Sony lí giải vì sao điện thoại Xperia viền dày, triết lí camera trung thực ít lạm dụng AI

Mới đây, nhóm kĩ sư phát triển điện thoại Xperia đã có buổi trò chuyện với các phóng viên bên Nhật Bản, giải đáp 1 số thắc mắc về chiếc flagship Xperia 1 IV mới nhất. Đây là mẫu điện thoại gây chú ý khi có ống kính tele zoom quang trong dải tiêu cự 85-125mm, khá độc đáo trong thế giới smartphone đa phần sử dụng tiêu cự cố định. Song, bên cạnh đó, một số người phàn nàn điện thoại ra mắt vào năm 2022 nhưng vẫn có viền dày. Trong buổi trò chuyện này, nhóm kĩ sư cũng nhận được câu hỏi tương tự và các bạn biết họ trả lời như thế nào không?

Nói không với màn hình “khuyết tật”

Theo đại diện của Sony, họ từ chối áp dụng thiết kế đã rất phổ biến trong ngành công nghiệp là khuyết đỉnh (notch) và đục lỗ (punch hole). Cho đến nay, chưa có chiếc flagship nào của công ty có thiết kế màn hình “khuyết tật” như những hãng khác, đánh đổi lại là phần viền hơi dày trong khi ở các máy khác thì đã mỏng hơn đáng kể. Nhìn chung, người dùng chỉ có thể chọn giữa 2 kiểu thiết kế, hoặc là viền siêu mỏng nhưng phải bị khuyết 1 phần (notch hoặc punch hole), hoặc là màn hình trọn vẹn nhưng viền sẽ hơi dày.
Sony lí giải vì sao điện thoại Xperia viền dày, triết lí camera trung thực ít lạm dụng AI
Sony chọn thiết kế viền dày để vừa đảm bảo chất lượng camera selfie, vừa hiển thị nội dung trọn vẹn (ảnh: ITmedia) Thực tế, rất hiếm điện thoại có thiết kế viền mỏng mà lại không lẹm vào màn hình 1 phần, trừ khi áp dụng thiết kế camera ẩn dưới màn hình. Cách làm này sẽ phải đánh đổi chất lượng camera đáng kể nên không được nhiều hãng lựa chọn. Do vậy, một khi Sony đã chọn cách thiết kế truyền thống không “đục khoét” màn hình thì viền dày là chuyện tất yếu xảy ra. Trên thị trường hiện nay, có lẽ chỉ còn Xperia là theo hướng này.

Vậy tại sao họ lại làm như vậy?

Xperia 1 IV đã nâng cấp camera selife từ cảm biến 8MP kích thước 1/4 inch lên 12MP 1/2.9 inch. Song, các kĩ sư cho biết đã cố giữ cho viền màn hình không dày hơn. Liên quan đến nguyên nhân không áp dụng thiết kế đục lỗ, kĩ sư Sony giải thích họ định vị bản thân là 1 tập đoàn khác biệt với phần còn lại của ngành smartphone. Không giống Apple, Samsung hay Xiaomi, Sony không chỉ kinh doanh đồ điện tử trong đó có điện thoại, mà còn sở hữu cả hãng phim lớn ở Hollywood. Chính vì thế, thiết kế đục lỗ màn hình cản trở trải nghiệm nội dung đã bị từ chối. Có thể hiểu, theo quan điểm của Sony thì điện thoại Xperia còn được xem là 1 công cụ hiển thị nội dung bao gồm cả chính các bộ phim của Sony Pictures, tương tự TV Bravia hay máy chiếu home cinema SXRD. Họ từ chối kiểu thiết kế đại chúng này vì muốn giữ 1 màn hình hiển thị trọn vẹn nội dung, kể cả phải chấp nhận 2 phần viền hơi dày.
Sony lí giải vì sao điện thoại Xperia viền dày, triết lí camera trung thực ít lạm dụng AI
Đến giờ phút này, có lẽ các bạn đã hiểu vấn đề. Nhiều người vẫn kêu ca tại sao điện thoại Xperia lại có phần viền dày như vậy, trong khi điện thoại các hãng khác đều đã chuyển sang thiết kế đục lỗ hay tai thỏ, có viền mỏng hơn. Chẳng lẽ họ không đủ công nghệ để làm mỏng viền? Hóa ra, công ty kiên quyết muốn giữ 1 thiết kế màn hình trọn vẹn, hiển thị không bị khiếm khuyết.

