Những thách thức loài người phải đối mặt trong năm 2022

Những năm vừa qua của đại dịch đã nhắc nhở chúng ta rằng nhân loại không phải lúc nào cũng là "bất khả chiến bại". Chúng ta có thể là những sinh vật tiến hóa nhất, mạnh mẽ nhất trên Trái Đất, nhưng giống như mọi nền văn minh đã trải qua trong lịch sử, con người cũng có những điểm yếu, điểm hạn chế riêng của mình. Trong hàng nghìn năm phát triển, với quá trình công nghiệp hóa, sự gia tăng dân số, sự đi lên không ngừng của công nghệ đã làm thay đổi bản chất cuộc sống con người đến mức không thể nhận ra nữa.
Nhiều thay đổi trong số đó đã mang đến những hiệu quả tích cực, chứng minh rằng con người đang trở nên mạnh mẽ hơn trên tư cách một giống loài. Những tiến bộ trong y học giúp con người mạnh khỏe, sống lâu hơn, còn những tiên bộ trong nông nghiệp và công nghiệp đã dần dần đẩy lùi được nạn đói, tình trạng đói ngòi nói chung trên toàn cầu. Bên cạnh đó, những thay đổi suốt hàng trăm năm qua cũng đang gây ra những thiệt hại nặng nề và lâu dài cho hệ sinh thái của trái đất, và khiến con người đang đối mặt với những vấn đề lớn, trong đó những sự kiện mang tính hủy diệt.

Những thách thức loài người phải đối mặt trong năm 2022
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, những căn bệnh mới và lạ như coronavirus chỉ là một trong số rất nhiều thứ đang đe dọa cuộc sống con người trên Trái Đất. Có lẽ vì nó mới nên gần như vài 3 năm vừa rồi chúng ta chỉ tập trung vào nó mà quên mất rằng các nhà khoa học đã đưa ra những lo ngại trong những năm tới, chúng ta còn phải đối mặt với nạn cháy rừng, hạn hán, ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, những đột biến hệ vi sinh vật và cả sự phát triển của trí tuệ nhân tạo theo hướng tiêu cực có thể gây ra những nguy hiểm cho hàng tỷ sinh mạng trên hành tinh này.
Sau đây chúng ta sẽ điểm qua một cách tổng quan nhất về những mối đe dọa thực sự đối với sự tồn tại của con người vào năm 2022.

Sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc

Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng Trung Quốc là một cường quốc kinh tế. Tuy nhiên nền tảng kinh tế lớn nhất thế giới này hiện đang đối mặt với nhiều chấn động khiến nó lung lay. Những sự kiện những năm gần đây đã khiến cả mạng sống của con người và nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều rủi ro không thể tránh khỏi. Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng của con người chính là một sự liên kết chặt chẽ và khi một trong những mắt xích quan trọng nhất gặp khó khăn, thì không có quốc gia nào là không bị ảnh hưởng. Những rung chuyển của một đế chế tài chính như Trung Quốc khiến nhiều nhà kinh tế hết sức lo ngại.
Lĩnh vực bất động sản đóng góp vào khoảng 29% tổng GDP của đất nước tỷ dân, đây thực sự là một con số khổng lồ. Nhưng vào năm ngoái, thị trường bất động sản Trung Quốc đã khiến cho "bàn dân thiên hạ" một phen hoảng hồn với "
cuộc khủng hoảng nợ 300 tỷ đô la Evergrande". Sự kiện này cũng kéo theo tình trạng cháy hàng và bán tháo khiến lượng cổ phiếu ở Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng.
VNReview.vn

Evergrande cũng chỉ là một phần nổi của tảng băng, nó không phải là vấn đề lớn duy nhất trên thị trường nhà ở ở Trung Quốc. Thống kê cho thấy khoảng 20% tổng số bất động sản nhà ở đô thị ở Trung Quốc đang bị bỏ trống, gồm những công trình bỏ hoang ở các thành phố lớn như Tianducheng, Thames Town và Binhai. Những "thành phố ma" này đã được hoàn thiện về giao thông, cơ sở hạ tầng được kết nối tốt, những tòa nhà chọc trời ấn tượng cùng với những không gian công cộng hấp dẫn, nhưng kỳ lạ, chúng lại rất ít dân cư và thậm chí có những khu vực rộng lớn không có người ở.
Vào năm 2022, những "chấn động" ban đầu này có thể sẽ dẫn đến những bất ổn nghiêm trọng trong xã hội ở Trung Quốc, cũng như sự sụp đổ của thị trường sẽ tạo ra những sóng gió trên khắp thế giới.

