cpsmartyboy
Pearl
Đã đến lúc chấm dứt nỗi ám ảnh về công suất sạc như 100W, 150W hay 240W, hãy chỉ quan tâm tới những trải nghiệm thực tế khi sử dụng trong thời gian dài. Gần đây các hãng smartphone đua nhau giới thiệu các công nghệ sạc siêu nhanh với công suất cao. Điều này khiến không ít người dùng cảm thấy hoang mang và không biết nên chọn công suất sạc bao nhiêu là vừa. Chưa kể nhiều người hẳn sẽ cảm thấy lo lắng về độ an toàn của những chiếc điện thoại có công suất sạc cao như vậy.
Từ ý tưởng sạc siêu nhanh SuperVOOC 240W của Oppo đến công suất 100W của Honor. Có thể thấy các hãng đang ngày càng đánh vào thông số công suất sạc để gây ấn tượng. Tuy nhiên, rõ ràng công suất sạc không thể nói lên sức mạnh sạc thực sự của một chiếc máy. Thế nhưng, nhiều người lại cảm thấy bị ám ảnh với những con số giống như cuộc đua về số chấm trên camera. Dù rằng nỗi ám ảnh đó cũng sẽ mất dần đi khi công nghệ dần trở nên phổ biến. Nhưng trước khi nhiều người có thể loại bỏ sự ám ảnh đó, có một số lý do sau đây để bạn thôi không đau đáu về công suất sạc nhanh này nữa.
Nếu pin của bạn đầy hơn 1/4 dung lượng, đừng mong đợi máy sẽ tiếp tục sạc với công suất sạc cao như vậy. Sau khi thử nghiệm nhiều công nghệ sạc nhanh từ Oppo, Huawei, Samsung,… tôi có thể nói với bạn rằng, mức công suất sạc trích dẫn trong các tài liệu tiếp thị hầu như chỉ được ứng dụng trong vài phút đầu và giảm dần sau đó. Như bạn có thể thấy từ biểu đồ đo, các mẫu smartphone hỗ trợ sạc nhanh như OnePlus 9 Pro và Xiaomi Mi 11 Ultra giữ tốc độ sạc cao nhất trong ba hoặc bốn phút. Công suất sạc này đủ để nhanh chóng đưa pin lên khoảng 20% trước khi giảm dần mức công suất xuống mức thấp hơn. Tuy nhiên, Oppo Find X5 Pro 80W và Samsung Galaxy S22 Ultra 45W thậm chí không duy trì được công suất như đã quảng cáo trong một phút. Điện thoại 240W có lẽ sẽ may mắn duy trì được mức công suất sạc cao nhất trong khoảng vài giây. Do đó, mức công suất cao mà các hãng đang quảng cáo chỉ cho bạn biết rất ít về tốc độ sạc thực tế của máy. Công suất trung bình mới là chỉ số hữu ích hơn nhưng rõ ràng chẳng hãng nào muốn lấy thông số này ra để tiếp thị. Các chỉ số như thời gian sạc lên đến 50% trong vòng bao nhiêu phút và thời gian sạc đầy 100% pin là bao nhiêu lâu mới là những thước đo tốt hơn nhiều so với công suất sạc. Bên cạnh đó, công suất sạc cũng không cho bạn biết nhiều điều về những gì có thể xảy ra khi bạn chỉ cắm sạc một lúc và không sạc đầy pin, một thói quen sạc khá phổ biến của nhiều người.
Hãy tự hỏi bản thân, bạn muốn điện thoại của mình sạc nhanh hơn 10 phút hay bạn muốn sử dụng thêm một giờ.
Bên cạnh đó, rác thải điện tử đang là một vấn đề ngày càng nóng và những cục sạc cũ, không còn tương thích sẽ nhanh chóng bị vứt bỏ đi một cách đầy lãng phí. Đặc biệt là sau khi bạn nâng cấp điện thoại, những cục sạc độc quyền sẽ trở nên vô dụng nên càng tăng thêm áp lực cho môi trường. Điều này không có nghĩa là sạc nhanh không phải là một tính năng quan trọng và có giá trị đối với smartphone. Rõ ràng không ai muốn phải đợi sạc điện thoại cả ngày. Tuy nhiên thực tế bạn sẽ không cần đến công suất sạc 100W chứ chưa nói đến 240W để có thể sử dụng chỉ sau vài phút. Cũng có một số nhược điểm của công nghệ sạc nhanh hiếm khi được nhắc đến. Chính vì vậy người tiêu dùng cần nhận thức rõ hơn để đưa ra quyết định mua smartphone cho riêng mình. Đã đến lúc chúng ta nên thôi ám ảnh bởi những mức công suất sạc cao ngất ngưởng và chỉ nên tập trung vào những điều quan trọng nhất, đó là trải nghiệm người dùng. Nguồn: Androidauthority