Từng lấn rừng xây nhà, giờ con người lại bị loài voi đột nhập tìm thức ăn

N
Giáp Lê
Phản hồi: 0

nhhgiap

Pearl
Chúng ta đã quen là người đi xâm lấn thiên nhiên, nhưng mới đây người dân trong một ngôi làng ở Thái phải đối mặt với các cuộc đột kích hàng ngày của những con voi tìm kiếm thức ăn.
VNReview.vn

Từng lấn rừng xây nhà, giờ con người lại bị loài voi đột nhập tìm thức ăn

Cuộc đột kích giữa đêm​

Vào khoảng nửa đêm, Kittichai Boodchan nghe thấy hai tiếng va chạm lớn phát ra từ phía trước nhà của mình, anh biết ngay có chuyện gì. Một con voi đang ở bên ngoài và nó muốn kho chuối của gia đình anh.
Boonchuay, một con voi địa phương từ công viên quốc gia Kaeng Krachan gần đó, đã là khách quen của ngôi làng trong thời gian dài, lần này đối tượng ghé thăm của nó là Kittichai. Anh tiết lộ trước đó đã mua 200kg chuối để bán, mặc dù được bảo quản bên trong cẩn thận nhưng mùi hương ngọt ngào vẫn tỏa ra ngoài và thu hút Boonchuay đến.
Kittichai nhận ra ý định của con voi nên anh lập tức đóng sầm cửa lại và hét lên để xua đuổi nó. Tuy nhiên, Boonchuay không dễ dàng bỏ cuộc, nó vẫn tiếp tục đâm đầu vào tường, xuyên thủng nhiều vách ngăn, và chỉ dừng lại sau khoảng 10 hoặc 15 phút, khi không thể lấy được trái cây tươi.
Kittichai tưởng cuộc gặp giữa anh và Boonchuay vào tháng 6 năm đó là lần cuối, nhưng thật không may kể từ hôm đó, Boonchuay đã trở lại nhiều lần, đột nhập vào nhà và phá vỡ nhiều bức tường. Trong lần đột nhập gần đây nhất (tháng 6 và tháng 7 năm nay), chú voi đã lao đầu vào bếp, vơ vét túi ni lông, dầu ăn, mì gói và bột mì của gia đình anh.

Từng lấn rừng xây nhà, giờ con người lại bị loài voi đột nhập tìm thức ăn
Kittichai nói: “Tôi không chắc mình có quyền giận dữ vì chúng tôi đã đánh cắp không gian sống của lũ voi. Nơi chúng tôi đang đứng bây giờ từng là nhà của chúng”.
Trên khắp Thái Lan và châu Á, con người ngày càng mở rộng vào các khu rừng, chia cắt môi trường sống truyền thống của voi, giảm khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên của chúng. Đối với các cộng đồng sống ở khu vực này, cùng tồn tại là một thử thách dai dẳng và nguy hiểm. Xung đột giữa động vật và con người có thể gây thiệt hại về tài chính, gây đau khổ và tệ nhất là thương vong cho cả hai bên. Theo Bhichet Noonto, một chuyên gia về chủ đề này tại mạng lưới Human Elephant Voices, cho biết trong một cuộc xung đột giữa người và voi ở Thái Lan năm ngoái mỗi bên đều chết 8 thành viên.

Quen với tổn thất

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng sự cạnh tranh về các nguồn tài nguyên sẽ ngày càng gay gắt. “Ở Thái Lan, diện tích rừng vẫn đang giảm và còn rất nhiều dự án xây dựng chuẩn bị tiến hành”. Ông nhấn mạnh sự thật vào năm 1933, 43% diện tích Thái Lan là rừng nhưng đến năm 2019, con số đã giảm xuống chỉ còn dưới 32% cả nước.
Ngôi làng của Kittichai, Chalermkiat Pattana, gần công viên quốc gia Kaeng Krachan, là một trong số nhiều ngôi làng tuyến đầu về đấu tranh để cùng tồn tại với voi. Nhiều biển cảnh báo khách tham quan không được để trái cây trong xe được dựng lên. Người dân nơi đây luôn luôn giăng dây treo lon bên ngoài nhà như một thiết bị thô sơ để cảnh báo những kẻ đột nhập. Vào buổi tối, các nhân viên kiểm lâm của công viên phải sử dụng xe tải để lùa voi - thường là Boonchuay hoặc một con đực khác, Boonmee - quay trở lại rừng.
Kittichai, giống như nhiều người trong làng, giờ đã quen với việc bị đánh thức mỗi đêm bởi những con voi, hoặc bởi âm thanh của nhà khác khi cố gắng xua đuổi chúng. Ai cũng từng là nạn nhân của Boonchuay và Boonmee. Chủ nhà hàng Nongyao Kaewsulesai kể lại cách một con voi đột kích vào tủ bếp của cô và lấy bao đường 25kg.
“Chúng rất thích đường, mì gói và nếu bạn có đu đủ, chúng sẽ lấy hết”. Tủ lạnh của nhà bà ấy đã bị voi đập phá nhiều lần.
Supa Taengthong, người bán chuối chiên và sống bên đường cho biết:
“Tôi cảm thấy mình như một nhân viên bảo vệ. Trong vài lần ghé thăm năm nay, có một con voi đã phá hai bức tường, đi qua khu vực sinh hoạt và phòng ngủ của bọn trẻ để đến nhà bếp ở phía sau nhà. Con voi đã ăn tất cả mọi thứ, không chỉ chuối, đường mà còn cả gạo, bao gồm gạo nấu trong nồi cơm điện, gạo chưa nấu chín, mọi thứ”, bà nói. Chính quyền đã giúp bà xây lại bức tường phía trước của ngôi nhà, nhưng bên trong vẫn bị hư hỏng và bà chưa nhận được tiền bồi thường cho số thực phẩm đã bị mất trộm.

