Phát hiện hóa thạch của bọ cạp biển khổng lồ dài 1 mét

T
Nguyễn Thu Hà
Phản hồi: 0
Một loài bọ cạp biển thời tiền sử được cho là "quái vật khổng lồ" đầu tiên đã được xác định trong một hóa thạch ở Queensland, sau hơn 10 năm từng gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu.
Bảo tàng Queensland cho biết, hóa thạch này có thể là bằng chứng về sự tồn tại của loài bọ cạp biển khổng lồ, được cho là loài đầu tiên ở bang này. Nó cũng vừa được đặt tên là Woodwardopterus freemanorum. Theo các nhà nghiên cứu, con vật dài khoảng hơn 1 mét, là loài săn mồi dưới nước lớn nhất trong khu vực có niên đại cách đây khoảng 252 triệu năm. Hóa thạch cũng là mẫu vật cuối cùng của loài bọ cạp này trên thế giới.
Nick Freeman, người trước đây sống ở thị trấn Theodore trung tâm Queensland, Úc, từng phát hiện hóa thạch này vào những năm 1990. Nhưng nó đã không được đưa đến bảo tàng để nhận dạng cho đến năm 2013. Các nhà nghiên cứu trong bảo tàng đã phải mất gần 10 năm để xác định chính xác hóa thạch phức tạp này liên quan đến cái gì.
Đại diện phía bảo tàng cho biết "Con vật mới đến từ Theodore này là một con quái vật khổng lồ, có thể dài hơn một mét và từng sống ở các hồ hoặc sông nước ngọt trong khu vực Theodore”. Còn Phó giáo sư Andrew Rozefelds của Bảo tàng Queensland cho biết, ông tin rằng ông Freeman (người phát hiện hóa thạch) cũng rất vui mừng với phát hiện này. “Ông ấy đã trao nó cho chúng tôi với kỳ vọng chúng tôi sẽ làm được điều gì đó với nó. Chúng tôi chưa thấy gì khác như thế này ở Úc cho đến nay, vì vậy chúng tôi biết rằng đó là một cái gì đó khác biệt."

Phát hiện hóa thạch của bọ cạp biển khổng lồ dài 1 mét
Hóa thạch Woodwardopterus freemanorum
Tiến sĩ Rozefelds đã hợp tác với nhà nghiên cứu người Đức Markus Poschmann, một chuyên gia về nhóm động vật này để tìm hiểu kỹ hơn, nói rằng: "Bọ cạp biển Theodore được xác định chính xác là đã sống cách đây 252 triệu năm. Sau khi nghiên cứu sâu rộng, hóa thạch đặc biệt này trở thành eurypterid cuối cùng được biết đến từ bất kỳ đâu trên thế giới."
Điều này cũng cho thấy loài động vật này đã tồn tại ngay trước khi sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Permi kết thúc, sự kiện này đã làm biến mất khoảng 96% loài trong đó có cả bọ cạp biển.

Phát hiện hóa thạch của bọ cạp biển khổng lồ dài 1 mét
Hình ảnh một con bọ cạp biển được tái tạo
Poschmann cho biết: “Hóa thạch mới này giúp lấp đầy khoảng trống trong kiến thức của chúng ta về nhóm động vật này ở Úc và trên toàn thế giới." Phía bảo tàng cũng nhận định, loài bọ cạp đặc biệt này từng là kẻ săn mồi lớn nhất ở các hồ và sông xung quanh Theodore vào thời điểm tồn tại.
Tiến sĩ Rozefelds cho biết, việc đóng cửa bảo tàng trong thời gian đại dịch 2020-2021 đã cho phép ông cùng các đồng nghiệp có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về mẫu hóa thạch không hoàn thiện này. Ban đầu gần như nó chưa được quan tâm. Nó luôn gây tò mò cho các nhà nghiên cứu và phải đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới có được những xác định rõ ràng hơn.
Nguồn
abc.net.au
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top