“Ông hoàng” một thời, tại sao Nikon giờ đây lại phải "hồng hộc" đuổi theo Canon và Sony trên thị trường máy ảnh?

Đã từng có thời, Nikon là một trong những ********* trên thị trường máy ảnh. Nhưng giờ đây, sự chậm trễ của một gã khổng lồ không biết thức thời đã kéo Nikon tụt lại phía sau, nhìn các đối thủ như Sony và Canon vượt mặt.
VNReview.vn

Nikon là một thương hiệu nổi tiếng hàng đầu trong giới nhiếp ảnh. Hãng vẫn là thương hiệu máy ảnh được ưa thích nhất khi nói đến chụp ảnh phong cảnh và động vật hoang dã nhờ thiết kế tiện dụng và các tính năng chụp ảnh tiên tiến. Công ty hình ảnh có tuổi đời hàng thế kỷ này đã khiến chúng ta say mê với những chiếc máy ảnh DSLR cao cấp và ống kính chất lượng cao.
Nhưng thời gian trôi qua, Nikon bắt đầu mất dần sức hấp dẫn. Thị phần của công ty đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, Nikon cũng thừa nhận hoạt động kinh doanh sản phẩm hình ảnh của họ đang gặp khó khăn trong việc tồn tại và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng tại sao Nikon lại bị tụt hậu trước các đối thủ như Sony hay Canon? Điều gì đã xảy ra với công việc kinh doanh máy ảnh của họ?

Lược sử về Nikon​

Nikon là một tên tuổi lớn trên thị trường máy ảnh. Nhưng tất cả đã bắt đầu như thế nào và làm sao mà thương hiệu này lại được thị trường đón nhận nhiều như vậy?
Có rất nhiều cách để được thị trường chấp nhận nhưng một trong những cách hiệu quả nhất là ở lại thị trường lâu dài và phục vụ các sản phẩm hướng đến người tiêu dùng. Nikon cũng có một phả hệ kéo dài hàng thế kỷ bắt nguồn từ sự hợp nhất của ba công ty quang học vào năm 1917. Hãng bắt đầu sản xuất ống kính vào những năm 1920. Nikon trở nên nổi tiếng khi sản xuất thiết bị quang học cho quân đội trong Thế chiến 2. Trong giai đoạn sau, Nikon đã ra mắt dòng máy ảnh SLR F Series giúp họ được đánh giá cao trên toàn cầu.
VNReview.vn

Hoạt động kinh doanh của Nikon ngày càng phát triển hơn khi hãng bắt đầu cung cấp tính năng đo sáng, lập chỉ mục ống kính, đèn flash trợ sáng, kính ngắm, điều khiển màn trập điện tử và đo sáng ma trận.
Nikon phát triển mạnh mẽ trong suốt những năm 1960 và 1970 nhờ sở hữu một hệ thống máy ảnh tuyệt vời. Năm 1983, Nikon giới thiệu F3AF. Đây là máy ảnh lấy nét tự động đầu tiên của hãng và nó gần như đánh dấu thời điểm bắt đầu sự thống trị của họ. Các dòng máy ảnh DSLR phổ biến của hãng có thể kể đến như D850, D610, D800, D7100 và D7200. Cho đến năm 2010, Nikon vẫn đứng đầu thị trường máy ảnh. Nhưng sau đó, hãng không còn duy trì được đà tăng trưởng của mình như trước. Bây giờ, hãy cùng xem xét các yếu tố đã gây ra sự sụp đổ của họ.

Nguồn vốn cho hoạt động R&D quá nhỏ​

Điều kiện tài chính của một công ty đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển trong tương lai. Nhìn vào vốn thị trường của các công ty lớn khác, chúng ta thấy rằng Sony có vốn hóa thị trường là 155 tỷ USD trong khi Canon là 25,7 tỷ USD.
Nhưng đáng tiếc, Nikon sở hữu giá trị vốn hóa thị trường chỉ 4,1 tỷ USD. Là một công ty nhỏ, Nikon có ít cơ hội hơn để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và các phân khúc chiến lược khác.
VNReview.vn

