“Thuế Apple” là gì mà cả thế giới đang nóng mặt, yêu cầu cắt giảm

Bỉ Ngạn Hoa

Moderator
Apple có một kho ứng dụng gọi là App Store dành cho các thiết bị chạy hệ điều hành iOS. Apple tính phí 30% cho việc sử dụng App Store và hệ thống thanh toán trong ứng dụng của mình. Phí đó gọi là phí hoa hồng, còn được gọi là “thuế Apple” (Apple Tax).

1724209264447.png

Mức “thuế Apple” lên tới 30% đang khiến nhiều quốc gia không hài lòng. Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách pháp lý để điều chỉnh, ép buộc Apple phải giảm “thuế Apple”.

Ngày 12 /6/2024, quốc hội Nhật Bản đã thông qua Đạo luật thúc đẩy cạnh tranh cho phần mềm điện thoại thông minh được chỉ định (Act on Promotion of Competition for Specified Smartphone Software), lấy cảm hứng từ Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU. Đạo luật này dự kiến có hiệu lực sau 18 tháng nhằm mục đích cắt giảm đáng kể “thuế Apple”. Theo đạo luật này, mức phí hoa hồng trên App Store tiêu chuẩn của Nhật Bản sẽ giảm từ 30% xuống còn 17%, mức thấp nhất ở khu vực Đông Á.

Theo đạo luật mới của Nhật, Apple và App Store của hãng sẽ được phân loại là "Nhà cung cấp được chỉ định", bị cấm hạn chế các hệ thống thanh toán của bên thứ ba. Đạo luật này sẽ hạn chế các nhà phát triển ứng dụng hiển thị giá sản phẩm trên trang web trong các ứng dụng và áp đặt các hạn chế đối với việc cung cấp đường link đến các sản phẩm trên trang web trong các ứng dụng. Vi phạm có thể dẫn đến lệnh cấm và phạt tiền lên tới 30% doanh thu hàng năm, do Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản (JFTC) thực thi.

Trước Nhật, Hàn Quốc đã đi đầu trong cuộc đàn áp “thuế Apple”. Vào năm 2021, Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật Kinh doanh Viễn thông ra lệnh cấm các nhà điều hành cửa hàng ứng dụng ép buộc các nhà phát triển phần mềm sử dụng hệ thống thanh toán của họ. Cuối năm ngoái, cơ quan quản lý viễn thông của nước này là Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) đã cáo buộc cả Apple và Google ép buộc các nhà phát triển ứng dụng sử dụng các phương thức thanh toán cụ thể, đồng thời cảnh báo về khoản tiền phạt có thể lên tới 50,5 triệu USD.

Bất chấp những nỗ lực của Apple nhằm giảm phí hoa hồng trên App Store tại EU, Ủy ban Châu Âu vẫn tiếp tục xem xét kỹ lưỡng các hoạt động của quả Táo. Vào ngày 24/6/2024, Ủy ban Châu Âu đã tiết lộ những phát hiện sơ bộ rằng các điều khoản App Store được cập nhật của Apple vẫn vi phạm DMA bằng cách cản trở các nhà phát triển ứng dụng tự do điều hướng người tiêu dùng đến các kênh quảng cáo khác nhau.

1724209518411.png

Châu Âu là khu vực đưa ra các quy định trấn áp mạnh tay với "thuế Apple"​

Thierry Breton, Ủy viên thị trường nội bộ của EU, đã chỉ trích hành vi độc quyền của Apple, tuyên bố rằng, "Trong thời gian quá dài, Apple đã chèn ép các công ty sáng tạo, từ chối người tiêu dùng những cơ hội và lựa chọn mới. Hôm nay, chúng tôi đang thực hiện các bước tiếp theo để đảm bảo App Store và iOS tuân thủ DMA".

Vào tháng 3/2024, EU đã áp dụng khoản tiền phạt chống độc quyền 1,8 tỷ euro (khoảng 2 tỷ USD) đối với Apple vì vị thế thống lĩnh của công ty này trên thị trường ứng dụng phát nhạc trực tuyến. DMA yêu cầu Apple giảm phí App Store tại EU từ 30% xuống 17% và iOS 17.4 phải tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán của bên thứ ba, cửa hàng ứng dụng và tải xuống ứng dụng trên internet. Theo tình hình hiện tại, EU có thể áp dụng thêm các khoản tiền phạt lên tới 5% doanh thu hàng ngày trên toàn cầu của Apple, có khả năng lên tới 1 tỷ USD nếu phát hiện ra tập đoàn công nghệ Mỹ này vi phạm DMA.

Sau khi thua trong các cuộc chiến pháp lý lớn tại Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, Apple hiện đang chịu sức ép từ các cơ quan quản lý toàn cầu để giảm mức phí cứng nhắc 30% của App Store. Trọng tâm hiện đang chuyển sang Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của tập đoàn công nghệ này.

Là thị trường lớn thứ hai của Apple tính theo doanh thu, Trung Quốc nổi bật vì tiếp tục cho phép Apple thu phí App Store cao nhất thế giới.

Năm 2023, doanh thu của Apple tại Trung Quốc là 529,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 74 tỷ USD), gấp ba lần so với Nhật Bản. Các nhà phân tích tin rằng việc Trung Quốc gần đây tập trung vào các vấn đề chống độc quyền và việc ban hành Quy định đánh giá cạnh tranh công bằng (Fair Competition Review Regulations) đã đặt nền tảng cho việc trấn áp “thuế Apple” như ở các thị trường lớn khác. Nhưng khác Nhật, Hàn và Châu Âu, Trung Quốc sẽ phải cân bằng giữa áp lực quản lý “thuế Apple” với lợi ích kinh tế khi nhà Táo đặt cơ sở sản xuất khổng lồ của tập đoàn công nghệ này tại Trung Quốc?

