.307,91 điểm khi kết phiên giao dịch ngày 8/6. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng lao dốc sau đó trước các thông tin tiêu cực tác động từ tình hình lạm phát trên thế giới. Chỉ trong vài phiên, VN-Index đã mất hơn 100 điểm, các tài khoản nhanh chóng “bốc hơi” về giá trị và không ít tài khoản bị call-margin rồi force-sell phải bán giải chấp, kéo theo cả trăm mã cổ phiếu giảm sàn trong một phiên. Tính từ ngày 10/6 trở lại đây, nhiều phiên chỉ số VN-Index giảm sâu hai, ba chục điểm trở lên một cách quá dễ dàng, tình trạng trong một phiên giao dịch sàn HSX có hơn 100 mã “lau sàn” trở thành “cơm bữa”. Và khi đó, các phân tích, nhận định, dự báo… lại quan tâm, đề cập tới “đáy”. Và những câu hỏi lại được nêu ra: Thị trường đã tạo đáy chưa, bao giờ tạo đáy, đáy ở đâu, mức điểm đáy là bao nhiêu, nên hành động thế nào để đón bắt đáy.v.v… Trong 3 phiên giao dịch của tuần vừa kết thúc (từ 21-23/6), thị trường biến động mạnh trong từng phiên, kết phiên có tăng có giảm ở những mức khác nhau nhưng lại có một mẫu số chung, là diễn biến trong cả 3 phiên đều có thời điểm chỉ số VN-Index rơi về gần ngưỡng 1.162 điểm (vùng điểm quanh 1.160) thì phản ứng hồi phục trở lại. Không ít nhận định cho rằng, vùng 1.160 điểm có thể chính là vùng đáy của đợt điều chỉnh tháng 6.2022 này, cách đáy cũ của tháng 5/2022 khoảng 8 điểm. Nhưng bên cạnh đó cũng có chút nghi ngờ rằng, thị trường có thể lại bị kéo về đáy cũ, thậm chí có thể xuyên thủng đáy 1.156,54 điểm trước đây. Vẫn chỉ một mục đích là, tìm đáy để xác định xu hướng, để tránh việt vị khi bắt đáy, để định hướng khả năng nên xuống tiền giao dịch hay không và như thế nào… Nhưng thực tế lại rất nhức nhối, là song hành với việc tạo đáy thì cũng sẽ có thêm nhiều hơn những tài khoản “bốc hơi” giá trị, những nhà đầu tư thêm lỗ lã, tình trạng bán tháo càng hoảng loạn, số mã “lau sàn” càng gia tăng và số cuộc call-margin hay trường hợp bị force-sell càng dày lên. Thực tế mỗi lần tìm tới đáy cũ hay tìm thấy đáy mới trên thị trường chứng khoán cũng đồng nghĩa với niềm đau thua lỗ càng nhiều. Bởi dường như, số nhà đầu tư còn có tiền mặt hay sức mua để gom cổ phiếu chiết khấu mạnh tại đáy không nhiều, mà đa phần là những nhà đầu tư ôm danh mục trong tài khoản đã tổn thương nặng nề và chỉ còn biết khoanh tay đứng nhìn và chờ hồi phục mà thôi. Cho nên, cặp câu hỏi và câu trả lời “đáy là đâu?” – “đáy chính là niềm đau” rất chí lý. Nhà đầu tư đi tìm đáy cũng chính là chạm vào niềm đau của chính mình. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top