Phát hiện loài cua nhỏ 100 triệu năm tuổi được bảo quản nguyên vẹn trong hổ phách

Gần đây, các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã tìm thấy động vật thủy sinh lâu đời nhất được bảo quản trong hổ phách. Đây là hóa thạch cua hoàn chỉnh nhất từng được phát hiện.
Phát hiện loài cua nhỏ 100 triệu năm tuổi được bảo quản nguyên vẹn trong hổ phách
Sinh vật 100 triệu năm tuổi có vẻ ngoài giống loài cua biển ngày nay
Những nghiên cứu về hóa thạch đã được công bố trên tạp chí Science Advances vào hôm thứ Năm vừa qua. Tác giả chính của nghiên cứu, ông Javier Luque, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Sinh học Tiến hóa và Sinh vật tại Đại học Harvard cho biết: "Đây đúng là mẫu vật có một không hai. Nó vô cùng hoàn chỉnh, không bị thiếu dù chỉ một sợi lông. Điều này thật đáng kinh ngạc".
Được biết, mẫu vật này có nguồn gốc từ miền bắc Myanmar, có tên là "cua nhỏ Cretapsara athanata". Các nhà khoa học Trung Quốc, Mỹ và Canada đang tiến hành nghiên cứu mẫu vật này. Sở dĩ mẫu vật được đặt tên như vậy là bởi nó tồn tại trong kỷ Phấn trắng (Cretaceous). Trong đó, từ “Apsara” là tên của một vị thần tượng trưng cho mây và nước trong thần thoại Nam và Đông Nam Á. Cuối cùng, từ "athanatos" có nghĩa là bất tử trong tiếng Hy Lạp, gợi nhớ đến việc mẫu vật được bảo quản nguyên vẹn suốt một thời gian dài trong hổ phách.
Sinh vật 100 triệu năm tuổi có bề ngoài giống như những con cua sống trên bờ biển ngày nay. Qua chụp cắt lớp vi tính có thể thấy cả các bộ phận siêu nhỏ như râu, mang và lông mịn quanh phần miệng. Sinh vật chỉ dài 5 mm và có thể là một con cua con.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Cretapsara không phải là một loài cua biển và cũng không sống trên cạn hoàn toàn. Họ nghĩ rằng nó đã sống ở vùng nước ngọt, hoặc có thể là nước lợ, trên nền rừng. Theo các nhà khoa học, có vẻ như loài này đã di cư vào đất liền giống như loài Cua đỏ Đảo Giáng Sinh nổi tiếng, đẻ trứng xuống biển và sau đó trở lại đất liền.
Các hóa thạch cua cổ nhất có niên đại từ kỷ Jura cách đây hơn 200 triệu năm nhưng có rất ít hóa thạch của cua biển và đa số chúng đều không hoàn chỉnh.
Các nhà nghiên cứu cho biết, từ hóa thạch Cretapsara có thể thấy loài cua đã thực hiện cuộc di cư từ biển vào đất liền và vùng nước ngọt trong thời kỳ khủng long, chứ không phải trong thời kỳ động vật có vú như người ta nghĩ trước đây.
Phát hiện loài cua nhỏ 100 triệu năm tuổi được bảo quản nguyên vẹn trong hổ phách

Hầu hết các loài cua sống trong môi trường biển, nhưng cũng có một số loài cua có thể sống trên cạn hoặc vùng nước ngọt, nhiều loài khác còn có thể leo cây

Ông Luque cho biết: “Trong hồ sơ hóa thạch, cua biển không phải là loài tiến hóa cách đây 50 triệu năm, nhưng loài động vật này có tuổi đời gấp đôi”.
Hóa thạch hổ phách thời khủng long chỉ được tìm thấy trong các mỏ từ Bang Kachin ở miền bắc Myanmar, vấn đề vi phạm nhân quyền liên hệ trực tiếp đến việc khai thác mỏ hổ phách từ khu vực này đã xuất hiện trong những năm gần đây.
Hiệp hội Cổ sinh vật có xương sống đã kêu gọi tạm hoãn nghiên cứu về các loại hổ phách có nguồn gốc từ Myanmar sau năm 2017 khi quân đội nước này nắm quyền kiểm soát một số khu vực khai thác hổ phách.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết, mẫu vật Cretapsara athanata được Bảo tàng Hổ phách Longyin mua lại từ một người bán hàng ở thành phố Tengchong gần biên giới với Myanmar ở miền nam Trung Quốc vào tháng 8/2015.
Nhóm nghiên cứu hy vọng, việc "tiến hành nghiên cứu các mẫu vật thu thập được trước năm 2017 và làm rõ tình hình ở Bang Kachin sẽ giúp nâng cao nhận thức về cuộc xung đột với quân đội Myanmar và những ảnh hưởng tiêu cực của nó.”
Theo CNN
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top