Thường xuyên thức đêm thì có thể ngủ trưa "bù" không?

Theo khảo sát năm 2020 của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), có tới hơn 1/3 người lớn ở Mỹ không ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm. Việc thiếu ngủ sẽ dẫn đến hàng loạt nguy cơ về sức khỏe như béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, stress,...
Thường xuyên thức đêm thì có thể ngủ trưa bù không?
Theo các nhà nghiên cứu, ngoài ngủ đủ giấc, chất lượng giấc ngủ cũng rất quan trọng. Cụ thể, khi ngủ, chúng ta trải qua các chu kỳ khác nhau, mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 90 phút, gồm 4 giai đoạn.
2 giai đoạn đầu là ngủ nông, là khi các cơ dần thả lỏng, nhiệt độ cơ thể giảm xuống, nhịp tim và hơi thở dần chậm lại. Giai đoạn thứ ba là ngủ sâu, mắt và các cơ hoàn toàn thả lỏng. Cơ thể chúng ta bắt đầu giai đoạn sửa chữa, phục hồi cơ, xương và các mô, cũng như củng cố và xử lý ký ức.
Giai đoạn cuối cùng, REM (Rapid Eye Movement - chuyển động mắt nhanh) hay còn gọi là ngủ mơ, là khi chúng ta bắt đầu mơ và được cho là có liên quan đến việc học, lưu trữ ký ức và điều khiển tâm trạng.
Trung bình, một giấc ngủ đêm chất lượng sẽ gồm 4-6 chu kỳ. Nếu thường xuyên không trả qua đủ 4 giai đoạn này, ngay cả bạn có ngủ thêm vào ban ngày cũng không bù đắp được. Giấc ngủ ngày ngắn hơn 90 phút sẽ không đủ sâu để cơ thể phục hồi, trong khi ngủ quá 90 phút sẽ khiến bạn chếnh choáng và dễ mắc sai lầm trong công việc.
Dù vậy, ngủ ngày vẫn có những lợi ích nhất định. Nó sẽ giúp cải thiện phản ứng và trí nhớ sau một đêm không ngon giấc. Những người làm nghề không cố định giờ giấc như phi công, lái xe hay bác sĩ, y tá cũng cần giấc ngủ trưa để có thể duy trì sự tỉnh táo.
Theo các chuyên gia giấc ngủ, chúng ta chỉ nên ngủ khoảng 20-30 phút vào đầu giờ chiều để không làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top