Đầu năm nay, trào lưu vén áo lắc hông trước màn hình rồi chia sẻ lên TikTok được nhiều người thực hiện và gây tranh cãi tại Việt Nam. TikTok, nền tảng video ngắn với hơn một tỷ người dùng, giúp giới trẻ sáng tạo nội dung, nhưng cũng là nơi phát tán không ít trào lưu gây hại.
Những thử thách tự hại bản thân
Giữa tháng 5, bà Tawainna Anderson, sống tại Pennsylvania (Mỹ), kiện TikTok sau khi con gái 10 tuổi của bà tử vong vì thực hiện thử thách trên mạng xã hội. Bà cho biết bé Nylah đã tham gia trò "Thử thách ngạt thở", yêu cầu người chơi thực hiện một số hành động gây ngạt để rơi vào trạng thái ngất xỉu tạm thời. Khi tỉnh lại, họ sẽ chia sẻ video lên nền tảng. Nylah được phát hiện nằm bất động trong phòng ngủ ngày 7/12/2021 và được đưa đến bệnh viện nhưng tử vong sau đó 5 ngày. Đơn kiện mô tả cô bé đã phát hiện thử thách thông qua các video về những xu hướng đang lan truyền, được gợi ý trên trang For You của TikTok. Đây không phải lần đầu trên Tiktok xuất hiện trào lưu khuyến khích người dùng tự gây hại cho bản thân. Theo
New York Post, tháng 8 năm ngoái, nền tảng này đã phải xóa các nội dung chứa hastag
#milkcratechallenge. Thử thách yêu cầu người dùng xếp các thùng sữa bằng nhựa theo hình kim tự tháp và cố giữ thăng bằng khi trèo lên đỉnh, sau đó bước xuống mà không bị ngã. Thực tế, hầu hết người tham gia đều ngã và nhiều người bị thương trong quá trình thực hiện.
Một số người bị thương khi thực hiện thử thách thùng sữa. Ảnh:
GetIndia Trước đó, nhiều trào lưu độc hại khác cũng lan truyền trên TikTok, như Veneer Vlog (mài răng), Benadryl Challenge (uống nhiều thuốc dị ứng để tạo ảo giác), Penny Challenge (cắm hờ sạc điện thoại vào ổ điện, sau đó thả đồng xu vào khe hở để tạo tia lửa), khiến các chuyên gia và bác sĩ phải lên tiếng cảnh báo vì sự nguy hiểm. Theo báo cáo tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok cuối năm 2021, mạng xã hội này đã xóa hàng triệu video vi phạm liên quan đến bạo lực, khiêu ***, tự gây hại... Tuy nhiên, không ít trào lưu độc hại vẫn đang diễn ra mà nền tảng không kiểm soát hết được.
Ám ảnh về sự hoàn hảo
Không chỉ có những thử thách gây hại, trên Tiktok còn hàng loạt trào lưu cổ súy cho vẻ đẹp phi thực tế theo khuôn mẫu. Thông qua các bộ lọc video, TikTok tạo cho người dùng vẻ đẹp hoàn hảo như mắt to, mũi cao, má hồng, da trắng... khiến họ thấy mình xinh đẹp hơn. Himani Jadeja, một nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok, nói với
Bring Newspaper rằng các bộ lọc video chỉ làm tăng sự phân biệt chủng tộc, khiến nhiều người nhầm tưởng đó là vẻ đẹp tiêu chuẩn và kỳ thị người có đặc điểm cơ thể khác biệt. Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác động tâm lý của các bộ lọc ảnh và video trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Snapchat... Tuy nhiên, theo tiến sĩ Jasmine Fardouly tại Đại học New South Wales, khi không đạt được tiêu chuẩn về sự trẻ đẹp, nhiều người tìm đến sự hài lòng trên ứng dụng, dần ảo tưởng về chính mình và không chấp nhận thực tế. Một trào lưu được đánh giá nguy hiểm khác là "That Girl". Hashtag
#ThatGirl hiện đạt hơn 1,3 tỷ lượt xem trên TikTok, trong đó kêu gọi phụ nữ trở thành "cô gái ấy" với những thói quen như dậy sớm, duy trì thân hình đẹp, ăn uống chỉn chu, dọn dẹp không gian sống gọn gàng, sau đó quay video đăng lên TikTok. Tuy nhiên, lâu dần, trào lưu tạo sự ganh đua, khiến người tham gia mệt mỏi cả về vật chất lẫn tinh thần. Gò ép bản thân phải có cuộc sống hoàn hảo, công việc như mơ, vẻ ngoài tuyệt mỹ khiến nhiều cô gái trẻ stress nặng, tự ti và chán ghét bản thân. Minh Hằng, 23 tuổi, nhân viên marketing tại Hà Nội và từng tham gia thử thách "That Girl", cho biết: "Tôi tham gia vì muốn thúc đẩy bản thân trở nên tốt hơn. Nhưng sau một thời gian, tôi dần rơi vào căng thẳng khi mỗi ngày lên Tiktok, tôi đều tự so sánh bản thân với hình mẫu hoàn hảo đó".
Khoe thân để nổi tiếng
Không ít người dùng TikTok chạy theo việc khoe thân để nổi tiếng. Trang
The Tab từng cảnh báo về trào lưu "nake challenge" khi nhiều cô gái quay cảnh lột đồ, khỏa thân trước mặt người yêu, bạn bè, người thân... chỉ để ghi lại phản ứng của họ. Trào lưu vén áo lắc hông trước màn hình điện thoại cũng được nhiều cô gái trẻ thực hiện và gây tranh cãi tại Việt Nam những tháng đầu năm. Anh Cao Văn Đại (Hà Nội) cho biết, trước đây anh thường cho con mượn điện thoại để xem các video vui nhộn trên TikTok. Nhưng ngay khi phát hiện các trào lưu khoe thân, anh lập tức xóa app để hạn chế con tiếp xúc với những nội dung độc hại đó. "Đối với một cô gái trẻ đang phát triển bản sắc của mình, bị cuốn vào một môi trường độc hại như thế là một điều vô cùng hủy diệt. Khi các cô gái tuổi teen được khen ngợi vì sự gợi cảm, họ tin giá trị của họ nằm ở vẻ bề ngoài của họ", chuyên gia tâm lý Paul Sunseri tại El Dorado Hills, California, nhận định trên
Ifstudies. "Khi trẻ em và thanh thiếu niên đã phải vật lộn với các vấn đề về lo lắng, áp lực xã hội và trầm cảm, chúng ta không thể cho phép mạng xã hội làm tổn hại thêm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng", Tổng chưởng lý Massachusetts Maura Healey nói khi công bố cuộc điều tra của các bang tại Mỹ nhằm vào TikTok đầu năm nay để xác định mức độ tác động của nền tảng video ngắn này tới trẻ em.
Theo VnExpress