Những biến thể khác của Covid-19

Covid-19 xuất hiện, nguyên nhân gây ra cái chết của hàng triệu người trên thế giới. Và khó khăn hơn, là những biến thể nguy hiểm của nó khiến chúng ta không thể đoán trước được điều gì. Gần đây nhất, chủng Omicron của COVID-19 là nguyên nhân gây ra 73% các trường hợp COVID mới ở Hoa Kỳ. Chủng mới này được đánh giá là vượt qua cả biến thể Delta ở các quốc gia như Anh và Nam Phi, và hiện nó được coi là biến thể COVID-19 lây lan nhanh nhất trên thế giới. COVID-19 khó có thể biến mất - đó là một tương lai dễ đoán mà các nhà khoa học đã nói đến, và chúng ta còn phải đối mặt với nhiều biến thế khác của nó trong những năm tới. Tuy nhiên, khi con người đã quen với nó, mức độ nghiệm trọng có thể sẽ giảm dần theo thời gian.
VNReview.vn

Tác động của nó đối với dân số còn phụ thuộc và cách thức đột biến của các chủng virus. Có 2 cách mà nó sẽ phát triển theo dự đoán, một là dần dần nó sẽ trở thành một căn bệnh bình thường như bệnh cúm quen thuộc, hoặc tệ hơn thì nó có thể làm phát sinh những biến thể nguy hiểm, gây chết người nhiều hơn. Adam Kucharski, giáo sư dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London nói rằng “nếu con người trốn tránh khả năng miễn dịch theo thời gian, virus có thể gây ra những đợt bùng phát mới, điều đó tương tự như những gì chúng ta thấy với các coronavirus theo mùa ”.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính Covid-19 đã gây ra hơn 5,4 triệu ca tử vong trên toàn cầu trong 2 năm đầu tiên kể từ khi đại dịch xuất hiện, tuy nhiên số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều. Hiện tại, tiêm chủng cũng như tiêm chủng nhắc lại thường xuyên sẽ có hiệu quả chống lại bệnh tật và những ca tử vong, các loại vacxin khác và phương pháp điều trị mới đang được tiến hành. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn không thể chắc chắn COVID sẽ tồn tại như một nhiễm trùng gây chết người còn kéo dài bao lâu nữa

Biến đổi khí hậu

Một trận cháy rừng ở Evia, Hy Lạp đã thiêu rụi 50.910 ha rừng xanh tươi tốt vào tháng 8 năm vừa rồi. Sau đó, một loạt những trận lũ lụt tàn phá khắp châu Âu với tổng thiệt hại ước tính khoảng 11,8 tỷ đô la. Riêng ở Đức, theo báo cáo đã có 196 người chết và hàng nghìn gia đình phải di dời trong trận lũ lụt ở châu Âu năm 2021.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng báo cáo rằng mùa hè năm 2021 là mùa khô nhất và nóng nhất đối với các bang tiếp giáp ở Mỹ trong vòng 126 năm trở lại đây. Trong những thời kỳ cao điểm, California đã bị ảnh hưởng nghiêm bởi khô hạn ở gần 88% tổng diện tích của nó. Ở Mỹ và Canada, nhiệt độ ở nhiều vùng đã tăng lên 48,8°C, nắng nóng khắc nghiệt đã làm hàng trăm người thiệt mạng.

VNReview.vn

Cháy rừng, lũ lụt, hạn hán, nhiệt độ tăng, băng ở hai cực tan chảy, bão, mực nước biển dâng cao ...đó là những hệ quả tất yếu của biến đổi khí hậu mà con người gây ra. Một lượng lớn CO2 và các khí nhà kính khác thải ra từ các hoạt động của con người đã gây ra những thay đổi mạnh mẽ đối với sinh quyển của Trái đất. Và quá trình biến đối khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự đoán bởi vì các hành động của con người ngày càng tăng tốc và không có dấu hiệu dừng lại.
Những báo cáo có cơ sở sau có thể làm bạn hiểu rõ hơn về những tác động của biến đổi khí hậu:
- Biến đổi khí hậu đã cướp đi sinh mạng của khoảng 150.000 người mỗi năm, từ những nguy cơ khác nhau.
- Dự đoán đến năm 2030 mực nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm nhiều thành phố ven biển, bao gồm Venice, Amsterdam và New Orleans.
- Nếu lượng khí thải carbon không được giảm xuống, vào năm 2050, khoảng 800 triệu người sống tại 570 thành phố trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao.
Nhiệt độ trung bình trên Trái Đất đã tăng từ 0,8°C đến 1,2°C so với mức năm 2017. Thoạt nhìn mức tăng có vẻ khiêm tốn nhưng nó đã đủ để ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết, đến nguồn nước và sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng khác nhau. Theo dự đoán từ các chuyên gia khí hậu, năm 2022 cũng là một năm nắng nóng nhiều, điều đó có nghĩa rằng con người ở nhiều khu vực trên thế giới sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng hơn của biến đổi khí hậu trong năm tới. Mặc dù chúng ta sẽ không bị diệt vong vào 1 vài năm tới nhưng đó là thực tế đáng buồn.

