Sau 5 năm, màn tái sinh Nokia của HMD Global vẫn là nỗi thất vọng

Hoài cổ là một thứ vô cùng mạnh mẽ. Nó có thể gợi lên những cảm xúc, cảm giác tin tưởng, và thậm chí là sự đồng cảm.
Nokia là một trong số ít những nhãn hiệu mang lại cảm giác hoài cổ như vậy. Bộ phận điện thoại của gã khổng lồ công nghệ Phần Lan, dù lên voi xuống chó, vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ phía người tiêu dùng cho đến tận lúc bị bán cho Microsoft vào năm 2013. Ông chủ Windows không làm được gì nhiều, và đến đầu năm 2016, họ cũng nhanh chân rút khỏi thị trường smartphone.
Đó là lúc HMD Global, một startup được thành lập bởi các cựu nhân viên Nokia, nhảy vào cuộc chiến giành quyền kiểm soát nhãn hiệu với hi vọng có thể ít nhiều tận dụng được sức mạnh từ sự hoài cổ đối với thứ được xem là chiếc điện thoại đầu tiên của phần lớn mọi người. Năm năm trước, vào ngày 1/12/2016, HMD công bố kế hoạch hồi sinh nhãn hiệu Nokia và trở thành một cái tên đáng chú ý trên thị trường smartphone toàn cầu. Công ty đưa ra những tuyên bố dõng dạc về việc sẽ dựng nên một chương mới của Nokia với “những chiếc điện thoại bền bỉ, đẹp mắt và thú vị”.
Vào một buổi sáng mưa lạnh tại MWC 2017 ở Barcelona, HMD Global giới thiệu 4 chiếc điện thoại đầu tiên dưới nhãn hiệu Nokia của mình. Với Nokia 3310, Nokia 3, Nokia 5, và Nokia 6, công ty tràn đầy tham vọng đánh chiếm cả phân khúc feature phone lẫn smartphone trên trung cấp. Những thiết bị sở hữu ngoại hình tối giản đậm chất Phần Lan, kết hợp cùng hệ điều hành Android nguyên bản và lời hứa hẹn về những bản cập nhật nhanh – gọn – lẹ này hiển nhiên đã khiến người hâm mộ đứng ngồi không yên.
Hãy nhớ rằng, ở thời điểm năm 2017, ngành công nghiệp smartphone vẫn đang chật vật đối phó với vấn nạn bloatware và sự chậm chạp trong việc cập nhật hệ thống. Lời hứa hẹn về tốc độ cập nhật cùng trải nghiệm người dùng sạch bóng ứng dụng rác của HMD vì vậy nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt đến từ các fan lẫn giới chuyên gia trong ngành.
Năm năm trôi qua, và màn tái sinh của Nokia hoá ra lại là một nỗi thất vọng lớn. HMD đã trở thành một ví dụ khác của việc hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều. Phần cứng hao hao nhau ra mắt theo kiểu nhỏ giọt, hỗ trợ phần mềm kém, và thiếu những tính năng cạnh tranh, tất cả vẽ nên một viễn cảnh u ám đối với cái tên tưởng chừng đã hồi sinh huy hoàng.
Sau 5 năm, màn tái sinh Nokia của HMD Global vẫn là nỗi thất vọng
Thuần, bảo mật nhưng không mới nhất
Một yếu tố then chốt đằng sau sự hứng khởi đối với Nokia của HMD Global là việc công ty lựa chọn tham gia chương trình Android One. Chương trình này về cơ bản đảm bảo thiết bị có một hệ điều hành “sạch sẽ”, không bloatware, cũng như được cập nhật thường xuyên và đều đặn. Công bằng mà nói, HMD đã giữ được lời hứa với những bản vá bảo mật hàng tháng và những bản nâng cấp hệ thống trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, tháng ngày tươi đẹp không kéo dài lâu.
HMD từng xếp thứ nhất trong bảng theo dõi cập nhật Android 9 Pie của trang Android Authority, nhưng nhanh chóng rơi xuống vị trí thứ tư đối với Android 10. Khi Android 11 ra mắt, công ty ngậm ngùi đứng ở vị trí thứ…10. Trên thực tế, ở thời điểm bài viết này lên sóng, HMD vẫn đều đặn cập nhật cho các mẫu điện thoại của họ, nhưng chưa chính thức công bố lộ trình cập nhật Android 12.
HMD không phải là hãng hứa hẹn cập nhật lâu nhất. Trung bình, các hãng đều cam kết hai năm cập nhật phiên bản hệ điều hành và ba năm cập nhật các bản vá bảo mật. Vấn đề của HMD với việc cập nhật phần mềm bắt đầu khi số lượng thiết bị họ bán ra tăng dần lên, cho thấy công ty này đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn tài nguyên phát triển.
