Tàu sân bay Mỹ từng va chạm với tàu ngầm Soviet được bán với giá chưa đến 1 USD

Từng là biểu tượng số một cho sức mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã tham gia nhiều trận chiến ở Việt Nam cho đến vịnh Ba Tư, và sống sót trở về sau một vụ đụng độ với tàu ngầm Soviet, nhưng những ngày tháng vinh quang của USS Kitty Hawk nay đã dần đi đến hồi kết. Siêu tàu sân bay này hiện đang thực hiện chuyến đi cuối cùng của mình trên tuyến đường dài 16.000 dặm từ Washington đến Texas, nơi nó sẽ bị...xẻ thành nhiều mảnh và bán sắt vụn.
Theo CNN, công ty International Shipbreaking Limited ở Brownsville (Texas) đã mua lại con tàu này vào năm ngoái với giá chưa đến 1 USD từ US Naval Sea Systems Command, cơ quan quản lý việc tiêu hủy những chiến hạm đã hết thời hạn phục vụ.
Tàu sân bay dài 319,13 mét, rộng 76,81 mét này có kích thước quá lớn, không thể đi qua kênh đào Panama được. Do đó, trong những tháng sắp tới, Kitty Hawk sẽ chạy dọc theo bờ biển Nam Mỹ và đi qua vịnh Mexico để đến “nơi an nghỉ cuối cùng”.
Tàu sân bay Mỹ từng va chạm với tàu ngầm Soviet được bán với giá chưa đến 1 USD
Tàu kéo Hải quân hỗ trợ USS Kitty Hawk trong chuyến đi cuối cùng đến xưởng phá tàu ở Texas
Được chính thức nhổ neo vào năm 1960, đặt tên theo một vùng ở Bắc Carolina nơi mà anh em nhà Wright đã thử nghiệm thành công chiếc máy bay có động cơ đầu tiên, Kitty Hawk phục vụ trong Hải quân Mỹ trong gần 50 năm trước khi “về hưu” vào năm 2009.
Đây là tàu sân bay cuối cùng của Mỹ vận hành bằng dầu, tàn tích của một thời đã xa, trước khi những tàu chiến lớp Nimitz sử dụng nhiên liệu hạt nhân xuất hiện.
Không lâu nữa, những gì còn lại của Kitty Hawk sẽ chỉ là một câu chuyện có phần sôi động về năm tháng thăng trầm của nó xuyên suốt Chiến tranh Việt Nam và Chiến tranh lạnh, cũng như trong thời kỳ hậu chiến với những thay đổi chóng mặt trong xã hội nước Mỹ.

Chiến tranh Việt Nam

Trong một thập kỷ, từ đầu những năm 1960, Kitty Hawk là trụ cột của lực lượng quân đội Mỹ đóng ở ngoài khơi Việt Nam.
Vào thời điểm đó, phi đội máy bay trên tàu thực hiện trung bình 100 lần xuất kích mỗi ngày trên những chiến trường khốc liệt ở nước ta từ một nơi gọi là Yankee Station, một khu vực thuộc Biển Đông nơi tàu chiến Mỹ chực chờ để nã pháo vào lực lượng kháng chiến miền Bắc Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ từng va chạm với tàu ngầm Soviet được bán với giá chưa đến 1 USD
Máy bay ném bom trinh sát Tupolev TU-16 Badger-A do Nga sản xuất bay cùng các máy bay hộ tống của Hải quân Mỹ phía tên USS Kitty Hawk trong Chiến tranh lạnh ở Bắc Thái Bình Dương vào tháng 1/1963
Kitty Hawk tham gia trận chiến cuối cùng ở Việt Nam vào năm 1972. Nhưng trong chiến dịch cuối cùng này, nó đã trở thành tâm điểm của một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ, mà về sau được nhắc đến như là “một chương buồn trong lịch sử lực lượng Hải quân”.