AI có đáng tin?

Tỷ phú Elon Musk nổi tiếng với những cảnh báo về AI, gần đây nhất là trong một bộ phim tài liệu, rằng "Ít nhất khi có một nhà ******* xấu xa, con người sẽ chết, nhưng đối với AI sẽ không có cái chết. Nó sẽ sống mãi mãi và sau đó bạn sẽ có một nhà ******* bất tử mà từ đó chúng ta có thể không bao giờ trốn thoát. "
Mô hình "AI độc ác" đã được khám phá trong những bộ phim như The Terminator, Ex MachinaAvengers: Age of Ultron. Musk không phải là người duy nhất tin rằng điều đó có thể xảy ra trong đời thực, bởi nhiều nhà khoa học đã giải thích rằng bất cứ cỗ máy nào đủ thông minh để vượt trội hơn khả năng lập trình của con người đều có thể không tuân theo lệnh và gây hại cho chính chúng ta.
VNReview.vn

Nhiều người cũng tin rằng, trong một vài năm tới, AI có thể đạt đến mức thông minh hơn cả trí tuệ của nhân loại và không ai có thể kiểm soát được nó nữa. Loại AI này đặt ra một vấn đề khác với những vấn đề khác mà con người đã nghiên cứu dựa trên tiêu chuẩn "đạo đức người máy". Nguyên nhân chính là do những "siêu trí tuệ" cực kỳ linh hoạt và có khả năng huy động sự đa dạng của các nguồn lực để đạt được các mục tiêu khác mà con người chưa hiểu được, chưa nói đến việc kiểm soát được nó.
Bên cạnh đó, một số người cũng nhận định quan điểm "AI độc ác" chỉ là sự cường điệu. Daron Acemoglu, Giáo sư Viện tại Viện Công nghệ Massachusetts, đã viết:
"cho đến nay, nghiên cứu và những tiến bộ của AI hầu như không liên quan gì đến trí tuệ nhân tạo nói chung, thay vào đó, AI chỉ gồm các nhiệm vụ thường liên quan đến việc tự động hóa công việc lặp đi lặp lại, nên nỗi sợ hãi về kiểu "AI hủy diệt" có thể là thiếu cơ sở."
Tuy nhiên không phải là loài người không nên dè chừng với AI bởi chúng đã gây hại trên nhiều lĩnh vực. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các công ty đang áp dụng AI thay thế 1% công nhân sẽ giảm được khoảng 1% lượng công việc. Ai cũng đang cung cấp khả năng giám sát các công nghệ được sử dụng bởi các tập đoàn và chính phủ, như tình trạng giám sát những người Uyghurs sống ở Trung Quốc.
AI cũng đang được sử dụng trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ để đưa ra các quyết định tại ngoại và ngày càng gia tăng trong việc tuyên án. Chưa kể một số nghiên cứu đang cho thấy AI có sự phân biệt đối xử với người da màu, nó đang làm lệch lạc những phát ngôn công khai trên mạng xã hội, cản trở hoạt động của các nền dân chủ hiện đại. Vậy liệu AI có thể làm hại bạn và những người thân yêu bên cạnh bạn. Câu trả lời chưa thể khẳng định là không, ít nhất là cho đến thời điểm này, nhưng hãy cảnh giác, nó có thể khiến bạn mất việc hoặc đưa bạn vào tù.

Chiến tranh hạt nhân

Theo báo cáo, hiện có khoảng 13.900 đầu đạn hạt nhân được các quốc gia trên thế giới sản xuất và nắm giữ, trong đó Mỹ và Nga sở hữu khoảng 90%. Ngoài 2 siêu cường quốc này, còn 7 quốc gia khác trên thế giới duy trì kho vũ khí hạt nhân, gồm Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Pháp, Anh, Pakistan và Triều Tiên.
VNReview.vn