Voi vượt rào

Từng lấn rừng xây nhà, giờ con người lại bị loài voi đột nhập tìm thức ăn
Supa đã sống ở ngôi làng trong hai thập kỷ nhưng đàn voi chỉ trở nên rắc rối trong 3 năm trở lại đây. “Tôi muốn hai con voi này được chuyển khỏi khu vực ngôi làng”, bà nói. Tuy nhiên, loại bỏ chúng có thể khiến mọi chuyện phức tạp hơn, một con voi khác hay thậm chí một đàn voi hung tợn có thể trở lại. Itthipol Thaikamol, người đứng đầu vườn quốc gia Kaeng Krachan, nói: “Chúng tôi đã trồng nhiều lương thực và làm muối liếm nhiều hơn. Nhưng vào mùa khô, mọi thứ trở nên khan hiếm và khó khăn hơn. Đôi khi lũ voi chỉ đơn giản chán cỏ và muốn thử cảm giác mới như sầu riêng hay mít”.
Đối với nông dân, các cuộc truy quét voi có thể gây tốn kém. Trường hợp tồi tệ nhất ở địa phương mà Thongbai Charoendong biết là trái cây bị mất giá, thiệt hại đến 150.000 baht (3.400 bảng Anh). Ông đã làm việc trong khu vực này 17 năm với vai trò điều phối viên dự án giám sát, giảm thiểu xung đột giữa voi và người tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Thái Lan.
Ông kể về một trải nghiệm đáng nhớ:
“Trong một đêm, sáu con voi đã đột kích vào một trang trại trồng dứa và ăn hết mọi thứ. Voi đói có thể húc đổ cây sầu riêng, vì vậy chúng lấy được tất cả những trái ngon nhất”.

Lý do rời rừng

Có nhiều giả thuyết về việc tại sao những con voi lại chọn làng Chalermkiat Pattana - nơi được thành lập như một dự án hoàng gia vào năm 1977 - là nơi lý tưởng để đột kích thường xuyên. Đầu tiên, việc một nhà máy đóng hộp dứa mở cửa gần đó đã thúc đẩy nhiều nông dân địa phương chuyển sang trồng trái cây, từ đó thu hút voi đến. Có giả thuyết khác lại cho rằng người ta từng bỏ dứa thừa trong rừng và điều này khiến loài voi mất đi nỗi sợ hãi với con người. Một khi có cơ hội khám phá sâu hơn, chúng nhanh chóng phát triển sở thích đối với thức ăn và cây trồng của loài người.
Theo Bhichet, nghiên cứu cho thấy việc rừng rậm ngày càng ít cùng với sự phát triển của các trang trại với nguồn thức ăn dinh dưỡng đã đẩy đàn voi vào thế chấp nhận rủi ro để kiểm ăn.
“Ở Thái Lan chúng tôi thấy hiện tượng này ở nhiều nơi. Nhiều con voi đực ngày càng tiến xa hơn khỏi khu vực sinh sống. Có vẻ thức ăn con người khiến chúng rất thích thú. Xu hướng này đang lan rộng khắp nơi và trở nên khó dự đoán”, ông nói.
Nhiều biện pháp được đưa ra để tạm thời ngăn cản đàn voi như giăng dây treo lon, sử dụng bom bóng bàn để xua đuổi chúng, đào đường hào xung quanh nơi sống, để lại những tấm khăn trải bằng dầu ớt trên cánh đồng, đặt các biển cảnh báo khách du lịch và người dân địa phương không cho voi ăn...

Từng lấn rừng xây nhà, giờ con người lại bị loài voi đột nhập tìm thức ăn
Dù là giải pháp nào, chính quyền cũng cần trao quyền cho người dân đồng thời giáo dục họ kiến thức về loài voi. Nếu có thiệt hại tài sản, cần bồi thường và hỗ trợ xây lại nhà. Thongbai nói rằng hàng rào là biện pháp hiệu quả nhất để giảm các cuộc tấn công cây trồng. Ngôi làng đang tiếp tục lên kế hoạch dựng hàng rào tự nhiên xung quanh khu vực. “Điều này chắc chắn có ích vì các sự cố đã giảm bớt. Dù vậy chúng không là gì so với các con voi tham học hỏi”.
Boonchuay là một trong những siêu sao chạy trốn ở khu vực làng Chalermkiat Pattana. Nó có những tình huống đánh lừa nhân viên hết sức ngoạn mục. “Quay trở lại rừng”, các kiểm lâm hét lên với “người thám hiểm” cứng đầu, Boonchuay lúc đó đã hướng về phía rừng nhưng chỉ ít phút sau đội kiểm lâm lại nhận được tin báo đột nhập từ người dân. Khi họ quay lại vị trí cũ để kiểm tra, thứ duy nhất còn sót lại là bãi phân của Boonchuay.
Nguồn:
The Guardian
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top