Tự tách mình khỏi thị trường smartphone

Trong tư duy của Sony, họ không giống những hãng làm smartphone kia mà còn là 1 tập đoàn sản xuất nội dung. Việc thiết kế điện thoại vì thế không thể đi theo xu hướng thị trường mà còn phải thỏa mãn chiến lược chung - thiết bị điện tử hỗ trợ cho nội dung giải trí. Điện thoại Xperia phải hiển thị nội dung đầy đủ, đóng vai trò như 1 công cụ tiêu thụ nội dung số mà trong đó sẽ có cả nội dung do Sony sản xuất. Về Sony Pictures, cho những ai chưa biết thì đây là 1 trong 5 hãng phim lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm Big 5 Hollywood. Họ đứng thứ 2 tại phòng vé toàn cầu năm ngoái với doanh thu 2,43 tỷ USD từ phim chiếu rạp, hai năm liên tiếp sở hữu phim Mỹ doanh thu cao nhất toàn cầu.
Sony lí giải vì sao điện thoại Xperia viền dày, triết lí camera trung thực ít lạm dụng AI
Sony là studio sản xuất nội dung độc lập ở Hollywood, đứng sau nhiều bộ phim truyền hình ăn khách Tập đoàn Sony cũng hai năm liền sở hữu tác phẩm điện ảnh ăn khách nhất năm: Demon Slayer The Movie: Mugen Train năm 2020 (503 triệu USD) và Spider-Man: No Way Home năm 2021 (1,89 tỷ USD). Hiện tại, Sony đang là nhà cung ứng nội dung độc lập lớn nhất Hollywood khi không sở hữu nền tảng phát trực tuyến nào, chỉ tập trung vào sản xuất. Đây là studio đứng sau nhiều TV series ăn khách như The Boys, For All Mankind, Better Call Saul, The Crown, Cobra Kai, Sex Education,... Vậy là đã rõ, đừng hy vọng flagship Xperia có viền mỏng nữa nhé! Chừng nào Sony còn quán triệt tinh thần làm việc như vậy thì thiết kế sẽ còn "bảo thủ" như đã thấy trên Xperia 1 IV. Hoặc trừ khi họ chịu bán đi hãng phim, rút khỏi sản xuất nội dung để tập trung vào bán điện thoại.

Camera trung thực như mắt nhìn

Tiếp theo, kĩ sư Sony cũng trao đổi với các phóng viên về triết lý phát triển camera Xperia, cũng như câu chuyện áp dụng nhiếp ảnh điện toán và ứng dụng AI vào chụp ảnh và quay phim. Theo xu hướng chung, hình ảnh chụp bằng smartphone được xử lý bằng công nghệ học máy ngày càng phổ biến. Song với Xperia 1 IV, đại diện Sony lại cho biết “họ ứng dụng AI theo cách riêng so với các công ty khác trong ngành.”
Sony lí giải vì sao điện thoại Xperia viền dày, triết lí camera trung thực ít lạm dụng AI
Sony chọn hướng đi khác biệt so với ngành công nghiệp smartphone (ảnh: Techbang) Để minh họa, đại diện Sony lấy khả năng cân bằng trắng tự động ra làm ví dụ. Họ muốn “đạt được màu sắc trung thực như những gì mắt nhìn thấy.” Điều này không giống với xu hướng hiện nay của smartphone - AI sẽ tinh chỉnh màu sắc sao cho rực rỡ long lanh hơn. Sony nhận xét màu sắc trở nên lòe loẹt so với thực tế và họ không chọn đi theo hướng đó. “Đối với Xperia 1 IV, AI làm cho màu sắc trung thực đáng tin cậy”, đi ngược lại xu hướng chung của ngành.

Triết lý phát triển camera

Theo quan điểm của Sony, triết lý xây dựng camera Xperia là “đem lại sự tự do” cho người sử dụng. Camera flagship Xperia 1 IV hướng đến hàng đầu là người dùng máy ảnh chuyên dụng, những photographer có đam mê với nhiếp ảnh, quay phim. Bằng cách ghi lại bức ảnh và video có màu sắc sát nhất có thể với những gì mắt nhìn thấy, người sử dụng sẽ có nguyên liệu đáng tin cậy để chỉnh sửa theo ý thích nhằm đạt được ý đồ sáng tạo. Bạn làm chủ chiếc máy, không phải điện thoại làm chủ bạn. Không phải lúc nào AI cũng hiểu và thực hiện đúng như chủ ý của bạn.
Sony lí giải vì sao điện thoại Xperia viền dày, triết lí camera trung thực ít lạm dụng AI
Bạn làm chủ camera máy, không phải AI điện thoại làm chủ bạn (ảnh: ITmedia) Do vậy, camera sẽ hạn chế tối đa sự can thiệp của AI. Không giống các hãng smartphone khác, Sony chỉ cung cấp công cụ có khả năng ghi lại hình ảnh trung thực và đầy đủ các tinh chỉnh thông số khi cần, còn lại phụ thuộc vào ý đồ sáng tạo cũng như kiến thức nhiếp ảnh của bạn để đạt được thành quả mong muốn. Anh em nghĩ sao về những chia sẻ này của đội phát triển điện thoại Xperia? Liệu có bảo thủ cực đoan quá hay không? Quan điểm của bạn về việc ứng dụng AI vào xử lý ảnh trên smartphone như thế nào? >>> Dự báo những công nghệ đột phá trên iPhone trong tương lai. Nguồn: ITmedia, Mynavi
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top