Theo nghiên cứu, những người hoài nghi về Thượng Đế là những người kém hạnh phúc nhất

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, những người lo lắng hoặc không chắc chắn về mối quan hệ với một đấng thiêng liêng như Thượng Đế, có thể bất hạnh hơn những người có sự gắn bó sâu sắc lẫn những người không tin tưởng, xa cách với Thượng Đế.
Theo nghiên cứu, những người hoài nghi về Thượng Đế là những người kém hạnh phúc nhất
Tiến sĩ Matthew Henderson, tác giả nghiên cứu, cho biết, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh các thực hành tôn giáo như cầu nguyện, tham gia các nghi lễ tôn giáo sẽ có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tâm thần. “Tuy nhiên, một điều chúng ta vẫn chưa biết rõ lắm là, các niềm tin tôn giáo cụ thể liên quan tới sức khỏe và hạnh phúc như thế nào. Vì các niềm tin là một chiều hướng quan trọng của các thực hành tôn giáo, đây là một lỗ hổng rõ ràng trong hiểu biết của chúng ta về tôn giáo và sức khỏe”. Ngoài ra, các nhà khoa học nghi ngờ rằng, mối quan hệ giữa niềm tin và hạnh phúc tâm lý không tỉ lệ thuận với nhau. Họ cho rằng, những gì một người tin vào thượng đế, đấng thiêng liêng, đời sống sau khi chết v.v... là một yếu tố dự báo về hạnh phúc tâm lý của họ ít quan trọng hơn so với sự chắc chắn trong những niềm tin của họ.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ một khảo sát quốc gia năm 2010 ở Mỹ trên 1.600 người về mối quan hệ giữa các loại niềm tin tôn giáo và hạnh phúc tâm lý (psychological well-being) khác nhau.
Để đánh giá mối quan hệ với Thượng Đế, các tác giả đưa ra một thang đo 6 bậc từ tham gia tới không tham gia, tiêu biểu là:
  • Tôi có một mối quan hệ ấm áp với Thượng Đế.
  • Thượng Đế biết khi nào tôi cần giúp đỡ.
  • Dường như Thượng Đế có rất ít hoặc không có chút hứng thú gì tới những vụ việc của tôi.
Nghiên cứu này có hai đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu về tôn giáo và sức khỏe, theo tiến sĩ Henderson và tác giả thứ hai-tiến sĩ Blake Victor Kent.
Đóng góp đầu tiên là khẳng định những người có sự gắn bó an toàn với Thượng Đế có hạnh phúc tâm lý tốt hơn. Đồng thời, điều này cũng đúng với những người ít gắn bó với Thượng Đế hơn. “Nói cách khác, những người nhận thức Thượng Đế gần gũi, hỗ trợ, dễ đáp ứng được dự báo sẽ có sức khỏe tâm lý tương tự những người xem Thượng Đế là xa cách, lạnh lùng”. Và “những người có quan điểm về thượng đế ở giữa hai quan điểm này sẽ kém hạnh phúc hơn về mặt tâm lý”, lời tác giả Henderson.
Những người đứng giữa, lo lắng hoặc không chắc chắn về Thượng Đế sẽ có nhiều khả năng mắc phải các triệu chứng rối loạn tâm lý sau cao hơn: lo âu, ảo giác, ám ảnh, rối loạn cưỡng chế...
Đồ thị biểu hiện kết quả này là một đường cong hình chữ U đảo ngược. Kết quả này khác với hầu hết các nghiên cứu về sự gắn bó với Thượng Đế trước đây, cho thấy một mối quan hệ tuyến tính đơn giản. Những người gắn bó với thượng đế nhiều hơn có sức khỏe tâm thần tốt hơn và ngược lại, những người xa cách Thượng Đế nhiều hơn sẽ có sức khỏe tâm thần tệ hơn.
Theo nghiên cứu, những người hoài nghi về Thượng Đế là những người kém hạnh phúc nhất
(Ảnh: The Salt Lake City)
