Từ bỏ công việc phải ngồi văn phòng

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Nhiều lao động trẻ rời môi trường công sở, chuyển hướng sang các ngành nghề khác để được chủ động về thời gian, bớt áp lực và cân bằng cuộc sống. Hết Tết Nguyên đán, Đức Duy (24 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) quyết định nghỉ việc. Khi bạn bè ráo riết quay lại văn phòng sau kỳ nghỉ lễ, anh lại bận rộn bàn giao vị trí và đếm từng ngày tới lúc rời công ty. Chia sẻ với Zing, anh nung nấu ý định này từ cuối năm ngoái vì không thể tiếp tục chịu áp lực và khối lượng công việc khổng lồ. "Cuối tháng 2, tôi sẽ chính thức nghỉ việc. Nghĩ đến việc rời môi trường văn phòng, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Sắp tới, tôi định chuyển hướng sang freelance, không quay lại công sở nữa", anh nói. Ngày nay, nhiều lao động trẻ cũng đưa ra quyết định giống Đức Duy. Sau một thời gian làm văn phòng, họ đã lựa chọn hướng đi khác như làm freelance, kinh doanh cá nhân... để bớt áp lực, chủ động trong cuộc sống và tập trung hơn vào bản thân.
Từ bỏ công việc phải ngồi văn phòng
Một số lao động trẻ khó hòa nhập trong môi trường công sở, muốn được chủ động về thời gian và cân bằng cuộc sống nên chuyển sang làm freelance. Ảnh: Phương Thảo.

Không hợp môi trường​

Đức Duy hiện làm nhân viên kiểm duyệt nội dung tại một công ty công nghệ tại Hà Nội. Anh cho biết mình phải làm việc 40 tiếng/tuần, gắn liền với màn hình máy tính toàn thời gian. Ngoài ra, anh phải chấp nhận lịch làm việc thay đổi liên tục. Có lúc anh kết thúc ca trực đêm lúc 1h, chỉ có 3-4 tiếng nghỉ ngơi, ăn uống trước khi nối ca sáng lúc 6h. Duy kể trong một năm làm việc ở vị trí này, anh không có thời gian cho sở thích cá nhân, gặp gỡ bạn bè, thậm chí phải work from home xuyên Tết. Chấp nhận bỏ thời gian, sức khỏe cho công việc, song mức lương anh nhận được lại chưa xứng đáng. "Thu nhập trung bình của tôi là khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đổi lại tôi chẳng có cơ hội nghỉ ngơi, yêu đương, làm thêm để tích lũy tài chính. Nhiều hôm, tôi nán lại văn phòng đến 0h và chẳng còn sức về nhà", anh nói. Duy nhấn mạnh công việc này cũng bào mòn tinh thần của anh do thường tiếp xúc với khối lượng lớn nội dung tiêu cực trên mạng xã hội. Vì thế, anh như trút được gánh nặng khi lá đơn xin nghỉ việc được duyệt. Tiếp sau, Duy định dành một tháng để nghỉ ngơi, học thêm kỹ năng trước khi tìm việc mới. "Tôi định học một khóa lập trình để phục vụ định hướng công việc sau này. Tôi dự tính chuyển sang làm freelance để chủ động về thời gian, thoải mái tinh thần". 2 ngày trước, Minh Châu (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bắt đầu đi học việc ở một quán mỳ Nhật Bản.
Từ bỏ công việc phải ngồi văn phòng
Châu bỏ việc văn phòng, đi làm nhân viên phục vụ tại quán mỳ vì không hợp với môi trường công sở. Ảnh: NVCC. Đây là công việc thứ 2 cô làm sau khi nghỉ việc văn phòng. "Giờ, tôi vừa nhận thiết kế và vẽ minh họa tự do, vừa làm nhân viên phục vụ. Hầu hết người thân, bạn bè đều bất ngờ khi tôi chọn một công việc 'tay chân' thay vì đi làm văn phòng lại. Song, tôi thấy hài lòng với những gì mình đang có", Châu nói. Chia sẻ với Zing, Châu tiết lộ cô rời khỏi vị trí nhân viên tại công ty telesale từ đầu năm 2021. Công việc đó yêu cầu cô phải tiếp nhận và phản hồi tin nhắn của khách hàng, chốt yêu cầu và chuyển cho bộ phận telesale xử lý. "Công việc nghe đơn giản nhưng áp lực lớn. Dù làm việc theo giờ hành chính, tôi luôn phải ôm điện thoại mọi lúc để không bỏ lỡ khách hàng. Tôi vẫn làm thêm giờ nếu được yêu cầu, có khi phải trả lời 10-20 người một lúc. Có những ngày chạy chiến dịch và doanh số, tôi phải đi làm từ 6h30 tới 0h30. Vì đó, tôi chỉ có hơn 4 tiếng/ngày cho mình", Châu kể. Mức lương trung bình của cô khi còn làm văn phòng là 5,5-6 triệu đồng. Sau khi nghỉ việc, cô nhận yêu cầu thiết kế, vẽ minh họa trên website để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, số lượng yêu cầu không đều đặn khiến nguồn tiền của Châu bất ổn hơn trước. "Tôi không có nhu cầu tiêu xài nhiều, vẫn sống cùng gia đình nên may mắn là có thể trụ lại. Giờ, tôi đã có công việc mới ở một lĩnh vực hoàn toàn khác. Tôi không nghĩ môi trường văn phòng, công sở phù hợp với mình".