Năm 2021 đã chứng kiến những sự kiện dẫn đến sự gia tăng xung đột giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân này. Chẳng hạn như sự di chuyển của quân đội Nga gần biên giới Ukraine, chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, sự can thiệp tiếp tục của các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Pakistan, hay việc Triều Tiên tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân... là những dấu hiệu cho thấy việc ngăn chặn hạt nhân, chiến tranh hạt nhân còn vô cùng nan giải.
Ngoài vũ khí hạt nhân, những tác nhân sinh học hóa học cũng được đưa vào chiến tranh, chẳng hạn như khí độc và vi khuẩn mang bệnh, cũng có thể dẫn đến một thảm họa nghiêm trọng cho loài người.
Một bản tin từ Đại học Stanford tiết lộ rằng, trong thế chiến thứ 2, các quốc gia Đức và Nhật Bản đã phát triển vũ khí sinh học để chống lại kẻ thù của họ. Ngoài ra bản tin này cũng tuyên bố, rằng một số quốc gia như Hoa Kỳ và Nga vẫn đang duy trì đông lạnh virus và các tác nhân mang mầm bệnh (có thể là sẵn sàng cho chiến tranh). Các quốc gia sản xuất nó cũng tuyên bố rằng vũ khí sinh học mà họ có được sử dụng để tăng khả năng phòng thủ, và hiện tại không ai trong số họ cân nhắc sử dụng, nhất là khi nhiều hiệp ước toàn cầu đã được thông qua để ngăn chặn nó. Tuy nhiên, những xung đột đang có xu hướng leo thang trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người lo ngại rằng những kẻ độc ác hay những nhà nước ******* nào đó hoàn toàn có thể nhúng tay vào các vật liệu hạt nhân hoặc sinh học để lạm dụng chúng.

Sự khan hiếm nước toàn cầu

Theo ước tính của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), vào năm 2025 (chỉ vài năm nữa), khoảng khoảng 67% dân số thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi sự khan hiếm nước trên toàn cầu. Ngay cả ở hiện tại cũng đang có khoảng 1 tỷ người không được dùng nước sạch thường xuyên và tổng cộng 2,7 tỷ người thấy khan hiếm nước trong ít nhất một tháng trong năm.
Việc phân phối nước ngọt không đồng đều trên thế giới, kết hợp với những chính sách, chiến lược quản lý nước kém hiệu quả và ô nhiễm nguồn nước là những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu nước ở nhiều khu vực trên thế giới. Con số thực tế thậm chí còn cao hơn, các chuyên gia còn khẳng định không phải hơn 2 tỷ mà khoảng 4 tỷ người đang phải vật lộn để đáp ứng những nhu cầu về nước sạch.

VNReview.vn

Nguồn nước sẵn có trên Trái Đất của chúng ta đã ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư, những nghiên cứu đã chứng minh rằng tỷ lệ gia tăng mật độ dân số ở Hoa Kỳ, từ năm 1790 đến năm 2010 cao hơn ở nhiều nơi khác. Người dân trong các khu vực được cho là khan hiếm nước khi mỗi người trong số họ không sử dụng ít nhất 1000 mét khối nước trong một năm. Còn khi con số này giảm xuống dưới 500 mét khối thì được gọi là "khan hiếm tuyệt đối." Nếu sự khan hiếm đạt đến mức cực đại sẽ dần đến những khó khăn về kinh tế, nạn đói, nặng hơn nữa là mất an ninh lương thực, dịch bệnh và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Những vấn đề về nước cũng đang làm biến đối thực tế chính trị xã hội trên khắp Trái Đất. Điển hình nhất, đợt hạn hán nghiêm trọng ở Syria từ năm 2006 đến năm 2009 chủ yếu là do biến đổi khí hậu do con người gây ra là một trong những nguyên nhân quan trọng của cuộc ******* bạo lực bắt đầu ở Syria vào năm 2011.
Hạn hán và thiếu nước đang kéo theo những xung đột bạo lực và cả sự chết chóc, cho nên nếu bạn đang được uống nước sạch đầy đủ hằng ngày, hãy trân trọng nó.

Hãy suy nghĩ lạc quan

Trên đây chỉ là những vấn đề điển hình nhất, con người vẫn đang phải đối mặt với những thực tại đáng lo ngại khác như núi lửa phun trào, tiểu hành tinh , khủng bố, mất đa dạng sinh học... có thể ảnh hưởng đến hàng triệu sinh mạng. Tuy nhiên đại dịch vừa qua cũng cho chúng ta thấy rằng con người đang thích nghi tốt hơn và không dễ bị đánh bại như vậy. Với những tiến bộ của khoa học, sự đổi mới và suy nghĩ lạc quan hơn, chúng ta có thể chống lại virus nguy hiểm, và đó cũng là lý do để chúng ta tin rằng loài người có thể ngăn chặn được bất cứ mối đe dọa nào khác.
Nguồn
Interesting Engineering
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top