Trung Quốc lập liên minh lôi kéo đội hình toàn sao, quyết tạo đột phá về pin thể rắn cho xe điện

Bỉ Ngạn Hoa

Moderator
Các nhà sản xuất pin và ô tô của Trung Quốc đã hợp tác cùng nhau trong nỗ lực do chính phủ lãnh đạo nhằm thương mại hóa tất cả các loại pin thể rắn, thách thức Nhật Bản và phương Tây trong lĩnh vực công nghệ có thể cách mạng hóa thị trường xe điện trong thời gian tới.
Trung Quốc lập liên minh lôi kéo đội hình toàn sao, quyết tạo đột phá về pin thể rắn cho xe điện
Trung Quốc lập liên minh CASIP lôi kéo sự tham gia của các doanh nghiệp, khối nghiên cứu và cơ quan chính phủ để thúc đẩy phát triển pin thể rắn.
Nhằm xây dựng chuỗi cung ứng pin thể rắn vào năm 2030, Trung Quốc đã thành lập một liên minh gọi là Nền tảng đổi mới hợp tác pin thể rắn Trung Quốc (CASIP - China All-Solid-State Battery Collaborative Innovation Platform) tập hợp chính phủ, giới học thuật và ngành công nghiệp, bao gồm cả các công ty pin xe điện CATL và BYD vào tháng 1 vừa qua.
Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển pin thế hệ tiếp theo, tận dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác.
“Chúng ta cần chuẩn bị cho nguy cơ công nghệ pin thể rắn có thể lật đổ lợi thế của Trung Quốc về pin ô tô”, Ouyang Minggao, giáo sư Đại học Thanh Hoa, người chuyên phát triển các công nghệ liên quan đến ô tô, cho biết trong sự kiện thành lập CASIP tại Bắc Kinh vào ngày 21/1/2024.
Ouyang Minggao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập cơ quan liên ngành trong bài phát biểu trước hơn 200 đại diện các cơ quan chính phủ, ngành công nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và quỹ đầu tư. Liên minh CASIP sẽ thực hiện nghiên cứu cơ bản, công nghệ chủ chốt, đồng phát triển và sản xuất xe điện được trang bị pin thể rắn, bên cạnh việc thiết lập chuỗi cung ứng cho ngành xe điện.
CASIP đặt mục tiêu phát triển và sản xuất pin thể rắn có thể cạnh tranh trên toàn cầu, với các công ty Trung Quốc là trung tâm.
Các nhà sản xuất pin tham gia liên minh CASIP bao gồm CATL, FinDreams Battery (công ty con của BYD), CALB, EVE Energy và Gotion High-tech. Sáu trong số 10 nhà sản xuất pin ô tô hàng đầu trên toàn cầu đang tham gia liên minh này, giới thiệu đội hình “toàn sao” của Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, cũng như các nhà sản xuất ô tô tư nhân BYD và Nio cũng tham gia CASIP.
Nỗ lực đầy tham vọng của Bắc Kinh đã tập hợp các công ty đang là đối thủ trên thị trường tham gia vào liên minh. CATL và BYD cạnh tranh gay gắt để giành thị phần pin lithium-iron phosphate, lĩnh vực do các công ty Trung Quốc đang thống trị. CATL cũng đã kiện CALB và Svolt Energy Technology, một nhà sản xuất pin khác trong liên minh, vì vi phạm bằng sáng chế.
Miao Wei, phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cố vấn chính trị, đã tham dự buổi lễ từ phía chính phủ. Miao là cựu giám đốc điều hành cấp cao của một hãng ô tô quốc doanh và từng giữ chức Bộ trưởng Công nghiệp Trung Quốc, cơ quan giám sát chính sách ô tô. Ông vẫn có ảnh hưởng trong lĩnh vực đó.
Các thành viên chính phủ của liên minh bao gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước của Hội đồng Nhà nước (SASAC) - cơ quan quản lý các doanh nghiệp nhà nước và Cơ quan Năng lượng Quốc gia.
Chen Qingtai, người đứng đầu China EV100, một tổ chức tư vấn tập hợp chính phủ và các công ty để nghiên cứu chính sách công nghiệp cho xe điện, cũng tham dự. Các viện nghiên cứu trực thuộc chính phủ, chẳng hạn như Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và các quỹ có ảnh hưởng được chính phủ hậu thuẫn cũng nằm trong danh sách thành viên của CASIP.
Theo truyền thông Trung Quốc, ông Chen Qingtai cho biết trong buổi lễ: “Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về phương tiện sử dụng năng lượng mới nhờ công nghệ pin tiên tiến”. Chen Qingtai lập luận rằng pin thể rắn có khả năng thay đổi cán cân quyền lực trong ngành, điều đó có nghĩa là việc phát triển chúng nên được ưu tiên để đảm bảo rằng Trung Quốc trở thành một "cường quốc ô tô".
Trong nhiều năm, Toyota Motor và các công ty Nhật Bản khác đã dẫn đầu trong việc nghiên cứu và phát triển pin thể rắn, hứa hẹn mật độ năng lượng cao hơn và do đó sẽ mở rộng đáng kể phạm vi lái xe của xe điện. Pin thể rắn cũng ít bắt lửa hơn và vì chúng có thể lưu trữ nhiều điện hơn trong thể tích nhỏ hơn nên sẽ cho phép các nhà thiết kế ô tô tự do hơn.
Toyota đặt mục tiêu tung ra xe điện được trang bị pin thể rắn vào năm 2027-2028, trong khi Nissan Motor có kế hoạch bắt đầu bán chúng vào năm tài chính 2028. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu như Volkswagen và BMW cũng đang gấp rút thương mại hóa chúng, hợp tác với các công ty khởi nghiệp về pin ở Mỹ và những nơi khác.
Tỷ lệ xe sử dụng pin thể rắn được dự đoán sẽ gia tăng nhanh trên doanh số bán ô tô điện mới trong một vài năm tới. Vì vậy, một quan chức cấp cao của Bộ Công nghiệp cũng chỉ ra sự cần thiết phải tăng tốc độ phát triển công nghệ và ứng dụng cho pin thể rắn.
"AI đang thay đổi cách chúng ta nghiên cứu và phát triển vật liệu, đồng thời nó sẽ đẩy nhanh đáng kể tốc độ R&D của pin thể rắn", Ouyang nói và cho biết thêm: "Vào khoảng năm 2030, chúng ta sẽ có cơ hội cao hơn để đạt được bước đột phá cho công nghiệp hóa pin thể rắn".
Câu hỏi đặt ra là liệu cách tiếp cận "toàn quốc" này để phát triển pin thể rắn có mang lại kết quả hay không.
Theo phiên bản trực tuyến của cơ quan truyền thông có ảnh hưởng lớn của Trung Quốc "Yicai", Toyota nắm giữ hơn 1.300 bằng sáng chế cho pin thể rắn, trong khi các công ty pin Trung Quốc có ít hơn 100 bằng sáng chế cho tất cả các loại pin thể rắn. Vẫn còn phải xem liệu các công ty Trung Quốc, vốn có lợi thế vượt trội về công nghệ pin ô tô hiện nay, có thể lặp lại kỳ tích với pin năng lượng thể rắn hay không.
Toyota và những người khác tin rằng việc sản xuất thương mại sẽ có thể thực hiện được sau năm 2030. Nếu Trung Quốc cố gắng phát triển nhanh hơn, các hãng xe Nhật Bản sẽ khó bắt kịp thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top