Tuy nhiên, chậm cập nhật là một chuyện, phần lớn các bản nâng cấp phần mềm mà HMD tung ra đều chứa đầy lỗi. Ví dụ, một bản cập nhật khiến ứng dụng camera trên Nokia 8.3 hoạt động chập chờn, một số người thậm chí không thể kết nối đến mạng di động lẫn Wi-Fi. Hay người dùng Nokia 5.3 liên tục phàn nàn tình trạng giật lag khi cuộn nội dung và độ nhạy bàn phím giảm đi nhiều sau khi cập nhật Android 11.
Lòng tin chỉ có thể được khôi phục thông qua hành động cụ thể, mà ở đây là chất lượng phát triển phần mềm, và cho đến nay, HMD chưa cho thấy bất kỳ động thái nào nhằm tiến đến điều đó. Tình hình dường như ngày càng tệ hơn khi thay vì cập nhật cho Nokia 9 PureView, công ty yêu cầu người dùng… mua điện thoại mới thì tốt hơn!
Sau 5 năm, màn tái sinh Nokia của HMD Global vẫn là nỗi thất vọng
Vắng bóng flagship
Tầm trung là phân khúc béo bở đối với mọi nhãn hiệu smartphone, nhưng những mẫu điện thoại flagship lại đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng danh tiếng. Một chiếc smartphone nhiều cải tiến, được mọi người ao ước, có thể là liều doping marketing mà một nhãn hiệu mới nổi cần để thu hút dư luận. Không may, phải đến năm 2018 HMD mới giới thiệu một chiếc điện thoại như vậy. Và một lần nữa, họ lại chọn một sản phẩm từ quá khứ của Nokia để lấy cảm hứng rồi tạo ra Nokia 8 Sirocco.
Vào năm 2006, Nokia 8800 Sirocco có lẽ là ví dụ điển hình của một chiếc điện thoại cao cấp sang trọng. Nokia 8 Sirocco mới có đủ mọi thứ trừ sự sang trọng. Đúng là nó có chất lượng hoàn thiện cao cấp và một tỉ lệ màn hình độc đáo đến kỳ quặc. Tuy nhiên, thiết kế chỉ là một phần, và chiếc điện thoại này đơn giản là không thể đạt được những tiêu chuẩn mà những thiết bị như Samsung Galaxy S9 Plus hay LG V30 đã đặt ra. Camera “bèo”, màn hình tệ, thiếu loa stereo và jack headphone, kết hợp với mức giá như tát vào mặt – số phận Nokia 8 Sirocco đã được định đoạt ngay từ khi vừa ra mắt.
Tạo ra một chiếc điện thoại flagship không hề dễ dàng, và bạn có thể nói rằng những điểm trừ kia của Nokia 8 Sirocco là điều không tránh khỏi đối với một “tay chơi” mới còn non trẻ trên thị trường. Có lẽ lần thử sức thứ hai sẽ mang lại kết quả tốt hơn chăng? Không hẳn. Nỗ lực tạo ra chiếc điện thoại flagship thứ hai của HMD Global cuối cùng lại là một thất bại còn lớn hơn trước, và là ví dụ điển hình của việc không biết tự lượng sức mình.
Sau 5 năm, màn tái sinh Nokia của HMD Global vẫn là nỗi thất vọng
Nokia 9 PureView được thiết kế với ý định mở ra một kỷ nguyên mới của nhiếp ảnh di động. Công ty đã lấy công nghệ từ Lytro Illum, một chiếc máy ảnh trường sáng, để đưa vào smartphone. Kết quả là chúng ta có một chiếc điện thoại flagship sử dụng 5 camera khác nhau để đạt được một tính năng đậm chất lừa phỉnh – tái điều chỉnh điểm lấy nét sau khi chụp xong – thứ mà không ai nghĩ họ cần đến cả. Tệ hơn nữa, chiếc điện thoại này không làm tốt điều duy nhất nó hứa hẹn, là cho ra những bức ảnh xuất sắc!
Được định vị là một chiếc điện thoại phiên bản giới hạn, Nokia 9 PureView không có cửa trước những đối thủ như Galaxy S10 và Huawei P30. Chưa hết, hệ thống camera 5 ống kính “bịp bợm” của nó khiến bạn không có được những thứ cơ bản như ống kính siêu rộng hay telephoto. Ngoài ra, máy còn sử dụng một con chip lỗi thời và phần mềm tối ưu cực kém. Chuyện gì vậy HMD?
