Nhật Bản điều tra chống độc quyền nhóm Big Tech, Google và Microsoft sắp "lên thớt"

Ủy ban Thương mại Tự do Nhật Bản (JFTC) sẽ công khai thông tin liên quan các vụ điều tra chống độc quyền nhằm vào các công ty công nghệ lớn ngay từ giai đoạn đầu, với kỳ vọng có thể thu thập bằng chứng một cách nhanh chóng và phản ứng hiệu quả hơn trước một thị trường vốn thay đổi rất nhanh.
Theo đó, Cơ quan chống độc quyền nước này sẽ công bố tên các mục tiêu điều tra và các cáo buộc nhằm vào họ ở thời điểm bắt đầu cuộc điều tra khi họ nhận thấy cần thiết. Thay đổi này được nêu rõ trong một tài liệu về các chính sách của ủy ban trong nền kinh tế số, đăng tải hôm thứ 5 vừa qua.
Chúng tôi cần cải thiện hệ thống và năng lực thu thập thông tin của mình, nhằm đối phó với những quan ngại nảy sinh trong thị trường số đang thay đổi nhanh chóng từng ngày” - Chủ tịch Kazuyuki Furuya nói.
Thông tin về các cuộc điều tra chống độc quyền thường không được công khai cho đến khi JFTC đã hoàn tất vụ việc, hoặc đưa ra hình phạt cụ thể cho công ty bị điều tra, bởi nếu làm vậy có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của đối tượng, hoặc tạo cơ hội cho đối tượng phá hủy chứng cứ.
Cơ quan này sẽ xem xét những chi tiết như bằng cách nào, và trong những tình huống nào, có thể công bố các thông tin. Những công ty bị “chỉ mặt đọc tên” theo chính sách mới sẽ được thông báo trước.
Việc công bố rộng rãi thông tin hoạt động điều tra chống độc quyền sẽ mang lại nhiều lợi thế trong một số tình huống nhất định. Ví dụ trong các vụ việc gần đây liên quan hành vi lạm dụng vị thế thống trị thị trường của những gã khổng lồ công nghệ, hòng buộc đại lý trên sàn thương mại điện tử phải chấp nhận những điều khoản bất lợi. Công khai những thông tin này có thể giúp thu thập thông tin từ các nạn nhân tương tự khác hiệu quả hơn.
Nhật Bản điều tra chống độc quyền nhóm Big Tech, Google và Microsoft sắp lên thớt
Xét đặc thù trong ngành công nghệ là các mô hình kinh doanh thường thay đổi rất nhanh, JFTC còn lo ngại rằng quy trình thu thập chứng cứ bí mật vốn tốn khá nhiều thời gian có thể không đủ nhanh để triệt phá những hành vi bất hợp pháp.
Và không như các vụ việc có yếu tố câu kết, thông đồng, hành vi của các công ty công nghệ thường khá phổ biến, do đó JFTC tin rằng tiết lộ sớm thông tin điều tra sẽ chỉ gây ảnh hưởng rất ít đến hoạt động kinh doanh của họ.
Các cơ quan chống độc quyền trên thị trường, bao gồm EU, Anh, và Đức, trước đó đã có chính sách công bố tên của các đối tượng bị điều tra. Nhưng bởi những rủi ro có thể xảy ra đối với uy tín của các công ty nên họ đều đặt ra những tiêu chuẩn rất rõ ràng khi thực hiện điều đó.
Theo Yasuo Daito, công tố viên người Nhật và là một chuyên gia về luật chống độc quyền, cho biết việc công bố những công ty đang bị điều tra “sẽ dẫn đến tác động to lớn đối với hoạt động của họ, bởi công chúng sẽ nhìn nhận đó như một dấu hiệu rằng công ty đã phạm tội”.
Ngoài ra, JFTC cũng sẽ tìm kiếm bằng chứng bổ sung liên quan các vụ việc sáp nhập và thâu tóm, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, ở giai đoạn đầu của các cuộc điều tra nếu cần thiết. Các công ty liên quan đến công nghệ chiếm một phần khá lớn trong số gần 300 vụ việc như vậy mà JFTC phải kiểm tra mỗi năm. Cơ quan này muốn có được một bức tranh toàn cảnh rõ ràng hơn về ngành công nghệ dựa trên việc lắng nghe ý kiến từ công chúng.
Được biết, JFTC đã bắt đầu tìm kiếm bằng chứng liên quan các thương vụ thâu tóm đang được thực hiện bởi Microsoft và Google.
JFTC cũng sẽ sử dụng thông tin thu được từ các khảo sát về vấn đề chống độc quyền để đánh giá các vụ việc, hiển nhiên là khi đã được sự chấp thuận từ phía thực hiện khảo sát.
Tham khảo: Nikkei
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top