Trung Quốc dùng đội quân bot và clone để tuyên truyền về Olympics Mùa đông như thế nào

nhhgiap

Pearl
Theo lời chính phủ Trung Quốc, Thế vận hội Bắc Kinh đã kết thúc một cách trọn vẹn nhất nhưng các nhà phê bình lại cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến nhân quyền bị che khuất và ngó lơ.
Số lượng lớn vận động viên cùng nhà báo nước ngoài khen ngợi đội ngũ tình nguyện viên, bày tỏ sự ngạc nhiên trước những đoàn tàu tốc độ cao, robot có thể hấp bánh bao và pha đồ uống. Bất ngờ là vậy, mặt khác họ cũng hoài nghi sự hỗ trợ quá mức nhiệt tình của nước chủ nhà, đặc biệt về vấn đề quyền riêng tư.

Trung Quốc dùng đội quân bot và clone để tuyên truyền về Olympics Mùa đông như thế nào

Có thật sự 'sạch'?​

Không chỉ kiểm soát đời sống người dân của mình, Trung Quốc giờ còn muốn chi phối thông tin về Thế vận hội. Công nghệ tối tân chính là công cụ để họ hiện thực hóa tham vọng của mình. Với những con bot, tài khoản giả, người có ảnh hưởng cùng nhiều công cụ khác, Trung Quốc tự chọn lọc thông tin về Thế vận hội trước khi truyền đi khắp nơi. Họ dập tắt thông tin bất lợi, đẩy mạnh thông tin tích cực.
David Bandurski, giám đốc Dự án Truyền thông Trung Quốc, cho biết: “Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thế vận hội Mùa đông là sự kiện phục vụ mục tiêu xây dựng hình ảnh quốc gia”.
Trên Twitter, vốn bị cấm ở Trung Quốc, nhiều phương tiện truyền thống chính phủ không ngừng viết bài khen ngợi địa điểm tổ chức và linh vật Thế vận hội.
Chính phủ đại lục cũng tìm cách tác động đến dư luận ảo một cách kín đáo. Tờ New York Times và ProPublica đã xác định một mạng lưới gồm hơn 3.000 tài khoản Twitter đáng ngờ đang phối hợp để quảng bá Thế vận hội bằng cách chia sẻ các bài đăng từ phương tiện truyền thông nhà nước với những bình luận giống hệt nhau. Phần lớn tài khoản này đều được tạo gần đây với rất ít người theo dõi.
Tài khoản gây chú ý nhất có tên Spicy Panda, tài khoản này chuyên đăng tải các phim hoạt hình và video phản đối lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội. Tweet đã được đăng lại 281 lần, tất cả đều là bởi các tài khoản có hình thức khá giống Spicy Panda. Chúng như một đội quân được huy động để thực hiện nhiệm vụ cụ thể nào đó.
Kết quả điều tra cho thấy có tổng cộng 861 tài khoản, 90% trong số đó được tạo sau ngày 1 tháng 12. Lần huy động đầu tiên là để phục vụ cho việc ủng hộ lập trường chính trị của Bắc Kinh. Sau đó, các tài khoản chuyển sang mục tiêu Thế vận hội. Nhiều tài khoản trong số này đã bị ngưng hoạt động sau khi The Times và ProPublica báo cáo lên Twitter.
Một số lượng lớn tài khoản giống bot khác có nhiệm vụ thúc đẩy hashtag #Beijing2022#TogetherForASharedFuture (cùng nhau vì một tương lai sẻ chia), phương châm chính thức của Thế vận hội năm nay, mục đích là nhằm xóa bỏ những lời chỉ trích về Trung Quốc. Số còn lại liên tục đăng các dòng tweet có từ ngữ giống hệt nhau, chẳng hạn như: “Việc Trung Quốc đăng cai tổ chức # Beijing2022 theo lịch trình đã cổ vũ tinh thần thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch”.
Twitter cho biết họ đã đình chỉ hàng trăm tài khoản được xác định bởi The Times và ProPublica vì vi phạm chính sách về spam và thao túng nền tảng. Tổ chức đang điều tra mối liên kết giữa tài khoản bot với hoạt động thông tin do nhà nước hậu thuẫn.
Ngay cả linh vật chính thức của Thế vận hội, chú gấu trúc Bing Dwen Dwen, cũng trở thành tâm điểm trong một chiến dịch có tổ chức trên Twitter, theo Albert Zhang, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Mạng Quốc tế của Viện Strategic Policy Úc.