Hai năm kể từ khi ra mắt Nokia 9 PureView, HMD Global vẫn chưa giới thiệu thêm chiếc điện thoại flagship nào. Thay vào đó, công ty dường như một mực đi theo hướng “đào mộ” những chiếc feature phone thời cô Lựu và phù phép chúng thành những chiếc feature phone thế hệ mới. Tung ra Nokia 3310 như một lời tri ân đến nhãn hiệu là điều khá cảm động. Tuy nhiên, nếu những thiết bị duy nhất gây được sự chú ý trong danh sách sản phẩm của bạn là những chiếc feature phone, bạn rõ ràng đang gặp vấn đề nghiêm trọng về khả năng cải tiến. Công ty này đã xuất xưởng gần 11 triệu feature phone trong Quý I/2021, nhưng tạo dựng hoạt động kinh doanh xoay quanh một dòng sản phẩm đang úa màu theo thời gian quả thực chỉ có thể là hành động của kẻ ngốc.
Sau 5 năm, màn tái sinh Nokia của HMD Global vẫn là nỗi thất vọng
Phần mềm không thể bù đắp phần cứng
So với những điện thoại đến từ Xiaomi hay Realme, sản phẩm của HMD Global thường đắt hơn đáng kể. Tuy nhiên, công ty có truyền thống biện minh cho điều này bằng cách hứa hẹn một trải nghiệm không quảng cáo và tốc độ cập nhật nhanh hơn. Đáng tiếc thay, trải nghiệm không quảng cáo là chưa đủ để đánh đổi sự yếu kém về cấu hình và mức độ tối ưu hoá phần mềm.
Các đối thủ của HMD luôn tìm cách đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và đang làm rất tốt việc tuỳ biến Android. Tạm bỏ qua sở thích cá nhân và sự khó chịu đối với bloatware, gần như mọi OEM đang tìm cách biến giao diện của họ trở nên nhẹ nhàng hơn và cải thiện hơn nữa tần suất cập nhật. Quảng cáo trong giao diện có thể là điều không tránh khỏi, nhưng điều đó sẽ dễ dàng được bỏ qua hơn khi bạn nhận được một thiết bị với chất lượng tốt hơn mà giá thì rẻ hơn.
Sự lấp liếm của HMD khi đề cao trải nghiệm không quảng cáo thay vì mang lại cho người dùng thứ họ muốn cũng phản ánh rõ qua số liệu kinh doanh. Trong Quý I/2021, công ty chỉ xuất xưởng được gần 2 triệu smartphone trên toàn cầu.
Những động thái gần đây càng cho chúng ta thấy một bức tranh ảm đạm. Trong nhiều năm trời, HMD đã cố định hướng người dùng với cách đặt tên thiết bị dựa theo những con số, khiến việc chuyển sang cách đặt tên bằng chữ X, G, và C gần đây của họ trở nên khó nhằn. Một vấn đề đáng quan ngại nữa là sản phẩm hàng đầu của họ hiện nay là một chiếc smartphone với thiết kế khá đại trà – thiết kế độc đáo đầy màu sắc như của dòng Lumia xưa kia đâu rồi hỡi Nokia?
Đối với một công ty hướng đến mục tiêu tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường smartphone toàn cầu, chăm chăm vào những sản phẩm phần cứng kén người dùng hay cấu hình bình dân rõ ràng không phải là chiến lược tốt. Những fan lâu năm của Nokia hẳn rất chán nản khi thấy HMD Global phung phí tiềm năng lẫn trách nhiệm mà họ phải gánh vác khi nắm trong tay một nhãn hiệu đã đi vào lịch sử như vậy.
Làm ra một chiếc điện thoại không phải điều dễ dàng, nhưng ai mà không bực bội khi thấy HMD chỉ làm như thể cho đủ chỉ tiêu? Càng đáng trách hơn khi họ có tất cả những công cụ cần thiết để tận dụng. HMD nào phải hỗ trợ cho phiên bản phần mềm tuỳ biến trên điện thoại như Samsung hay Xiaomi. Những thứ cơ bản như cập nhật phần mềm lẽ ra chẳng phải là vấn đề khi họ chọn Android thuần. Và việc HMD không chịu cập nhật cho một trong những sản phẩm hàng đầu của họ cho thấy sự thiếu quan tâm đến khách hàng.
Từng có một khởi đầu suôn sẻ, nhưng sau 5 năm, HMD Global đang đứng trước nguy cơ quay lại đúng vị trí mà Nokia từng vấp ngã.
Tham khảo: AndroidAuthority
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top