dangngocbnd2022
Pearl
Không ít doanh nghiệp xem việc có được mối quan hệ làm “sân sau” cho các quan chức “tốt hơn” việc phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình. Nhiều quan chức đã biến mình thành “sân trước” để “bảo kê”, “chống lưng” cho “sân sau”, hoặc “lót ổ” để khi hạ cánh đã có chỗ làm ăn. Đây là một dạng thức của tham nhũng, cần nghiêm trị. 1- Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn được thành lập năm 2004, trong những năm đầu chỉ là một doanh nghiệp tư nhân bình thường. Sau đó Phúc Sơn xin tăng vốn điều lệ từ 100 tỉ lên 2000 tỉ, rồi 4000 tỉ, kể từ đó, cơ cấu cổ đông vẫn là ẩn số! Phúc Sơn liên tục giành được các gói thầu có giá trị rất lớn đầu tiên tại Vĩnh Phúc, rồi nhiều tỉnh khác. Ngoài việc được chọn để phát triển hạ tầng giao thông, Phúc Sơn còn được chọn để thực hiện các dự án phát triển đô thị từ Bắc vào Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, Phúc Sơn nhận được 21 dự án đủ loại, trị giá khoảng 41.000 tỉ đồng, kèm theo quỹ đất có diện tích cả trăm héc ta. Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng thiệt hại do Phúc Sơn gây ra ước tính phải tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Từ sai phạm ở các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An khiến loạt cán bộ rơi vào vòng lao lý. Ảnh: Tiền Phong Công ty Cổ phần Thuận An là doanh nghiệp tư nhân cũng được thành lập năm 2004. Năm 2014 xin tăng vốn điều lệ lên 300, rồi 500 tỉ đồng, 800 tỉ đồng, nhưng không công bố cơ cấu cổ đông. Thuận An liên tục thắng các gói thầu liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông trên toàn quốc với giá trị từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ. 5 năm gần đây Thuận An tranh 51 gói thầu thì thắng 39, trong đó có 4 gói thầu đang chờ kết quả. Tổng giá trị các gói thầu đã thắng ước hơn 22.000 tỉ, cũng chưa tính được thiệt hại do Thuận An gây ra. Đầu tháng 4/2024, một vị tướng công an phụ trách điều tra vụ Phúc Sơn nói với báo chí: “Công an vừa khám phá một loại tội phạm mới. Theo đó Chủ tịch HĐQT Phúc Sơn đã dựa vào các mối quan hệ với người có quyền lực nhằm chi phối, lũng đoạn, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở và làm xấu hình ảnh của Đảng và chính quyền nhân dân”. Nhưng thiển nghĩ, cách thức, mưu mẹo mà Phúc Sơn, Thuận An tiến hành không mới, chỉ mới ở thời điểm phát hiện. Thực ra đây là phiên bản của những “lót ổ”, “sân sau” đã xuất hiện từ lâu. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi đầu tư nước ngoài vào nước ta dưới hình thức liên doanh với các doanh nghiệp nhà nước, nhiều tổng giám đốc phía Việt Nam đã cho con em mình lập ra các doanh nghiệp nhằm hưởng lợi từ các dự án liên doanh với tư cách nhà thầu, đại lý hay nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ - đó chính là manh nha của “sân sau”. Hẳn là chúng ta chưa quên trường hợp “lót ổ” của nguyên Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng. Ông rời ghế lãnh đạo ngành giao thông vào tháng 8/2011 thì 8 tháng sau, đã tham gia “làm cố vấn” và sau đó là thành viên Hội đồng quản trị của một công ty hoạt động trong lĩnh vực mà ông có trách nhiệm quản lý khi là Bộ trưởng. Trường hợp khác, “sân sau” là công ty gia đình. Năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 đã phải cho bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, đại biểu Quốc hội, “thôi nhiệm vụ”. Từ khi làm Giám đốc Sở Công thương và Bí thư huyện ủy Nhơn Trạch, bà đã tham gia điều hành Công ty Cường Hưng do chồng bà là Chủ tịch Hội đồng thành viên. Khi lên chức Phó chủ tịch tỉnh, bà đã ký các văn bản chấp thuận cho Công ty này đầu tư dự án, thậm chí ký các văn bản không thuộc lĩnh vực phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty của chồng kinh doanh ở một số lĩnh vực. Rồi vụ Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa “bị miễn nhiệm”, sau đó bị khởi tố, đang bỏ trốn. Mặc dù là cán bộ chủ chốt ngành công thương nhưng bà Thoa cùng nhiều thành viên trong gia đình vẫn nắm giữ một lượng cổ phần không nhỏ trong một công ty thuộc lĩnh vực mình quản lý. “Có những người không chỉ 1 mà có tới 14, 15 sân sau”, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước ngày 21/11/2018, như vậy. “Chống lưng”, “sân sau”, “lót ổ” là những dạng thức móc ngoặc giữa một số quan chức nhà nước với các doanh nghiệp để giành những dự án kinh tế, gói thầu... thực chất là để hợp thức hóa việc tham nhũng, bòn rút của công. “Máu tham” đã thôi thúc không ít cán bộ tha hóa biến chất tìm kiếm, tạo dựng cho mình những “sân sau” để hưởng lợi. Không ít doanh nghiệp xem việc có được mối quan hệ và làm “sân sau” của các quan chức “tốt hơn” việc phát triển sản phẩm và dịch vụ của