Bạo loạn sắc tộc​

Những cuộc bạo loạn sắc tộc bắt đầu nổ ra trên tàu giữa lúc căng thẳng leo thang sau một lần neo đậu ở Philippines. Có khá nhiều giả thuyết về nguyên nhân của chúng. Một số nói rằng đó là kết quả của việc các thủy thủ da màu bị điều tra do một vụ ẩu đả trong một quán bar ở Philippine, trong đêm trước ngày tàu được lệnh quay lại Việt Nam. Số khác nói rằng xung đột xảy ra khi một thủy thủ da màu bị từ chối phục vụ thêm bánh sandwich, trong khi một thủy thủ da trắng khác lại không bị gây khó dễ.
Dù nguyên nhân là gì đi nữa, đã có máu đổ ngay trên boong tàu.
Cuộc ẩu đả lan ra nhanh chóng trên toàn chiếc tàu, với những nhóm thủy thủ da màu và da trắng cướp bóc các khoang và tấn công lẫn nhau bằng nắm đấm, xích sắt, mỏ lết, và ống nước” - theo David Cortwright, hiện là giám đốc Viện Kroc thuộc Đại học Notre Dame.
Cuộc bạo loạn và căng thẳng sắc tộc trên boong tàu Kitty Hawk là minh chứng rõ nét cho sự bất bình đẳng sắc tộc gay gắt, đang diễn ra trong lòng xã hội nước Mỹ thời điểm đó.
Tàu sân bay Mỹ từng va chạm với tàu ngầm Soviet được bán với giá chưa đến 1 USD
Thủy thủ đoàn hướng dẫn máy bay hạ cánh trên USS Kitty Hawk ngoài khơi miền Bắc Việt Nam trong trận đánh Vịnh Bắc Bộ năm 1972
Theo các báo cáo thì số thủy thủ da màu chiếm chưa đến 10% trong tổng số 4.500 thủy thủ đoàn Kitty Hawk. Và chỉ 5 trong số 348 sỹ quan trên tàu là người da màu.
Báo cáo quốc hội về vụ ẩu đả đêm 12-13/10/1972 cho biết đã có 47 thủy thủ bị thương, “tất cả trừ 6 hoặc 7 người” là da trắng.
Và dù cuộc điều tra của quốc hội đã buộc quân đội Mỹ phải thực hiện nhiều kế hoạch nhằm chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới. Nhưng bản thân bản báo cáo của tiểu ban lại sặc mùi ngôn ngữ định kiến, cho thấy sự bất công sắc tộc ở nước Mỹ đang sâu sắc đến mức nào.
Tính đến ngày 31/12/2020, số thủy thủ da màu chiếm 17,6% tổng số thủy thủ đang phục vụ trong lực lượng Hải quân Mỹ.

Phụ nữ, tàu ngầm Soviet, và sản phẩm tình báo bất ngờ

Đại úy về hưu James Fanell cho biết, vào thời điểm ông được phân công làm sỹ quan tình báo không quân trên tàu Kitty Hawk vào những năm 1990, cuộc bạo loạn sắc tộc đã bị lãng quên từ lâu.
Hầu hết thủy thủ trên tàu không phải các nhà sử học, do đó thứ họ tìm kiếm là lần cập cảng tiếp theo, hay nhiệm vụ tiếp theo được phân công” - ông nói.
Nhưng trong thập niên 1990, một vấn đề xã hội khác xuất hiện - nữ giới bắt đầu gia nhập hải quân.
Fanell nói rằng khi ông lần đầu ra biển vào năm 1987 trên một tàu sân bay khác, chiếc USS Coral Sea, không có người phụ nữ nào trên boong cả. “Một thập kỷ sau đó chúng tôi lên tàu Kitty Hawk, có 8 sỹ quan đội tàu và tình báo làm việc cho tôi - trong tổng số 11 người. Một bước chuyển biến khá đáng chú ý” - ông nói.
Hiện nay, nữ giới chiếm hơn 20% tổng quân số của Hải quân Mỹ.
Trong những năm giữa cuộc xung đột sắc tộc và sự xuất hiện của các nữ thủy thủ đoàn, tàu Kitty Hawk còn đụng độ một tàu ngầm hạt nhân của Soviet. May thay, nó vẫn bình an vô sự dù có một mảnh tàu ngầm mắc vào thân.
Vào tháng 3/1984, trong quá trình hoạt động ở vùng nước mở giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, tàu Kitty Hawk và các tàu hộ tống đã đụng độ tàu ngầm Soviet, mà sau này được xác định là K-314, một tàu lớp Victor nặng 5.000 tấn với thủy thủ đoàn khoảng 90 người.
Tàu sân bay Mỹ từng va chạm với tàu ngầm Soviet được bán với giá chưa đến 1 USD
Máy bay hạ cánh trên USS Kitty Hawk trong cuộc chiến Iraq vào ngày 19/1/1993
Trước khi va chạm, đội tàu Mỹ đã sử dụng một kỹ thuật đánh lừa nhằm khiến tàu ngầm Soviet không thể dò ra vị trí của mình. Khoảng 10h đêm ngày 21/3/1984, khi tìm cách định vị tàu sân bay, K-314 đã phải trồi lên khỏi mặt nước. Trang Top War của Nga cho biết, chỉ huy tàu K-314 đã ra lệnh lặn khẩn cấp ngay sau đó để tránh va chạm, nhưng vừa xong thì bị húc một cú mạnh, và vài giây sau là một cú húc tiếp theo. Rõ ràng tàu ngầm không có đủ thời gian để lặn đến độ sâu an toàn và đã va chạm với một vài tàu chiến Mỹ. Hóa ra, đó là tàu sân bay Kitty Hawk.
Tàu ngầm Soviet 5.000 tấn không là gì so với tàu sân bay 80.000 tấn của Mỹ trong vụ va chạm này. “Mọi người trên tàu Kitty Hawk chờ tàu ngầm lặn sâu và từ đó dò ra được nó”, bởi tàu sân bay không thể phát hiện ra tàu ngầm ở cự ly gần bởi tiếng ồn từ chân vịt và sóng áp lực dưới nước mà nó tạo ra - theo lời Carl Schuster, cựu sỹ quan Tình báo Hải quân Mỹ. “Tuy nhiên, chỉ huy tàu ngầm có vẻ đã ước lượng sai khoảng cách với tàu sân bay và không tăng độ sâu cho đến khi quá trễ. Do đó, ông ta khiến một phần của tàu ngầm (chân vịt) mắc vào thân tàu sân bay”.
K-314 sau đó mất động cơ và được kéo về cảng Soviet ở Vldivostok.
Kitty Hawk tiếp tục hành trình với một chiến lợi phẩm từ Chiến tranh lạnh - một mảnh tàu ngầm Soviet dính vào thân tàu.
Ngoài ra, trên thân tàu Kitty Hawk còn dính một vài lớp lót từ lớp phủ chống xung của tàu ngầm Soviet, một loại polymer giúp tàu ngầm chạy êm ái hơn dưới nước. Một số nói rằng đây là sản phẩm tình báo cực kỳ quan trọng đối với quân đội Mỹ.

