Phát hiện mới: mùa xuân là thời điểm chấm dứt kỷ nguyên khủng long trên trái đất cách đây 66 triệu năm

66 triệu năm trước, một hành tinh nhỏ va vào Trái đất đã gây nên thảm họa lịch sử, hủy diệt 75% sự sống, trong đó có tất cả các loài khủng long. Tai họa này đã diễn ra vào mùa xuân hay mùa nào khác trong năm, đó là một câu hỏi lớn. Một nghiên cứu đột phá gần đây đã giúp chúng ta tìm ra được câu trả lời cho vấn đề quan trọng này.
Phát hiện mới: mùa xuân là thời điểm chấm dứt kỷ nguyên khủng long trên trái đất cách đây 66 triệu năm
(Ảnh: IB Times)
Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã biết các tình tiết chính của vụ va chạm nổi tiếng: vụ tấn công bán đảo Yucatan (ngày nay là Mexico) gây đại hồng thủy của tiểu hành tinh Chicxulub xảy ra cách đây 66 triệu năm. Sự kiện này đã dẫn đến cuộc đại tuyệt chủng lớn thứ ba trong lịch sử trái đất, thay đổi các quần xã sinh vật trên toàn thế giới ở mức đáng kể, sự thay đổi có liên quan trực tiếp đến khủng hoảng sinh thái toàn cầu hiện đang diễn ra. Tuy vậy, chúng ta vẫn mơ hồ về các chi tiết nhỏ hơn như: chuyện gì xảy ra sau vụ va chạm, những chuyện này dẫn đến cuộc đại tuyệt chủng lớn thứ ba như thế nào, v.v...
Sự kiện tuyệt chủng xảy ra hồi 66 triệu năm trước đã đánh dấu sự kết thúc kỷ Phấn trắng, quét sạch tất cả các loài khủng long và 75% động thực vật trên trái đất. Sự kiện này được các nhà địa chất học đặt tên là ranh giới Kỷ Phấn trắng-Cổ sinh, tên tiếng Anh là Cretaceous-Paleogene, còn được gọi là ranh giới K-Pg do dịch từ chữ Kreide (phấn) trong tiếng Đức.
Theo nghiên cứu mới, vụ va chạm tiểu hành tinh có thể đã diễn ra vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè ở Bắc Bán cầu.
Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là, vụ va chạm Chicxulub và các hệ quả của nó có phải là nguyên nhân duy nhất của sự kiện tuyệt chủng? Một số nhà khoa học cho rằng, có thể các vụ phun trào núi lửa lớn xảy ra cùng thời điểm đã làm điều này, hoặc là cả núi lửa lẫn vụ va chạm đã cùng nhau tạo nên một dấu ấn khủng khiếp như thế. Dù giả thuyết nào là đúng thì vụ va chạm cũng để lại hậu quả trên toàn cầu.
Nghiên cứu mới được thực hiện tại Tanis, một địa điểm khai quật hóa thạch nằm ở Bắc Dakota (Mỹ). Trước đó, một nghiên cứu năm 2019 đã công bố các hóa thạch ở Tanis là di sản của vụ va chạm. Theo các nhà nghiên cứu, đời sống hoang dã bị hóa thạch đã chết trong nhiều giờ sau vụ va chạm. Đáng chú ý là, nhiều hóa thạch bị chôn vùi ở Tanis không phải là hóa thạch khủng long mà là hóa thạch cá.
Các hóa thạch cá cho thấy vụ va chạm đã xảy ra khi Bắc Bán cầu đang ở mùa xuân hoặc mùa hè, một điều có thể làm cho sự kiện có sức hủy diệt cao hơn với đời sống ở bán cầu này.
Tác giả chính của cả hai nghiên cứu 2019 lẫn công trình mới gần đây tại Tanis là nhà cổ sinh học Robert DePalma, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành này ở đại học Manchester (Vương quốc Anh). Trong nghiên cứu mới, thời điểm xảy ra thảm họa đã được nhóm DePalma xác định dựa trên niên đại các hóa thạch ở điểm khai quật Tanis. Nhiều hóa thạch cá tại Tanis là các loài cá tầm (sturgeon), cá tầm thìa Mỹ (paddlefish) ở nhiều độ tuổi.