Mô hình kinh doanh của Apple tại Trung Quốc đã phải đối mặt với sự mất cân bằng ngày càng tăng kể từ năm 2022: Doanh thu liên quan đến dịch vụ của công ty, được thúc đẩy bởi phí App Store, đã tăng vọt ngay cả khi doanh số bán phần cứng của công ty bị đình trệ. Doanh thu dịch vụ đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2015, trong khi doanh số bán iPhone giảm khoảng 10%.

Trong tổng doanh thu 383,3 tỷ USD của Apple trong năm tài chính 2023, phí App Store toàn cầu là 22 tỷ USD. Theo công ty phân tích kinh doanh TREFIS, App Store hiện đóng góp gần 34% doanh thu dịch vụ của Apple.

Apple ngày càng phụ thuộc vào phí App Store để duy trì sự cân bằng doanh thu. Ở Trung Quốc, Apple đang kiếm được những khoản phí đáng kể từ các tập đoàn công nghệ lớn như ByteDance và Tencent. Ví dụ, trên Douyin, nền tảng video ngắn hàng đầu của Bytedance dành cho thị trường trong nước, người dùng mua quà tặng ảo phải mua tiền ảo thông qua App Store, nơi người dùng iOS phải chịu mức phí 30% của Apple, cao hơn mức phí của các kho ứng dụng khác như kho ứng dụng cho nền tảng Android của Google.

Hàng ngàn nhà phát triển trò chơi nhỏ của Trung Quốc phát hành trò chơi của họ trên các chương trình nhỏ của WeChat cũng đã phàn nàn gay gắt về "thuế Apple" trong những năm gần đây. Các nhà phát triểm game này cho rằng mức phí 30% đang bóp nghẹt sinh kế của họ vì họ chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ có ít hơn 10 nhân viên và biên lợi nhuận dưới 12%. Khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy việc làm và chi tiêu trong nước vào nửa cuối năm 2024, việc khiến Apple chấp nhận mức phí thấp hơn có thể là một mục tiêu dễ dàng đối với các cơ quan quản lý.

Trên toàn cầu, Apple đã tìm cách xoa dịu những lo ngại như vậy bằng cách giảm phí cho các doanh nghiệp nhỏ, giảm mức phí xuống khoảng 10% trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, các chính sách hòa giải như vậy vẫn chưa được áp dụng cho thị trường Trung Quốc. Các nhà phát triển và người sáng tạo nội dung đã phải bỏ qua "thuế Apple" thông qua các phương thức thanh toán thay thế. Ví dụ, những người sáng tạo phim truyền hình video ngắn trên nền tảng Douyin đã cố gắng gửi liên kết thanh toán HTML5 cho từng người đăng ký để bỏ qua các kênh mua hàng trong ứng dụng trên các thiết bị Apple.

Theo các nhà phân tích và nhà phát triển, phản ứng của Apple là từ chối hoặc trì hoãn các bản cập nhật ứng dụng iOS từ những công ty như Tencent và ByteDance một cách tinh vi. Điều này gây áp lực lên các nền tảng công nghệ lớn của Trung Quốc để thực thi các quy tắc thanh toán và mức phí của Apple, ngăn chặn các "lối thoát" tiềm ẩn của các nhà phát triển và nhà sáng tạo nhỏ. Khi sự bất mãn tiếp tục âm ỉ, ngày càng nhiều phát triển Trung Quốc đang kêu gọi chính phủ thực thi các biện pháp tương tự với Nhật, Hàn và Châu Âu.

Zhang Ying, đối tác tại nhóm nghiên cứu China Going Global có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết mức phí cao của Apple tại Trung Quốc "cấu thành sự phân biệt đối xử với người tiêu dùng Trung Quốc. Về lâu dài, tôi không nghĩ rằng 'thuế Apple' nặng nề ở Trung Quốc sẽ kéo dài lâu".

Li Sanxi, giáo sư tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế số của trường, đồng ý. "Cuối cùng, Apple có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận như vậy ở EU, đạt được sự thỏa hiệp với các nhà phát triển ứng dụng và người tiêu dùng".

Bối cảnh toàn cầu về phí App Store đang thay đổi nhanh chóng. Các biện pháp tiếp cận lập pháp và quản lý mạnh mẽ được EU, Hàn Quốc và Nhật Bản áp dụng đã tạo ra tiền lệ mà các quốc gia khác có thể sớm noi theo.

Đối với các nhà phát triển và người tiêu dùng, những thay đổi này hứa hẹn một thị trường kỹ thuật số công bằng và cạnh tranh hơn. Giảm phí và ít hạn chế hơn đối với các khoản thanh toán của bên thứ ba có thể thúc đẩy sự đổi mới, mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn hơn và các nhà phát triển những điều kiện kinh tế thuận lợi hơn. Tất nhiên với Apple, nguồn lợi nhuận từ App Store chắc chắn sẽ bị tác động.

Hiệu ứng lan tỏa của các hành động lập pháp và quản lý này đang định hình lại tương lai của thương mại kỹ thuật số vượt xa hệ sinh thái Apple. Động thái tiếp theo của Trung Quốc được coi là bước ngoặt trong chiến dịch toàn cầu nhằm định hình lại nền kinh tế của App Store.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top