Trẻ em phải sống chung với đủ thứ thảm họa tự nhiên, còn người lớn thì quá thờ ơ!

C
Trần Tiến
Phản hồi: 0
Các thế hệ trẻ em sau này sẽ lớn lên trong một thế giới rất khác với thế giới của cha mẹ chúng hiện tại và điều đáng nói là lỗi lầm không phải do chúng.
Trẻ em phải sống chung với đủ thứ thảm họa tự nhiên, còn người lớn thì quá thờ ơ!
So với những đứa trẻ sinh năm 1960, một loạt mô hình mới cho thấy trẻ em sinh sau năm 2010 sẽ phải gặp nhiều hiện tượng khí hậu khắc nghiệt gấp 4 lần trung bình trong cuộc đời và đó là nếu chúng ta giữ được nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá mức 1,5 độ C.
Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho biết, thế giới sẽ ấm lên 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này. Và theo các mô hình mới, mức tăng thêm đó sẽ là thảm họa theo cấp số nhân.
Nếu thế giới ấm lên 3 độ C vào năm 2100, các tác giả dự đoán trẻ 6 tuổi trung bình sẽ phải chứng kiến nhiều trận cháy rừng và lốc xoáy gấp đôi, lũ sông gấp 3 lần, mất mùa gấp 4 lần, hạn hán gấp 5 lần và số lượng sóng nhiệt nhiều gấp 36 lần so với thế hệ sinh ra vào những năm 60 của thế kỷ trước.
Các tác giả chia sẻ: “Kết quả của chúng tôi nêu bật mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của các thế hệ trẻ và kêu gọi giảm phát thải mạnh mẽ để bảo vệ tương lai của chúng".
Khi cuộc khủng hoảng khí hậu vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy và cháy rừng sẽ trở nên thường xuyên hơn và có thể còn nghiêm trọng hơn.
Nghiên cứu mới là nghiên cứu đầu tiên dự đoán thế hệ trẻ sẽ bị ảnh hưởng ra sao trước những thảm họa rình rập suốt cuộc đời của họ.
Để tính toán điều này, các nhà nghiên cứu đã tạo ra mô hình kết hợp ba luồng thông tin: dữ liệu dân số toàn cầu, chẳng hạn như tăng trưởng dân số và tuổi thọ trung bình, dự báo sáu hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm cháy rừng, lốc xoáy, lũ lụt trên sông, mất mùa, hạn hán, sóng nhiệt và các kịch bản khí hậu trong tương lai do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đưa ra.

Những đứa trẻ sinh ra sau này không có tội...​

Mặc dù các dự đoán có thể không hoàn toàn chính xác nhưng nó là bước quan trọng để xác định sự khác biệt giữa các thế hệ.
Ví dụ, một đứa trẻ sinh năm 2020 sẽ gặp nhiều đợt sóng nhiệt hơn đáng kể trong cuộc đời của chúng. Nhưng số lượng sẽ phụ thuộc vào mức độ chúng ta hạn chế phát thải. Nếu như một người sinh năm 1960 phải trải qua khoảng 4 đợt nắng nóng trong đời thì những đứa trẻ ngày nay sẽ phải trải qua khoảng 18 đợt nếu như chúng ta có thể giới hạn mức nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C, hoặc 22 đợt nếu mức nhiệt trung bình tăng lên 2 độ .
Với tốc độ hiện nay, nhiệt độ trung bình sẽ tăng từ 2,6 đến 3,1 độ C, và những người sinh năm 2020 sẽ trải qua khoảng 30 đợt nắng nóng trong đời, nhiều hơn gấp 7 lần so với những người sinh năm 1960.
Trẻ em phải sống chung với đủ thứ thảm họa tự nhiên, còn người lớn thì quá thờ ơ!
Đối với trẻ em sống ở các khu vực phía nam bán cầu, những con số đặc biệt đáng lo ngại. So với những người sống trước cuộc cách mạng công nghiệp, những người sinh năm 2020 ở châu Phi cận Sahara được dự đoán sẽ phải hứng chịu các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt hơn gấp gần 6 lần trong cuộc đời của họ.
Trong tất cả các khả năng, các tác giả nói rằng chúng ta vẫn đang đánh giá thấp sự nghiêm trọng của vấn đề.
Xét cho cùng, dữ liệu đưa vào mô hình của họ không bao gồm các thảm họa khởi phát chậm như lũ lụt ven biển do nước biển dâng và không tính đến khả năng các hiện tượng khí hậu có thể nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn. Hơn nữa, số lần tiếp xúc với thảm họa khí hậu trong một năm chỉ được tính là một.
Tin tốt là nếu sự ấm lên có thể giới hạn ở mức 1,5 độ C, các nhà nghiên cứu cho rằng gánh nặng của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đối với trẻ em có thể sẽ "giảm đáng kể".
Ví dụ ở Trung Đông và Bắc Phi, tỷ lệ gặp các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có thể giảm tới 40% ở các thế hệ trẻ. Nhưng đó là chỉ khi chúng ta đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt nhất của hiệp định khí hậu Paris.
Nếu chúng ta muốn điều đó trở thành hiện thực, chúng ta cần phải thay đổi hướng đi và hành động nhanh hơn nữa.
Một báo cáo kèm theo về các mô hình do tổ chức Cứu trợ Trẻ em phát hành, kêu gọi các quốc gia giàu có trên thế giới hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và đầu tư vào những giải pháp giúp trẻ em thích ứng với cuộc khủng hoảng khí hậu và những thái cực mới để có một tương lai tươi sáng hơn.
Nếu không thể đưa ra được các giải pháp, CEO Inger Ashing cho rằng, chúng ta sẽ mang đến cho con cháu của mình "một tương lai chết chóc".
Ashing chia sẻ: “Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em. Chúng ta cần loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thiết lập mạng lưới an toàn tài chính và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chúng ta có thể xoay chuyển tình thế nhưng chúng ta cần lắng nghe trẻ em và bắt tay vào hành động. Nếu mức nhiệt độ nóng lên bị giới hạn ở mức 1,5 độ C, chúng ta có quyền hy vọng xa hơn về một tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ thậm chí còn chưa được sinh ra”.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science mới đây.
Nguồn: Sciencealert
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top