Nhiều người bị lừa khi mua pháo hoa của Z121 trên mạng

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Đánh vào cơn sốt sắm pháo hoa không tiếng nổ chơi Tết, nhiều người dùng bị gian thương lừa mất tiền cọc.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) lần đầu tiên ra mắt dòng pháo hoa không tiếng nổ nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của người dân. Đây hiện là đơn vị duy nhất được phép sản xuất và cung ứng pháo hoa dân dụng cho thị trường.
Với giá bán tương đối hợp lý cùng hình thức lạ mắt, 11 loại pháo hoa không tiếng nổ nhanh chóng cháy hàng tại nhiều điểm phân phối thuộc Z121. Đại diện một số cửa hàng cho biết hầu hết chi nhánh trên địa bàn Hà Nội đều phải tạm dừng hoạt động do không còn hàng cung ứng.
Trên thực tế, người dân vẫn có thể tìm mua các sản phẩm của Z121 qua mạng xã hội. Nhưng, thay vì mua với giá niêm yết, số tiền người dùng cần bỏ ra nay bị đội lên gấp 3-4 lần.
Theo ghi nhận của Zing, phần lớn pháo hoa không tiếng nổ đang lưu hành trên chợ mạng là loại giàn phun viên với giá niêm yết 308.000 đồng/giàn.
Tuy nhiên, qua quá trình khảo giá, không thể tìm bất cứ đầu mối nào bán lẻ với giá dưới 700.000 đồng/giàn. Nếu mua số lượng lớn tính bằng thùng, giá về tay có thể giảm bớt 50.000-100.000 đồng/giàn.
Nhiều người bị lừa khi mua pháo hoa của Z121 trên mạng

Nhiều người bị lừa khi mua pháo hoa của Z121 trên mạng
Dù chi nhánh phân phối hết hàng, nhiều cá nhân vẫn "ôm" được hàng chục thùng pháo. Ảnh: MXH.
Đánh vào tình trạng nhu cầu đông nhưng khan hàng giá tốt, không ít gian thương lợi dụng lòng tin của người dân để chiếm đoạt tài sản. Nhiều người cũng bắt đầu phản ánh việc bị lừa đảo khi tìm mua pháo hoa không nổ mang thương hiệu Z121 trên mạng.
Nhìn chung, thủ đoạn của các đối tượng này không mới và tương đối đơn giản. Để thu hút nạn nhân, gian thương thường rao bán pháo với mức giá thấp hơn, dao động 500.000-600.000 đồng/giàn, hoặc giả danh cá nhân có mong muốn thanh lý do không còn nhu cầu sử dụng.
Cuối mỗi giao dịch mua bán online, các đối tượng yêu cầu người mua chuyển khoản trước tiền cọc để làm tin với lý do “sợ bị bùng hàng”. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, những đối tượng này chặn người mua, biến mất và không thể liên lạc.
“Họ thường bắt cọc khoảng 20-30% giá trị đơn hàng. Có người bắt khách chuyển toàn bộ giá trị hàng xong lặn luôn. Nếu không muốn bị lừa thì thấy ai bắt cọc tiền tránh xa ra, chỉ nhận ship COD (nhận hàng thanh toán) thôi”, P.L.T, một cá nhân buôn pháo đề nghị giấu tên, nói.
Dù “đắt xắt ra miếng”, những hộp giàn phun viên vẫn thu hút nhiều người tìm mua. Song, một số đầu mối đầu cơ pháo Z121 cho biết họ chỉ lãi vài chục nghìn đồng/giàn.
Lý giải vấn đề này, P.L.T khẳng định các đầu mối thu gom hàng và rao bán trên mạng xã hội hiện nay đều phải trả số tiền không nhỏ cho đại lý phân phối.
“Tôi nhập sỉ phải từ 690.000-700.000 đồng/giàn. Đó mới chỉ là giá nhập mấy ngày trước. Giờ cao lắm, chả kiếm được bao nhiêu mà ôm hàng qua Tết thì lỗ nặng luôn”, vị này chia sẻ.
T.T, một người bán khác, cho biết cô phải nhập giá 870.000 đồng/giàn từ đại lý. Hiện cá nhân này đang bán lẻ 1,1 triệu đồng/giàn phun viên, 900.000 đồng/giàn nếu sỉ đầu thùng (24 giàn/thùng), tổng là 21,6 triệu đồng/thùng.
Trước thực trạng này, không ít người dùng chuyển hướng sang tìm hiểu pháo lậu nhập từ nước ngoài. Đáng nói, pháo lậu đang được bày bán công khai trên mạng xã hội với giá tiền thấp cũng như mẫu mã bắt mắt hơn.
Việc mua bán, sử dụng pháo lậu không chỉ tiềm tàng khả năng gây nguy hại cho người dân, bản thân cá nhân/tổ chức có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Zing
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top