Bên cạnh kinh doanh hình ảnh, Nikon cũng tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh như chăm sóc sức khỏe, thiết bị chính xác, đo lường công nghiệp và các lĩnh vực khác.
Nhưng vì phần lớn doanh thu của Nikon đến từ mảng kinh doanh hình ảnh nên sự sụt giảm của mảng kinh doanh máy ảnh đã ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng của Nikon. Nó phản ánh khá rõ khi Nikon sa thải khoảng 700 nhân viên vì lợi nhuận hoạt động kinh doanh máy ảnh giảm sút. Khi nói đến việc thuê các chuyên gia, những nhân viên giỏi hơn sẽ luôn tìm đến các công ty trả lương hậu hĩnh hơn và có hình ảnh thương hiệu tốt hơn. Tuy nhiên, vốn hóa thị trường ngày càng giảm của Nikon cho thấy tương lai của thị trường máy ảnh đang bị đe dọa. Hơn nữa, truyền thống sa thải nhân viên của Nikon đã làm xấu đi hình ảnh thương hiệu của chính công ty.

Ít đa dạng hóa​

Câu nói "đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ" cho đến nay vẫn luôn luôn đúng. Để đảm bảo tính bền vững trong tương lai, hầu hết các doanh nghiệp lớn đều phân nhánh sang các lĩnh vực khác để nếu một doanh nghiệp đi xuống, lợi nhuận chung của công ty vẫn có thể duy trì bằng lợi nhuận của các doanh nghiệp khác.
Ví dụ phần lớn lợi nhuận của Sony đến từ các sản phẩm bảo hiểm và tài chính. Kết quả là, công ty luôn có sẵn lượng tiền mặt khổng lồ để đầu tư vào các dự án mới và hoạt động R&D.
Nhưng Nikon lại gặp một vấn đề khác, đó là không chịu đầu tư vào ngành công nghiệp nhiếp ảnh và không đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. 68% tổng doanh thu của Nikon trong năm 2015 đến từ bộ phận hình ảnh. Điều đó có nghĩa là Nikon phụ thuộc rất nhiều vào bộ phận hình ảnh và do đó dễ gặp khủng hoảng hoặc thua lỗ nếu như bộ phận này không hoạt động tốt.
VNReview.vn

Công ty cũng là nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn nổi tiếng và chủ yếu bán các thiết bị cho Intel. Nhưng khi Nvidia đang soán ngôi Intel về giá trị vốn hóa thị trường, doanh số của Nikon cũng chịu nhiều cản trở.
Với sự phát triển của camera trên smartphone, ngành công nghiệp nhiếp ảnh đã phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số bán hàng. Tuy nhiên, các công ty lớn như Canon và Sony vẫn có thể tồn tại trong khi duy trì mức tăng trưởng tương xứng nhờ vào chính sách đa dạng hóa của họ.
Mặt khác, Nikon không thể trụ vững trên thị trường do doanh thu từ lĩnh vực máy ảnh là nguồn lợi nhuận hàng đầu. Kết quả là Nikon đã phải thông báo “lỗ đột xuất” vào năm 2017 và cổ phiếu của hãng cũng giảm mạnh 15%.

Thiếu quan tâm đến quay phim​

Smartphone cao cấp ngày nay có thể vừa chụp ảnh tĩnh và quay video đều tốt. Để đối phó với tình hình này, các công ty hình ảnh đang thiết kế lại máy ảnh của họ, biến chúng thành máy ảnh kết hợp với khả năng quay video chất lượng. Khi ngày càng có nhiều nhiếp ảnh gia chuyển sang quay phim, khả năng quay video ngày càng trở nên quan trọng và là yếu tố để khách hàng đưa ra quyết định mua máy ảnh hay không.
Nhưng thật không may, trong số tất cả các nhà sản xuất máy ảnh full-frame, Nikon là hãng duy nhất thiếu nghiêm trọng các tính năng phục vụ quay video.
VNReview.vn