mình. Nhiều quan chức địa phương và cơ quan ở trung ương đã biến thành “sân trước” sẵn sàng bảo kê cho “sân sau”, hoặc “lót ổ” để khi hạ cánh đã có chỗ làm ăn. Trong vụ án Phúc Sơn, Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT và thuộc cấp cùng hàng loạt cán bộ, công chức, có người là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy như Hoàng Thị Thúy Lan (Vĩnh Phúc), Lê Viết Chữ (Quảng Ngãi), Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Đặng Văn Minh Chủ tịch Quảng Ngãi đã bị bắt để điều tra vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, vì “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” và “nhận hối lộ”. Tương tự như vụ Phúc Sơn, vụ Thuận An số người bị bắt cũng khá nhiều do “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”. Trước đó Cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bị khởi tố hiện đang bỏ trốn, đã ăn bẫm trong nhiều dự án đấu thầu do có “sân trước” là các quan chức giúp sức. Rồi cựu phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, bị khởi tố, bị bắt về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Hơn một tháng sau, ông ta lại bị điều tra thêm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Bị can Nhưỡng đã khai, biết có thể sử dụng vai trò của mình để chuyển đơn, can thiệp giúp thúc đẩy một dự án cho doanh nghiệp. Đổi lại, doanh nghiệp trả ông 300.000 USD. Gần đây nhất, khi mở rộng điều tra vụ án tại Tập đoàn Thuận An, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Căn cứ vào tội danh mà Bộ Công an nêu, giới chuyên môn đấu thầu cho rằng, ông Hà là “nhân vật sắp đặt việc tổ chức thầu, dự thầu và chọn thầu”. Ngày 1/5 vừa qua, Quốc hội thông báo, cơ quan chức năng đã bắt giam ông Dương Văn Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, đại biểu Quốc hội khóa XV, “theo quy định của pháp luật”. Tôi còn nhớ, năm 2019 trong một hội nghị Thanh tra Chính phủ đã thông tin: “Có đến 40% doanh nghiệp khi được hỏi nói rằng đã từng sử dụng các mối quan hệ với các cán bộ có chức có quyền để có được điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dự án”. Khi còn làm báo tôi được một chủ doanh nghiệp chia sẻ: “Trước đây, tôi vất vả chạy các quan chức để có dự án, còn bây giờ họ chủ động đưa dự án cho tôi”. Tức là “sân trước” đã chủ động “làm ăn” với cánh hẩu lâu năm rồi biến nó thành “sân sau” của mình. Đó là một dạng đặc thù của tham nhũng. Nó bóp méo cả hai khâu lập chính sách và thực thi chính sách, pháp luật. Về mặt chính trị, nó đã “thai nghén” nên các cá nhân có “quyền lực ngầm” khó kiểm soát trong bộ máy công quyền của chúng ta. Về pháp lý, các doanh nghiệp “sân sau” dưới hình thức nào cũng là mảnh đất nảy nở các loại tội phạm, không chỉ theo chiều “dưới lên” mà còn “từ trên xuống”. Thời gian qua, nhiều vụ án hình sự, kinh tế được phát hiện và đưa ra xét xử, thấy bóng dáng của các quan chức ngày càng nhiều. Sai phạm của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức cấp cao, không chỉ làm hoen ố thanh danh của bản thân, gia đình, cơ quan, làm tiêu hao tài lực quốc gia, mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chính thể của chúng ta. Những vụ án gần đây đã làm cho 5 thành viên Bộ Chính trị của Đảng khóa XIII phải từ bỏ tất cả các chức vụ trong hệ thống chính trị vì “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm” và trách nhiệm “người đứng đầu”. Hai ví dụ Phúc Sơn, Thuận An thượng dẫn là minh chứng rõ ràng về những vụ án từ “sân sau” truy lần ra “sân trước”. Và có lẽ vẫn còn những “tảng băng chìm” do tính chất phức tạp của một số vụ án có yếu tố “sân sau”. Phần lớn mối quan hệ “sân sau-sân trước” ẩn nấp rất tinh vi, có khi vô hình. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, “chống tham nhũng là công việc phức tạp và rất khó khăn do những thủ đoạn tinh vi”. Tuy nhiên Đảng, Nhà nước ta vẫn quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, đã và đang xử lý nghiêm khắc những quan chức, dù đương chức hay đã nghỉ hưu, có những hành vi can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào các dự án kinh tế, gói thầu, nhận hối lộ. Điều đó càng củng cố niềm tin của dân với Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, rất cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để kiểm soát quyền lực. Quyền lực được thể hiện bằng các quyết định do người nắm quyền ban hành. Kiểm soát quyền lực thực chất là kiểm soát hành vi của những người có chức, có quyền, đây là công việc không hề đơn giản. Muốn kiểm soát được quyền lực cần có những giải pháp tổng thể, nhưng trước hết phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, nhất là Luật đấu thầu sao cho chặt chẽ, đồng bộ, không còn kẽ hở để kẻ xấu trục lợi. Đăng Ngọc