Đánh đổi​

Với Châu, công việc nhân viên phục vụ buộc cô phải bắt đầu lại từ con số 0. Các khâu chuẩn bị đồ ăn, quy trình phục vụ, dọn dẹp là những thứ cô phải học và làm quen trong những ngày đầu thử việc. "Mọi thứ đều mới lạ vì tôi chưa có kinh nghiệm làm trong ngành dịch vụ. Tôi phải học từ những điều nhỏ nhất như thao tác nhỏ cho tới kỹ năng giao tiếp với khách. Công việc cũng buộc tôi phải vận động nhiều hơn, khác với những ngày ngồi lì ở văn phòng", cô cười, nói. Châu cho biết thu nhập hiện tại của cô không bằng so với thời điểm làm công sở. Cô cũng phải đảm đương 2 nghề một lúc để có thêm cơ hội. Tuy nhiên, Châu hài lòng với những công việc hiện tại.
Từ bỏ công việc phải ngồi văn phòng
Nhiều người tình nguyện làm thêm 2-3 công việc freelance cùng lúc để vừa có mức thu nhập như làm văn phòng, vừa được chủ động về địa điểm và thời gian làm việc. Ảnh: Đào Phương. "Giờ, tôi được linh động về thời gian, vừa thiết kế freelance, vừa đi làm, vừa học thêm các kỹ năng vẽ tại nhà. Nhiều người từng băn khoăn vì sao tôi đang có việc văn phòng nhàn hạ mà lại bỏ, đi làm chạy bàn. Nhưng sau cùng, tôi muốn có trải nghiệm sống tích cực hơn, mới mẻ hơn". Minh Quân (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng phải thức khuya, dậy sớm hơn lúc còn làm công sở để thu xếp thời gian cho 2 công việc freelance: cộng tác viên cho một startup ở Mỹ và dạy tiếng Anh. "Tôi bắt đầu làm việc tại nhà từ 9h-17h, sau đó đi dạy vào buổi tối. Tới đêm, tôi sẽ trực để hỗ trợ khách hàng tại đất nước có múi giờ lệch 12 tiếng. Tôi đã thành 'cú đêm' sau khi làm freelance", anh cười, nói. Anh chia sẻ ngoài những lúc cao điểm, công việc tại công ty startup sẽ khá thoải mái về thời gian. Do đó, anh có thể để đi dạy tiếng Anh kiếm thêm thu nhập, thư giãn và đầu tư thời gian cho các mối quan hệ của mình.
Từ bỏ công việc phải ngồi văn phòng
Công việc công sở gò bó thời gian, nhiều quy tắc, chịu áp lực từ sếp, đồng nghiệp khiến người trẻ không còn hào hứng. Ảnh: Phương Thảo. Tới cuối năm ngoái, Quân vẫn thường xin và làm việc trong môi trường công sở. Song, mức lương không tương xứng với khối lượng công việc, áp lực và rắc rối từ các mối quan hệ với sếp, đồng nghiệp khiến anh quyết định rẽ sang một hướng khác. “Ở tuổi này, tôi cũng trăn trở vì chưa ổn định như nhiều bạn bè. Nhưng đôi khi, ta phải đưa ra quyết định khó khăn để cân bằng lại cuộc sống, tìm cơ hội mới”. Dù phải làm 2 công việc một lúc để có thể đạt mức lương tương xứng như thời điểm làm văn phòng, Quân vẫn thấy hài lòng. Song, anh lo tới lúc 30 tuổi sẽ không thể tiếp tục làm việc với cường độ hiện tại. “Dù khối lượng công việc không quá khác biệt, tôi cảm thấy thoải mái hơn khi rời ghế công sở. Ít nhất là lúc này, tôi có thể thử nhiều việc cùng một lúc, chủ động về thời gian, không để công việc kiểm soát mình", anh nói. Theo Zing
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top