Đóng góp thứ hai liên quan tới sự lo lắng về mối quan hệ của một người nào đó với đấng thiêng liêng và cách mà nó làm cho hạnh phúc tâm lý kém hơn.
Tiến sĩ xã hội học Kent chia sẻ với Newsweek “số nghiên cứu về tôn giáo và sức khỏe, cách chúng liên quan tới nhau ngày càng gia tăng đáng kể”. Trước đó, đã có nhiều nghiên cứu tập trung vào một vài phương pháp liên quan tới tôn giáo như sự tham gia, tần suất cầu nguyện, tầm quan trọng của tôn giáo trong cuộc sống con người và mối quan hệ của những yếu tố này tới cả sức khỏe tâm thần lẫn tôn giáo.
Theo Kent, vấn đề này đã được một số nhà tâm lý học xem xét từ một quan điểm nhiều chiều hơn từ cách đây 20 năm.
Sự gắn bó với Thượng Đế đã trỗi dậy như là một trong những ảnh hưởng mạnh mẽ, quan trọng nhất đến sức khỏe tâm thần, và đôi khi còn quan trọng hơn cả sự tham gia tôn giáo”. Nghiên cứu của Henderson và Kent không giả định xu hướng của con người với đấng thiêng liêng là cố định mà có thể thay đổi, đặc biệt là khi chúng ta gặp phải những căng thẳng lớn trong đời. “Khi mọi người trải qua một sự kiện căng thẳng trong đời, chẳng hạn như sự ra đi của một người thân gần gũi, họ cũng có thể thay đổi cách họ nhìn Thượng Đế”. Nghiên cứu này “khá trung lập” về những niềm tin tôn giáo cụ thể của mọi người, Henderson cho biết.
Dù kết luận những người gắn bó với Thượng Đế nhiều nhất (an toàn) hoặc ít nhất (xa cách) sẽ có sức khỏe tâm lý tốt hơn những người đứng giữa (lo lắng, nghi ngờ), nhưng các nhà nghiên cứu không có ý nói sự né tránh Thượng Đế là không có vấn đề. “Sự né tránh là điều xảy ra ngay khi bạn ngừng tin cậy Thượng Đế-bạn không tin rằng Thượng Đế ở đó vì bạn, vì vậy bạn học cách dựa vào chính mình, và quan điểm đó cũng mở rộng ra với những người khác”, lời tiến sĩ Kent.
Và cho dù sự né tránh Thượng Đế không phải là một cảnh báo nguy hiểm về một số khía cạnh trong sức khỏe tâm thần, các tác giả vẫn khẳng định là, sự né tránh vẫn có thể gây rắc rối trong các mối quan hệ, đặc biệt là các mối quan hệ ở nhà thờ. “Chúng ta càng hiểu rõ cách chúng ta liên hệ với Thượng Đế và những người khác nhiều hơn thì chúng ta càng khỏe mạnh hơn”, tác giả Henderson chia sẻ.
Công trình này đã được công bố trên tập san khoa học Journal for the Scientific Study of Religion (Tập san nghiên cứu khoa học tôn giáo) tháng 12 năm ngoái (2021).
Tiến sĩ Blake Victor Kent là tiến sĩ xã hội học, trợ lý giáo sư khoa Xã hội học và Nhân chủng học đại học Westmont College, còn tiến sĩ Matthew Henderson là trợ lý giáo sư khoa Nghiên cứu Gia đình và Xã hội học Union University. Westmont College và Union University đều là những cơ sở giáo dục đại học tư thục Thiên Chúa giáo ở Mỹ.
Nguồn: Newsweek, Neurosciencenews

<< 4 lý do bạn luôn cảm thấy mình không hạnh phúc

https://www.newsweek.com/poorer-mental-health-linked-stronger-religious-attachment-national-study-says-1666472
Tham khảo:
https://neurosciencenews.com/neurotheology-mental-health-19873/
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jssr.12767
https://www.westmont.edu/sites/default/files/2022-03/Blake%20Victor%20Kent%20-%20CV%20-%202022.pdf
https://www.westmont.edu/people/blake-victor-kent-phd
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top