Tào Tháo chết như thế nào?

Christine May

Editor
Thành viên BQT
Tào Tháo nổi danh là một "gian hùng" trong thời loạn thế Tam Quốc. Gian trá, xảo quyệt, mưu mô và tàn nhẫn, ông đều có đủ cả. Vì vậy, người ta không khỏi tò mò muốn biết Tào Tháo chết như thế nào?
Tào Tháo (155-220) trải qua gần 40 năm tung hoành trên lưng ngựa, "gần như không có năm nào không xuất chinh". Tiếc rằng, cuối cùng Tào Tháo chết cũng không thực hiện được giấc mộng nhất thống giang sơn.
Tào Tháo chết như thế nào?
Theo sử liệu, sinh thời Tào Tháo đã mắc bệnh đau đầu trong nhiều năm. Ông đã sai người triệu danh y Hoa Đà - là người đồng hương ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu, đến chữa trị. Do thuốc của Hoa Đà hiệu nghiệm, ông đã giữ Hoa Đà lại bên mình một thời gian. Những lúc bị đau, ông nhờ Hoa Đà châm cứu cho một vài mũi kim thì bệnh tình đỡ đi nhiều.
Sau này Tào Tháo có người nhà mắc bệnh, lại gọi Hoa Đà tới chữa. Được một thời gian chưa xong, Hoa Đà xin về nhà thăm vợ có bệnh, lại xin nghỉ thêm ít lâu nữa. Tào Tháo nghi ngờ, sai người đến dò xét thì thấy vợ Hoa Đà không có bệnh gì, bèn hạ lệnh bắt Hoa Đà vào ngục hỏi tội.
Sau khi Hoa Đà bị giam, mưu thần nổi tiếng của Tào Tháo là Tuân Úc lên tiếng xin tha cho Hoa Đà. Tào Tháo thẳng thừng nói: “Không đáng phải lo lắng, chẳng lẽ thiên hạ không có một thầy thuốc nào khác sao?”.
Cuối cùng, bị cai ngục tra tấn, Hoa Đà chết trong ngục, khoảng năm 208. Mà Tào Tháo đến tận năm 220 mới qua đời (Tam quốc diễn nghĩa viết, Hoa Đà chết trong ngục không lâu sau thì Tào Tháo chết).
Theo sử liệu, năm 219, Tào Tháo lại tái phát bệnh đau đầu. Ông giao lại bản doanh Nghiệp Thành của nước Ngụy cho thế tử Tào Phi quản lý, còn mình về Lạc Dương dưỡng bệnh. Hứa Xương lúc đó chỉ còn vua hư danh Hán Hiến Đế.
Bị bệnh đau đầu hành hạ không có ai chữa được, Tào Tháo rất ân hận vì đã giết Hoa Đà. Tháng giêng năm 220, Tào Tháo qua đời, thọ 66 tuổi. Ông ở ngôi Ngụy vương được 5 năm.
Thế tử Tào Phi lên nối ngôi Ngụy vương. Vài tháng sau, Tào Phi ép vua Hán Hiến Đế nhường ngôi, lập ra nhà Ngụy, đóng đô ở Lạc Dương. Tào Tháo được truy tôn là Thái Tổ Vũ Hoàng Đế, thường gọi là Ngụy Vũ Đế.
Tào Tháo chết như thế nào?
Ngôi mộ được cho là mộ Tào Tháo ở Hà Nam
Khi còn sống, vì đa nghi nên Tào Tháo đã giết nhầm rất nhiều người nên có khá nhiều kẻ thù, Tào Tháo muốn sau khi chết không bị những kẻ thù kia lật mộ lên mà trả thù. Bởi vậy ngày an táng Tào Tháo, có tới 72 cỗ quan tài từ hướng Đông, Tây, Nam và Bắc cùng một lúc được khênh ra các cổng thành. Dân trong thành, thậm chí lính khênh quan tài cũng không biết quan tài nào là thật và trong 72 ngôi mộ, ngôi mộ nào là thật.
Bí ẩn thiên cổ về 72 ngôi mộ Tào Tháo đến nay vẫn chưa có lời giải. Điều này đã thu hút sự chú ý của những kẻ đào trộm mồ mả song chưa có ai đào được mộ thật của Tào Tháo.
Vào ngày 3/4/2009, hơn 11 nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc về giai đoạn lịch sử Tần Hán và Ngụy Tấn Nam Bắc Triều đã mở một cuộc hội nghị thảo luận về ngôi mộ cổ phát hiện ở An Dương, Hà Nam được cho là mộ Tào Tháo hồi cuối năm 2008.
Năm 2008, một nhóm nhà khoa học bắt đầu tiến hành khai quật khu mộ được cho là đã 1800 năm tuổi. Trong khu mộ có diện tích 740m2, kích cỡ tương đương nhiều ngôi mộ dành cho vua chúa, người ta tìm thấy vài mẫu xương cùng với hơn 250 đồ vật bằng vàng, bạc và gốm.

Vị trí ngôi mộ cũng tương thích với những ghi chép lịch sử và thư tịch cổ từ thời Tam Quốc. Nhưng những tranh cãi sau đó đã đưa nhận định tìm thấy mộ Tào Tháo trở nên mong manh. Trong khi đó, mộ người con trai của họ Tào là Tào Phi ít gây ra tranh cãi hơn. Có khoảng 4-5 ngôi mộ được cho là của Tào Phi và các học giả tin rằng ngôi mộ thật nằm ở Vu Sơn, Sơn Đông, được phát hiện năm 1951.
Các nhà khảo cổ độc lập đã tỏ ra nghi ngờ những tuyên bố về ngôi mộ ở An Dương là của Tào Tháo. Người ta đã đề nghị xét nghiệm ADN mẫu xương lấy từ ngôi mộ này và so sánh với xương trong ngôi mộ được cho là của Tào Phi.
Tuy nhiên, Lưu Vũ Tân, một người chịu trách nhiệm coi sóc di tích mộ Tào Phi nói 28 mẫu xương được cho là của Tào Phi đã bị thất lạc trong những năm 1950.
Trong ngôi mộ ở An Dương, người ta tìm thấy hài cốt của ba người, một đàn ông và hai phụ nữ. Người đàn ông chết ở tầm tuổi ngoài 60, phù hợp với tuổi thọ của Tào Tháo.
Một chi tiết gây ngạc nhiên: trong ngôi mộ được cho là của Tào Tháo đó, người ta tìm thấy một cái bô bằng gốm (dùng để đi vệ sinh). Các chuyên gia cho rằng không thể có một vật như thế trong mộ của vua. Nhưng cũng có người cho rằng ở thời Hán, điều này là có thể. Người ta từng tìm thấy những vật tương tự trong những lăng mộ cổ thời ấy.
Cũng có người cho rằng, lúc sống Tào Tháo cho người xây dựng 72 ngôi mộ là cố ý bày ra một mê hồn trận và rất có thể 72 ngôi mộ ấy đều trống rỗng. Thi thể của Tào Tháo đã được chôn ở một nơi bí mật khác, Tào Tháo là một người túc trí đa mưu nên ông không thể không nghĩ tới việc nếu ông chôn tại một ngôi mộ nào đó trong 72 ngôi mộ thì người đời sau sẽ đào hết cả 72 ngôi mộ.
Trên thực tế, không chỉ riêng Tào Tháo, mà với hầu hết các nhân vật Tam Quốc, mộ phần đích thực của họ đến nay vẫn là một câu hỏi lớn cho đời sau.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top