Trung Quốc dùng đội quân bot và clone để tuyên truyền về Olympics Mùa đông như thế nào
Chú gấu trúc Bing Dwen Dwen, linh vật Thế vận hội 2022
Theo ông, hàng nghìn tài khoản mới hoặc không hoạt động trong thời gian dài đột nhiên đăng bài về linh vật Thế vận hội, giúp nó tăng độ phổ tiếng hơn.
Không gian mạng mà Trung Quốc cố xây dựng lên không khác gì một vòng lặp khép kín, cách ly tất cả người bên trong khỏi cộng động công khai. Bên trong vòng tròn ấy, nhà nước quản lý mọi thứ mà người dân của họ nghe và đọc thấy. Hiệu quả là sau một kỳ Thế vận hội không có bất kỳ scandal, chỉ trích hoặc tin xấu. Mọi thứ trôi qua êm đềm như dòng nước, nhưng liệu nó có thực sự trong sạch như những gì chúng ta thấy.
Khi đội khúc côn cầu nam của nước Mỹ áp đảo đội Trung Quốc, trận đấu đã không được chiếu trên kênh thể thao chính của truyền hình nhà nước, CCTV 5. Thất bại 8-0 của đội chủ nhà chỉ được đề cập thoáng qua trong các bản tin ngắn. Thêm nữa, một kênh truyền hình nhà nước đã bỏ qua phần trao huy chương vàng của vận động viên trượt băng nghệ thuật nam người Mỹ, Nathan Chen.
Ban truyền thông Trung Quốc còn cẩn thận sửa đổi cảnh quay những ngọn núi được chọn làm địa điểm thi đấu trước khi phát lên truyền hình. Tuy nhiên, không phải bí mật nào cũng được che đậy cẩn thận.

Lưới trời khó thoát

Vượt qua tường lửa thông tin của chính phủ, một bê bối liên quan đến giới chính trị đã bị bóc trần. Peng Shuai, nữ vận động viên quần vợt chuyên nghiệp, cáo buộc ông Trương Cao Lệ, Phó Thủ tướng Đảng Cộng sản Trung Quốc tấn công tình dục cô. Sau lời buộc tội công khai trên, tất cả sự kiện có sự tham gia của cô Peng đều bị xóa khỏi nền tảng truyền thông đại lục.
“Hành động hiện tại không đơn thuần là cách đối phó tạm thời. Trung Quốc đang gia tăng kiểm duyệt rộng rãi, thao túng dư luận, và nó đã trở thành chính sách”, ông Bandurski thuộc Dự án Truyền thông Trung Quốc nói về Thế vận hội.

Trung Quốc dùng đội quân bot và clone để tuyên truyền về Olympics Mùa đông như thế nào
Nữ vận động viên Peng Shuai và người mà cô tố cáo, ông Trương Cao Lệ
Jack Stubbs, Phó chủ tịch phụ trách tình báo của Graphika, một công ty giám sát mạng xã hội, cho biết công ty ông đã phát hiện một mạng lưới tuyên truyền khác của Trung Quốc đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội nước ngoài. Mạng lưới này tập trung tuyên truyền video nhấn mạnh Thế vận hội Bắc Kinh là sự kiện thân thiện môi trường, giúp siết chặt mối quan hệ Trung Quốc-Nga, bằng chứng là hình ảnh của Tổng thống Vladimir V. Putin tại lễ khai mạc.
Chính phủ Trung Quốc thản nhiên sử dụng Twitter và Facebook, những nền tảng mà họ cấm người dân tiếp cận. Năm ngoái, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, Hua Chunying, nói rằng những nền tảng này đóng vai trò như kênh truyền thông phụ để ngăn chặn thông tin tiêu cực về Trung Quốc ở phương Tây.
Một công ty của Mỹ, Vippi Media, có trụ sở tại New Jersey, đã ký hợp đồng trị giá 300.000 USD với tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở New York để giúp quảng bá Thế vận hội, theo hồ sơ của công ty với Bộ Tư pháp theo Đạo luật đăng ký đại lý nước ngoài.
Theo hợp đồng, được báo cáo lần đầu tiên bởi nhóm nghiên cứu Open Secrets, công ty Vippi Media đã tuyển dụng các“ngôi sao mạng xã hội” để quảng bá Thế vận hội trên Instagram, YouTube và TikTok.
“Họ và tôi đều rất rõ ràng ngay từ đầu, mọi thỏa thuận chỉ phục vụ Thế vận hội không liên quan đến chính trị”, người sáng lập công ty, Vipinder Jaswal, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Sau khi đại hội thể thao bắt đầu, dư luận tập trung vào tình tiết gay cấn trong các môn thi đấu hơn là các bài báo chỉ trích app theo dõi hay chính sách kiểm soát thông tin của Trung Quốc. Không có bất kỳ cuộc biểu tình đòi nhân quyền nào từ các vận động viên hay nhà báo tác nghiệp như mong đợi của những nhà hoạt động xã hội. Thay vào đó, nhiều người bắt đầu dành lời khen ngợi cho công tác tổ chức.
“Khi bạn thực sự gặp những người ở đây và nói chuyện với họ, bạn sẽ nhận ra mọi người đều rất thân thiện”, Jenise Spiteri, vận động viên trượt tuyết người Mỹ thi đấu cho Malta, nói trong một cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông nhà nước.
Một vận động viên trượt tuyết tự do khác, Aaron Blunck, thậm chí còn nói hình ảnh Trung Quốc khác hoàn toàn với những gì truyền thông Mỹ đưa tin, trích một bài đăng mà tài khoản Spicy Panda chia sẻ.
Nguồn: Nytimes
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top