dangngocbnd2022
Pearl
Trước Tết nguyên đán vài hôm tôi được anh công an phường gọi lên lấy Căn cước công dân. Cầm tấm căn cước tôi thầm thốt lên, “vậy là mình đã khai sinh trong môi trường số và bắt đầu có tư cách của một công dân số rồi ư?” Nghĩ vậy chẳng biết có đúng không? Và xin chia sẻ cùng mọi người. 1- Dù nhiều người đã bỏ vào ví mình Căn cước công dân có gắn chíp (CCCD) nhưng tôi vẫn xin mô tả một chút về nó, vì có người chưa nhận được. Đó là tấm nhựa cứng hình chữ nhật, bốn góc cắt tròn, chiều dài hơn 85mm, chiều rộng gần 54 mm, độ dày hơn nửa mm, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt. Hai mặt của CCCD in hoa văn màu xanh nhạt, nền mặt trước có hình ảnh trống đồng, bản đồ Việt Nam, hoa sen và các hoa văn, các họa tiết trang trí. Nền mặt sau của thẻ có các hoa văn được kết hợp với các họa tiết đường cong vắt chéo đan xen. Chip điện tử được gắn ở mặt sau thẻ - hình vuông nhỏ xíu, màu vàng, vì thế còn gọi là Thẻ căn cước điện tử (e-ID). Nhiều điều thú vị khi ngắm nghía và tìm hiểu tấm thẻ 12 chữ số mầu đen này! Thì ra, 6 số đầu là: mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi ta đăng ký khai sinh. Còn 6 số sau là khoảng số ngẫu nhiên được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) cấp cho mỗi công dân. Cùng với Số căn cước công dân còn có Số định danh cá nhân, cũng 12 chữ số. Số này cũng được xác lập từ CSDLQGVDC, cấp cho mỗi công Nhân dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến hết đời, không lặp lại ở người khác. Mã số định danh cá nhân này chính là số thẻ CCCD khi công dân đủ 14 tuổi đi làm thủ tục cấp thẻ CCCD. Vậy là Số định danh cá nhân và Số căn cước công dân là hoàn toàn giống nhau.
CCCD chính là loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt, có vai trò nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống CSDLQGVDC. Nó có giá trị chứng minh về CCCD và cho phép ta tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ. Trước hết, một số tiện ích được tích hợp trong thẻ này như thẻ Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội, mã số thuế cá nhân, bằng lái xe... Nước ta hiện có 22 thủ tục, giấy tờ hành chính, thẻ này có thể tích hợp hơn 30 loại giấy tờ khác nhau. Sau này, mỗi công dân chỉ cần sử dụng thẻ này là có thể giao dịch với các cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan nhà nước mà không cần loại giấy tờ gì nữa. Tiết kiệm được bao nhiều thời gian, công sức cho mỗi chúng ta! Trước lúc làm CCCD gắn chip, tôi cũng như nhiều người băn khoăn, “loại thẻ này phải chẳng là công cụ “kiểm soát mềm” với người dân? Giờ nhận CCCD tôi ngộ ra rằng, “không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế”. Bạn có thể tưởng tượng, dù ở bất cứ nơi đâu mình cũng có quyền đến Công an xã, phường, thị trấn nơi đó để yêu cầu cấp 1 giấy chứng minh “tôi là tôi” mà không cần phải quay trở về nơi bạn đăng ký thường trú. Điều đó sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong quá trình thực hiện quyền tự do cư trú của mình. Việc cấp CCCD có gắn chip ở nước ta quả là chậm so với các nước công nghiệp phát triển, họ đã sử dụng loại thẻ này từ những năm 1990 và hiện có khoảng 70 quốc gia trên thế giới sử dụng loại thẻ này, do đó bảo đảm tốt hơn quyền được sống, các quyền cơ bản nhất của người dân, mà không có chuyện công dân sử dụng thẻ chip bị “định vị mình đang ở đâu”. Thực tế đã chỉ ra rằng, rất nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina khi dùng loại thẻ này có tích hợp thông tin liên quan đến bằng lái xe thì tình trạng tai nạn giao thông giảm hẳn. CCCD gắn chip còn có tính bảo mật tốt hơn, chống được nạn giấy tờ giả, chống cài đặt trái phép. Nếu chẳng may bạn bị trộm cắp thì cũng đừng lo lộ lọt thông tin, chỉ người chủ sở hữu mới có thể sử dụng được. Vì ngoài số định danh cá nhân còn có thông tin cá nhân, sinh trắc học, nhận dạng... Vậy là giờ đây, tôi và tất cả những người có CCCD gắn chip chỉ cần một nút chạm trên điện thoại thông minh sẽ được hưởng những thành quả hữu ích từ sự nỗ lực và quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, trong quá trình xây dựng Luật Cư trú (sửa đổi), CSDLQGVDC và Luật Căn cước công dân. Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chip và Dự án CSDLQGVDC đưa vào hoạt động năm qua, đã mở ra giai đoạn mang ý nghĩa quan trọng và đột phá không chỉ đối với công tác nghiệp vụ của ngành Công an mà còn là tiền đề cơ bản cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số ở nước ta. 2- Xã hội số được hình thành từ những công dân số. Hiểu theo nghĩa hẹp thì xã hội số gồm có công dân số và văn hóa số. Biết kết nối Internet, sở hữu tấm CCCD có gắn chip nghĩa là tôi cũng như nhiều người khác bắt đầu sống trong xã hội số đang bắt đầu hình thành ở nước ta và mình đang tập làm “công dân số”. Muốn trở thành công dân tốt thì ở xã hội nào cũng phải học, học văn hóa, học làm người, làm công dân số lại càng phải học, phải làm theo pháp luật, bởi có tới 9 yếu tố cấu thành công dân số: Trước hết là, khả năng truy cập số. Không phải ai cũng có cơ hội như nhau trong việc sử dụng các phương tiện, công cụ truy cập điện tử, tiếp cận công nghệ số và nguồn thông tin số (như truy cập Internet, tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, các thiết bị, ứng dụng công nghệ số…). Do vậy, việc có thiết bị đảm bảo khả năng truy cập số là yếu tố khởi đầu cho mọi công dân số. Thứ đến là chuẩn mực đạo đức trong môi trường số. Các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử trên môi trường số là vấn đề rất đáng quan tâm của công dân số. Đây là yếu tố để tạo nên một công dân số có trách nhiệm trong xã hội số. Tiếp đến là luật lệ số. Luật lệ số liên quan đến đạo đức công nghệ trong xã hội số. Một công dân số không được phép vi phạm bản quyền, đạo văn, tạo và phát tán virút, đánh cắp thông tin, giả mạo định danh... Ăn cắp hoặc gây thiệt hại tới công việc, danh tính hoặc tài sản trực tuyến của người khác là một hình thức phạm tội. Xã hội số có những quy tắc nhất định mà bất kì công dân số nào cũng phải nhận thức và tuân theo khi hoạt động trên môi trường trực tuyến. Ý thức được điều đó nên tôi thường tìm hiểu về Luật Công nghệ thông tin và các luật có liên quan và cố gắng thực hành để tránh việc vi phạm vì thiếu hiểu biết. Xã hội là một cộng đồng có sự ràng buộc, liên kết với nhau. Ở đó, con người kết nối với nhau thông qua giao tiếp. Giao tiếp là hoạt động diễn ra thường nhật, mọi lúc mọi nơi, mọi lĩnh vực. Một trong những thay đổi quan trọng trong cuộc cách mạng 4.0 là khả năng giao tiếp trong môi trường số và đây là yếu tố thứ 4 mà công dân số phải học giao tiếp với người khác, thông qua nhiều hình thức giao tiếp số, ví như e-mail, sử dụng điện thoại di động, nhắn tin tức thời, cuộc gọi kèm hình ảnh… Yếu tố này có liên quan tới yếu tố kiến thức và kỹ năng số cơ bản. Công dân trong xã hội số cần được trang bị kiến thức, kỹ năng số cơ bản, sử dụng thành thạo các công nghệ số, kỹ năng tìm kiếm, xử lý thông tin, xác định nguồn gốc thông tin… phục vụ cho hoạt động học tập, làm việc, tương tác trong xã hội số. Các yếu tố còn lại như Mua bán trên mạng; Sức khỏe thể chất và tâm lý trong môi trường số; Quyền và trách nhiệm trong môi trường số thì yếu tố thứ 9 là An toàn trong môi trường số là không thể coi thường, vì mất an toàn thì còn gì mà hoạt động. An toàn trong môi trường số nghĩa là bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư trên không gian mạng, bảo vệ định danh cá nhân, tránh khỏi sự ăn cắp, phá hoại của các cá nhân có mục đích xấu. Một trong những biện pháp đảm bảo an toàn trong môi trường số bao gồm xác thực điện tử, sử dụng phần mềm bảo vệ chống vi-rút và kiểm soát thiết bị số cá nhân... Những suy nghĩ, tâm sự của tôi - một người đang tập làm công dân số chỉ mong chia sẻ những hiểu biết còn it ỏi của mình tới mọi người, vì đối tượng của công dân số là bất kỳ ai: một đứa trẻ, thanh thiếu niên hoặc người lớn, không giới hạn về giới tính, độ tuổi, sắc tộc, tôn giáo và nơi sống, và mong có sự tương tác để hiểu kỹ hơn về một khái niệm mới - Xã hội số, công dân số. Và đó cũng là cách tạo ra nội dung thiết thực trên nền tảng số. ĐĂNG NGỌC