Thật trùng hợp khi mô hình của xương cá và các vòng trên thân cây hàng năm đều thuộc cùng một loại. Xương cá mọc thành một lớp tối vào mùa xuân và hè, khi các động vật có nhiều thức ăn và phát triển nhanh hơn, còn vào mùa thu và đông thì dải xương cá sáng hơn. Các dải băng xương cá này có tỉ lệ các loại hóa học carbon khác nhau mà các nhà khoa học phân biệt được trong phòng thí nghiệm. Theo cách trên, nhóm nghiên cứu thấy rằng lớp gần nhất phía ngoài xương được hình thành vào mùa có nhiều thức ăn.
Phát hiện mới: mùa xuân là thời điểm chấm dứt kỷ nguyên khủng long trên trái đất cách đây 66 triệu năm
Ảnh chụp hóa thạch cá tại điểm khai quật Tanis của nhà cổ sinh học Robert DePalma. Ảnh: National Graphics
Một phương pháp khác được nhóm nghiên cứu sử dụng là bức xạ đồng bộ (synchrotron) để phân tích dấu vết kim loại trong hóa thạch, từ đó xác định mức độ trưởng thành của động vật bị tiêu diệt. Phân tích cho thấy địa điểm khảo sát có cả cá vị thành niên lẫn cá trưởng thành, do đó thời điểm xảy ra biến động lớn là mùa xuân hoặc đầu mùa hè.
Theo các nhà khoa học, tất cả những thông tin trên đều có ý nghĩa. Các loài cá tầm hiện đại di chuyển giữa nước mặn vào mùa đông, nước ngọt vào mùa hè và xuân, và Tanis là một điểm nước ngọt. Các thiệt hại côn trùng được lưu giữ trong lá hóa thạch và hóa thạch của phù du trưởng thành trong thảm họa cũng phù hợp với thời gian theo mùa mà chúng biểu hiện.
“Hành vi động vật có thể là một công cụ khá mạnh mẽ. Tất cả đều khớp nhau”, lời đồng tác giả Loren Gurch, nghiên cứu sinh tiến sĩ đại học Kansas được Space dẫn lại.
Các nhà khoa học còn cho rằng, vụ va chạm mùa xuân có thể đã gây ra nhiều cuộc tuyệt chủng ở Bắc Bán cầu hơn Nam Bán cầu. Các loài trong các khu vực ở Bắc Bán cầu với các biến thể theo mùa riêng biệt gắn với lối sống của chúng sẽ chịu đựng “những tổn thương vốn có trong khoảng thời gian này, thời kỳ tăng trưởng và sinh sản của nhiều động vật và cây trồng”.
Liệu sẽ có thêm nhiều chú khủng long sống sót hay không, nếu tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái đất trễ hơn hay sớm hơn sáu tháng? Có phải động vật có vú đã thống trị thế giới? Dĩ nhiên chúng ta vẫn chưa có cách nào biết được điều này.
“Sự tuyệt chủng có thể đánh dấu sự kết thúc của một triều đại, nhưng chúng ta không được quên rằng chính các loài con người chúng ta sẽ không tiến hóa nếu không có vụ va chạm và thời điểm của các sự kiện chứng kiến dấu chấm hết của khủng long”, nhà cổ sinh học DePalma kết luận.
Nghiên cứu mới của nhóm DePalma đã được công bố trên tập san khoa học Scientific Reports ngày 8/12 vừa qua.
Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu
Bắc Bán cầu là một nửa trái đất nằm ở phía Bắc đường xích đạo, còn Nam Bán cầu là một nửa trái đất nằm ở phía Nam đường xích đạo. 90% dân số thế giới sinh sống ở Bắc Bán cầu. Chỉ 10% dân số thế giới tập trung ở Nam Bán cầu, gồm một phần châu Phi, châu Đại Dương, phần lớn Nam Mỹ và châu Nam Cực. Một số quốc gia tiêu biểu ở Nam Bán cầu (có phần lớn hoặc toàn bộ bề mặt nằm ở Nam Bán cầu):
- châu Á, Phi: Maldives, Congo, Nam Phi, Đông Timor, Indonesia...
- châu Đại Dương: Úc, New Zealand...
- Nam Mỹ: Argentina, Brazil, Ecuador, Uruguay...
Nguồn: Space, ScienceDaily
Tham khảo:
Ảnh
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top