Những năm về sau

Kitty Hawk tiếp tục là một phần quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong hơn 2 thập kỷ sau vụ va chạm với tàu ngầm Soviet.
Vào đầu những năm 1990, nó đã hỗ trợ cho quân đội Mỹ tại Somalia và đóng vai trò bệ phóng cho các cuộc không kích ở Iraq (lúc bấy giờ đang dưới sự lãnh đạo của Saddam Hussein).
Vào mùa hè năm 1998, Kitty Hawk đến Nhật Bản, cập cảng Yokosuka, nhà của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ. Tại đây, Kitty Hawk là tàu sân bay duy nhất của Mỹ đóng ở ngoài lục địa châu Mỹ trong suốt 10 năm liên tiếp.
Nhưng nay, nước Mỹ không còn nơi nào cho Kitty Hawk quay về.
Tàu sân bay Mỹ từng va chạm với tàu ngầm Soviet được bán với giá chưa đến 1 USD
USS Kitty Hawk trên đường rời khỏi cảng Yokosuka vào ngày 17/5/2005
James Melka, một thợ máy trên tàu sân bay vào những năm 1960, cùng Hội cựu chiến binh Kitty Hawk, đã lập chiến dịch kêu gọi biến con tàu thành một viện bảo tàng, giống các tàu sân bay khác bao gồm Intrepid ở New York, Midway và Hornet ở California, Yorktown ở Nam Carolina, và Lexington ở Texas.
Nhưng Hải quân Mỹ từ chối ý tưởng này vào năm 2018.
Sẽ không còn ai biết được một chiếc tàu sân bay lớp Kitty Hawk là gì nữa. Họ sẽ chỉ thấy tranh ảnh. Họ sẽ không thể thấy con tàu thực sự và được bước đi trên nó” - Melka nói.
Fanell nói rằng ký ức về con tàu sẽ được gìn giữ bởi hàng trăm ngàn thủy thủ từng làm việc trên boong tàu.
Và tôi chỉ là một trong số đó. Cứ nghĩ về mọi con người đã ở trên tàu và vô vàn ký ức được tạo ra”
Khi số phận con tàu đã được định đoạt, Fanell gửi thư cho những cựu đồng đội để nhắc họ về thời gian đã qua cùng nhau và những gì sắp sửa mất đi.
Thật sự buồn khi nghĩ đến mọi ký ức đó nhưng lại mất đi một thứ liên kết tất cả chúng ta với nhau. Tàu USS Kitty Hawk” - ông viết.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, và ký ức của chúng ta sẽ nhạt nhòa đi, nhanh hơn một chút, khi con tàu của chúng ta bị xé tan bởi những lưỡi dao”
Tham khảo: CNN
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top