Tất cả các nhà sản xuất hàng đầu đều đã phát triển một dòng máy ảnh chuyên quay phim ngoại trừ Nikon. Bên cạnh đó, các thương hiệu lớn cũng đã tạo dựng được vị thế trên thị trường nhờ chuyên môn đặc biệt của họ liên quan đến quay video. Ví dụ Canon làm rất tốt trong việc tái tạo màu sắc và Sony sở hữu các dòng máy ảnh quay phim rất tốt trong môi trường ánh sáng yếu.
Điều này đã dẫn đến sự gia tăng doanh số của dòng máy ảnh Sony và Canon. Tuy nhiên, Nikon hiện đang chú trọng hơn vào việc kết hợp các tính năng quay video tốt hơn trên máy ảnh của họ. Gần đây, Nikon đã ra mắt model Z9 có khả năng quay video 8k. Tuy nhiên không phải lúc nào người đi sau cũng thành công khi các đối thủ đi trước đã nắm trong tay rất nhiều lợi thế về sự hài lòng của khách hàng.

Số lượng ống kính của Nikon so với các đối thủ quả ít ỏi​

Các công ty hình ảnh cần nghiên cứu và ra mắt nhiều loại ống kính để hỗ trợ cho dòng máy ảnh của họ. Như đã biết, Nikon đang gặp khó khăn khi là một công ty vốn hóa nhỏ, dẫn tới việc họ thiếu nguồn tiền phục vụ cho nghiên cứu và phát triển các dòng ống kính mới. Họ có nhiều ống kính ngàm F nhưng những ống kính đó đã khá cũ về mặt công nghệ so với các đối thủ cạnh tranh, ít nhất về khả năng lấy nét tự động và các tiêu chí hiệu suất hình ảnh khác.
VNReview.vn

Sau đó, Nikon tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu các mẫu ống kính mới cho dòng máy ảnh không gương lật. Hiện tại, Nikon có một số ống kính một tiêu cự với giá đắt cắt cổ với khẩu độ 1.8 và ống kính 24-70mm mới với khẩu độ 2.8. Gần đây Nikon cũng đã ra mắt cả ống kính 58mm với khẩu độ 0.95. Rõ ràng với mức giá đắt đỏ của chúng, rất khó để người tiêu dùng tiếp cận. Bên cạnh đó, lộ trình ra mắt ống kính hiện tại của Nikon không có gì thú vị và đáng chờ đợi.
Mặt khác, tất cả các công ty lớn khác trên thị trường đều đã có đủ số lượng ống kính hỗ trợ ngàm của họ. Ví dụ, Canon nay đã ra mắt khá nhiều loại ống kính RF và dần phổ biến trên thị trường. Sony với lợi thế đi trước đã lâu cũng đã có bộ sưu tập ống kính mirrorless và họ cũng đang dẫn đầu về máy ảnh không gương lật. Kết quả là cả Sony và Canon đều đánh bại Nikon về doanh số bán ống kính trên thị trường.

Sai lầm với khe cắm thẻ nhớ đơn​

Khi các công ty tích hợp tính năng quay video trong thân máy ảnh, yêu cầu về bộ nhớ lớn hơn càng trở nên cấp thiết hơn. Do đó, tất cả các nhà sản xuất máy ảnh lớn đều đã cải tiến máy ảnh của họ bằng cách nâng gấp đôi khe cắm thẻ nhớ.
Mặt khác, Nikon lại mắc kẹt với một khe cắm thẻ duy nhất và điều này hóa ra lại là một sai lầm tiếp thị lớn.
VNReview.vn

Mặc dù Nikon đã tạo ra tiếng vang trên thị trường với việc ra mắt máy ảnh không gương lật mới nhưng ngay khi nó được phát hành, việc chỉ có một khe cắm thẻ khiến nhiều người tỏ vẻ dè dặt. Hơn nữa, Z7 đi kèm với một mức giá cắt cổ lên tới 3400 USD. Một chiếc máy ảnh chỉ có một khe cắm thẻ nhớ và có mức giá cao như vậy rõ ràng là đáng thất vọng. Với sai lầm đó, hình ảnh của Nikon trên thị trường máy ảnh không gương lật ngày càng trở nên xấu đi.

