Nhật Bản phát triển tên lửa tái sử dụng, cạnh tranh SpaceX

nhhgiap

Pearl
Sắp tới, cơ quan vũ trụ quốc gia Nhật Bản (JAXA) sẽ làm việc với gần 30 công ty và tổ chức Nhật Bản để phát triển tên lửa tái sử dụng với mục tiêu giảm chi phí phóng xuống dưới 1/4 mức hiện tại.
Nhật Bản phát triển tên lửa tái sử dụng, cạnh tranh SpaceX
Mitsubishi Heavy Industries và ANA Holdings là hai công ty nằm trong dự án của JAXA, hướng đến mục tiêu phóng tên lửa tái sử dụng lần đầu tiên vào năm 2030. Động thái trên được xem như phương án giúp gia tăng khả năng cạnh tranh chi phí với công ty vũ trụ hàng đầu thị trường SpaceX của Elon Musk.
Các tên lửa chính của Nhật Bản như H-IIA và Epsilon không được thiết kế để phục hồi sau khi phóng. Nếu một phần của tên lửa có thể được tái sử dụng, chi phí phóng sẽ giảm đáng kể và đơn đặt hàng phóng vệ tinh từ nước ngoài cũng tăng lên.
Đối thủ của họ, SpaceX đang dẫn đầu trong việc phát triển tên lửa tái sử dụng. Các lần phóng tên lửa của hãng ước tính trị giá khoảng 6 tỷ yên (52,9 triệu USD), thấp hơn nhiều so với chi phí của tên lửa H-IIA (10 tỷ yên). Tính đến năm 2018, SpaceX chiếm khoảng 60% thị phần phóng vệ tinh thương mại toàn cầu.
Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết tên lửa tái sử dụng là một bước đi cần thiết cho sự phát triển của hệ thống tên lửa tiếp theo.
JAXA dự kiến sẽ ký hợp đồng nghiên cứu chung với khoảng 30 công ty và tổ chức. Mitsubishi Heavy Industries, hợp tác với công ty hậu cần NYK Line, sẽ xem xét các phương pháp có thể sửa chữa được như máy bay không người lái và tàu. ANA sẽ tiến hành nghiên cứu áp dụng phương pháp của mình trong vận hành và bảo dưỡng máy bay. Còn NIPPI Corporation và GH Craft, công ty con của Teijin, sẽ phát triển hệ thống bánh răng để hạ cánh.
Đại học Nagoya sẽ phát triển một loại pin lithium-ion chống rung. Canon IT Solutions, công ty con của Canon Marketing Japan, sử dụng thực tế hỗn hợp để hợp lý hóa các quy trình sản xuất. Viện Công nghệ Chiba nghiên cứu máy bơm điện nhỏ giá rẻ trong khi Viện Công nghệ Kanazawa tập trung vào vật liệu kết hợp.
JAXA và các đối tác có kế hoạch phát triển một mẫu thử nghiệm vào năm 2026, phóng thử lần đầu sau đó 4 năm. Bằng cách thiết lập công nghệ có thể tái sử dụng và tăng số lần phóng, họ hy vọng sẽ giảm chi phí xuống khoảng 500 triệu yên (4 triệu USD) vào đầu những năm 2040.
Hơn 24.800 vệ tinh dự kiến sẽ được phóng trên toàn cầu từ năm 2020 đến năm 2030, theo công ty nghiên cứu Northern Sky Research của Mỹ. Thị trường sản xuất và phóng vệ tinh có khả năng tăng trưởng khoảng 9% mỗi năm lên hơn 567 tỷ USD vào năm 2030.
JAXA đã tham gia vào việc phát triển các công nghệ có thể tái sử dụng. Các chuyến bay thử nghiệm tên lửa RV-X cỡ nhỏ dự kiến diễn ra trước tháng 3. Những chuyến bay thử nghiệm tên lửa CALLISTO, gần giai đoạn hợp tác với châu Âu, được lên kế hoạch bay vào năm tài chính 2024.
Nguồn: Nikkei Asia
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top