Phông xanh xưa rồi, Sony giờ có công nghệ làm phim ảo hóa không cần chèn cảnh hậu kỳ

Tại trụ sở Kiyosumi Shirakawa của Sony ở Tokyo, bạn có thể thấy những hàng cây lướt qua trước kính chắn gió ô tô trong quá trình quay một đoạn phim quảng cáo. Nhưng sự thật là chiếc xe đang đứng yên, và cũng chẳng có cái cây nào cả.
Kiyosumi Shirakawa là studio chuyên sản xuất phim bằng công nghệ ảo hóa, một kỹ thuật ngày càng phổ biến với tiềm năng tái định hình hoạt động sản xuất mọi thứ - từ quảng cáo đến phim ảnh, giúp xóa bỏ mọi vấn đề phức tạp nảy sinh liên quan những cảnh quay đắt đỏ ở nước ngoài, hệ thống phông xanh tiêu tốn thời gian, và nhiều tình huống trớ trêu khiến lịch trình bị trì trễ do ảnh hưởng của thời tiết.
Studio này, cũng là studio ảo hóa đầu tiên ở Nhật Bản, được trang bị tận răng bằng công nghệ do Sony cung cấp, trong đó nổi bật nhất là màn hình Crystal LED HD cong, cao 5 mét, dài 15 mét, cùng một camera điện ảnh Venice.
Hậu cảnh mong muốn sẽ được hiển thị trên màn hình đằng sau chủ thể đang được quay - dù là một diễn viên hay một chiếc xe - và khi camera di chuyển, hình ảnh cũng di chuyển theo, như thể nó đang chuyển động xuyên qua một không gian ảo vậy.
Chúng tôi muốn biến nơi này thành studio hàng đầu của mình ở trong nước” - Daisuke Kobayashi, thuộc công ty sản xuất nội dung Sony PCL, cho biết.
Một studio tương tự đang được xây dựng tại trụ sở Sony Pictures Entertainment ở California. Công ty cũng sẽ lắp đặt một studio sản xuất ảo hóa vào mùa hè này tại Trường Nghệ thuật Điện ảnh thuộc Đại học Nam California, vốn là một trường về phim ảnh khá nổi tiếng.
Công nghệ sản xuất ảo hóa bắt đầu phổ biến trong đại dịch COVID-19, khi mà lệnh phong tỏa đã khiến hoạt động quay phim truyền thống gặp nhiều khó khăn, hoặc bất khả thi.
Có hơn 100 studio chuyên dụng trên toàn thế giới, cả lớn lẫn nhỏ, và 70% số đó ở châu Âu và Mỹ” - theo Takuro Imaichi, giám đốc tại Công ty Tư vấn Deloitte Tohmatsu.
Các màn hình LED phục vụ sản xuất ảo hóa cũng được chế tạo bởi các hãng như Samsung Electronics, trong khi Nikon mới đây đã công bố kế hoạch bước chân vào lĩnh vực mới mẻ này.
Phông xanh xưa rồi, Sony giờ có công nghệ làm phim ảo hóa không cần chèn cảnh hậu kỳ
Công nghệ sản xuất ảo hóa của Sony được ứng dụng trong quá trình quay phim Killian's Game.
Lợi thế của Sony nằm ở chỗ họ tham gia cả về phần cứng lẫn nội dung. Công ty Nhật Bản này là một trong những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh, và các máy quay điện ảnh của họ đã được tin tưởng sử dụng rộng rãi kể từ những năm 2000. Kết hợp một màn hình Sony với một máy quay Sony sẽ giúp các nhà làm phim dễ dàng hơn trong việc cho ra kết quả mong muốn.
Khá thú vị là, thông qua hoạt động sản xuất ảo hóa, Sony cũng có cơ hội hoàn thiện các sản phẩm khác của mình. Ví dụ, công ty đã tận dụng các số liệu từ Sony Pictures khi phát triển màn hình Crystal LED của mình, giúp giảm đáng kể độ phản chiếu của nó.
Sony dự định sử dụng các studio nói trên để phục vụ hoạt động sản xuất phim cho chính mình, đồng thời cho phép các công ty khác thuê hệ thống nhằm tạo thêm nguồn thu nhập.
Thị trường sản xuất ảo hóa được dự báo sẽ phát triển gấp gần 4 lần trong quãng thời gian từ năm nay cho đến 2030, lên mức 6,79 tỷ USD - theo công ty Nghiên cứu và Thị trường của Ireland.
Sản xuất ảo hóa có thể đơn giản hóa hoạt động làm phim. Nếu như sử dụng phông xanh, bạn phải thêm hậu cảnh vào trong khâu hậu kỳ; thì sản xuất ảo hóa cho phép quay phim với hậu cảnh như ý ngay lập tức. Kết quả có thể được xem theo thời gian thực mà không đòi hỏi khâu hậu kỳ.
Và bởi có thể quay mọi thứ mà chẳng cần ra ngoài, hoạt động sản xuất có thể được thực hiện liên tục, không phụ thuộc vào thời thiết hay những hạn chế về mặt thời gian trong ngày như thường lệ.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản là Mazda đã sử dụng studio của Sony để quay một quảng cáo thương mại cho mẫu SUV CX-5 vào năm ngoái. Những quảng cáo như vậy thường được quay ở nước ngoài, đòi hỏi hãng phải vận chuyển xe đến nơi định trước, và phải đối mặt với nhiều tình huống như trì hoãn lịch trình vì thời tiết chẳng hạn.
Quy trình này có thể mất vài tuần, nhưng đoạn quảng cáo được thực hiện tại studio của Sony đã được hoàn thành chỉ trong… 2 ngày - một lợi thế thực sự trong một lĩnh vực đang thay đổi mỗi ngày.
Các quảng cáo như chiếu trên TV sẽ lỗi thời nhanh chóng” - đại diện marketing của Mazda nói. “Nếu bạn không liên tục tung ra video với tốc độ ghi hình nhanh, bạn sẽ không thể bám trụ trong tâm trí người tiêu dùng được”
Và khi không cần chi tiền mua vé máy bay cho các cấp lãnh đạo di công tác nước ngoài nữa, chi phí hiển nhiên sẽ thấp đi nhiều - vị đại diện nói tiếp.
Tham khảo: NikkeiAsia
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top