Nikon quá chậm trễ trong cuộc đua máy ảnh không gương lật​

Sau năm 2010, ngành công nghiệp máy ảnh đã thay đổi hoàn toàn. Sự gia tăng thị phần của máy ảnh không gương lật đã tạo ra sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. Ngày càng nhiều người sử dụng máy ảnh không gương lật vì chúng nhỏ gọn hơn nhưng mạnh hơn DSLR về khả năng chụp ảnh tĩnh và quay video.
Sony là một hãng thức thời khi đã tấn công phân khúc thị trường này từ khá sớm. Nhờ những cải tiến công nghệ mới, Sony nhanh chóng có được vị trí số một trên thị trường máy ảnh không gương lật, trong khi các hãng khác như Canon và Fujifilm cũng đang dần bắt kịp.
VNReview.vn

Trong khi đó, Nikon vẫn quyết định kiên trì với dòng máy ảnh DSLR của họ thay vì tập trung nghiên cứu dòng máy ảnh không gương lật.
Mãi đến năm 2018, họ mới nhận ra rằng mình cần đầu tư vào máy ảnh không gương lật và nghĩ ra dòng Z nhưng số lượng ống kính hỗ trợ còn rất hạn chế. Thời điểm đó, thị trường máy ảnh không gương lật phần lớn đã bị Sony và Canon thâu tóm. Trong khi hai gã khổng lồ này đã có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường máy ảnh không gương lật thì Nikon chỉ mới là “đứa trẻ chập chững” mới bước vào.

Các quyết định kinh doanh sai lầm khác​

Có một số quyết định kinh doanh sai lầm khác không chỉ cản trở sự phát triển của Nikon mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của Nikon trên thị trường. Điều quan trọng là phải phân nhánh trong các lĩnh vực khác nhau của doanh nghiệp để duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng một lần nữa, rất nhiều yếu tố phải được phân tích và đánh giá để đảm bảo thành công.
Thất bại trong việc giải quyết các yếu tố này có thể dẫn đến một tương lai thảm hại cho doanh nghiệp. Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Nikon khi hãng quyết định nhảy chân vào thị trường action camera (camera hành động).
Nikon ra mắt camera hành động keymission 360 tại Photokina 2016 trong khi thị trường khi đó gần như đã bị GoPro làm chủ. Sản phẩm này sau đó cũng gây thất vọng lớn trên thị trường. Nó khá đắt và có vấn đề khi ghép nối với các thiết bị khác. Nó chỉ được đánh giá 2,5 sao trên trang bán hàng Amazon và những bình luận giận dữ của người dùng cho thấy người dùng đã thất vọng như thế nào với sản phẩm này.
VNReview.vn

Ứng dụng Android cho sản phẩm này là snapbridge 360 hoàn toàn không thân thiện với người dùng nên không ngạc nhiên khi nó bị đánh giá 2,7 điểm trên Play Store.
Một sai lầm chiến lược khác là việc công bố dòng DL. Đây là dòng máy ảnh nhỏ gọn cao cấp của Nikon với ống kính cố định. Nikon không sở hữu nhiều công nghệ lõi quan trọng do đó họ phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến mạch xử lý hình ảnh và cuối cùng phải hủy bỏ toàn bộ dòng sản phẩm. Điều này dẫn đến sự thất vọng và thiếu tin tưởng của người tiêu dùng đối với Nikon ngày một lớn.

Tạm kết​

Nikon đã từng dẫn đầu thị trường với những chiếc máy ảnh tuyệt vời. Nhưng thất bại trong chiến lược, thiếu đa dạng hóa kinh doanh và chậm thích ứng với công nghệ mới đã khiến họ sa sút và thảm bại ra sao.
Mặc dù bây giờ Nikon đang nỗ lực hết sức để sửa chữa các quyết định của mình bằng cách đầu tư nghiêm túc và nhiều hơn vào R&D, đồng thời tập trung vào việc ra mắt các mẫu máy ảnh không gương lật mới, nhưng câu hỏi thực sự đặt ra là liệu Nikon có thể sửa chữa được mọi sai lầm và lấy lại được vị thế trên thị trường hay không? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.
Nguồn: Techinspection
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top