Vạch trần phép màu của Apple suốt 2 thập kỷ qua: "Chúng tôi đã làm được việc 1+1 không phải bằng 2, mà bằng 3"

The Storm Riders
The Storm Riders
Phản hồi: 0
Câu chuyện bắt đầu từ 1 phát ngôn tưởng chừng như đơn giản của CEO Tim Cook vào năm 2023 tại Trung Quốc: "Chúng tôi đã làm được việc 1+1 không phải bằng 2, mà bằng 3." Câu nói này không chỉ là lời khen ngợi dành cho các đối tác Trung Quốc, nó còn hé lộ 1 sự thật trần trụi về cách Apple đã duy trì biên lợi nhuận cao gấp đôi các đối thủ. Và giờ đây, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng gay gắt dưới thời Tổng thống Donald Trump, bộ mặt thật của "phép màu" này đang dần lộ ra.

Mặt trái của phép màu Apple​


Khi ông Trump gây áp lực buộc Apple phải dời nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc, có lẽ trong mắt ông, việc này có vẻ đơn giản. Ông có thể đã nghĩ rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần là một cơ sở lắp ráp iPhone. Nhưng sự thật thì phức tạp hơn rất nhiều. Đối với Apple, Trung Quốc không chỉ là một đối tác tốt, mà là một "cơ quan nội tạng" cốt lõi, gắn liền hữu cơ với cơ thể của Apple.

1752219951169.png


Nhiều người cho rằng Apple là một trong những động lực chính đằng sau sự tăng trưởng của ngành điện tử và linh kiện Trung Quốc trong thập kỷ qua. Nhưng điều này cũng đúng với chiều ngược lại. Sức mạnh của Apple không chỉ đến từ lao động giá rẻ của Trung Quốc. Nó đến từ một "phép thuật" hay nói thẳng ra là một hành vi "gian lận" mà chỉ có thể thực hiện được ở Trung Quốc: khả năng sao chép công nghệ tiên tiến từ các quốc gia khác với giá rẻ.

Vâng, phép thuật "1+1=3" của Apple thực chất là một loại "gian lận" không thể tồn tại ở bất kỳ nơi nào khác ngoài Trung Quốc. Công thức phi lý này bắt nguồn từ cách Apple vận hành chuỗi cung ứng linh kiện của mình. Chiến lược của họ là gì? Áp dụng công nghệ từ các công ty linh kiện, vật liệu của Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản, sau đó tuồn "công thức" này cho đối tác ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông để tạo ra sự cạnh tranh, từ đó ép giá linh kiện xuống mức thấp nhất có thể.

Ngay cả Samsung và Sony cũng là nạn nhân​


1752219963611.png


Một quan chức trong ngành công nghiệp màn hình Hàn Quốc đã tiết lộ: "Apple thông qua hợp đồng với nhà cung cấp, sở hữu toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm, quy trình đó bao gồm mọi chi tiết từ công cụ cho đến cả việc xử lý đánh bóng." Trước đó, trang tin công nghệ The Information đã phanh phui một thông tin gây chấn động từ chính các nhân viên của Apple, rằng Táo Khuyết "đã giúp BOE của Trung Quốc trong nhiều năm để sản xuất các tấm nền OLED có chất lượng tương đương với Samsung Display. Qua đó, Apple đã gây áp lực buộc Samsung Display phải giảm giá cung cấp tấm nền."

Và nạn nhân không chỉ có các công ty Hàn Quốc. Sony Nhật Bản cũng là 1 ví dụ điển hình. Họ là nhà cung cấp độc quyền màn hình cho kính Vision Pro, nhưng Apple lại bị cáo buộc đã tuồn bí quyết công nghệ Sony cho 1 công ty màn hình Trung Quốc tên là SeeYa Technology. Mục đích không gì khác hơn là để tạo ra sự cạnh tranh giữa SeeYa và Sony nhằm giảm giá thành của Vision Pro. Vì vào thời điểm đó, chỉ có kỹ thuật của người Nhật mới đáp ứng được yêu cầu Apple. Nếu tình hình kéo dài thì công ty không thể giảm bớt chi phí linh kiện được.

Không chỉ màn hình, các linh kiện khác như cảm biến hình ảnh hay pin cũng bị áp dụng chiến lược ép giá tương tự.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Apple​

1752219999984.png


Rõ ràng, đối với Apple, Trung Quốc không chỉ là 1 cơ sở sản xuất mà là hệ sinh thái nơi họ có thể thực hiện những hành vi "gian lận" này. Đây chính là lý do lớn nhất khiến việc Apple dời nhà máy sản xuất iPhone sang Mỹ, Ấn Độ hay Việt Nam trở nên bất khả thi. Thêm vào đó, đội ngũ kỹ sư lành nghề của Trung Quốc được đào tạo trong hơn 1 thập kỷ, cũng trở thành 1 tài sản quan trọng trong việc sản xuất phần cứng Apple.

Tuy nhiên, "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra". Sau hơn một thập kỷ phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", các công ty linh kiện Hàn Quốc đã bắt đầu phản kháng. Năm 2022, Samsung Display đã kiện BOE lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) về hành vi vi phạm bằng sáng chế OLED. Sau một thời gian kiện tụng kéo dài, ITC đã đứng về phía Samsung vào tháng 3 vừa qua. Tiếp đó, vào tháng 4, Samsung Display lại tiếp tục kiện BOE tại tòa án liên bang Texas về tội tuyển dụng bất hợp pháp nhân sự chủ chốt và đánh cắp bí mật công nghệ.

Một quan chức trong ngành màn hình nhận định: "Chiến thắng của Samsung Display trước BOE tại ITC mang một ý nghĩa biểu tượng. Nó cho thấy rằng hành vi cố ý làm rò rỉ công nghệ vốn đã bị nghi ngờ từ lâu thông qua những quan chức Apple thực chất bất hợp pháp. Điều này cũng là bằng chứng cho thấy, trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang tăng cường kiềm chế Trung Quốc, chiến lược 'ép giá' của Apple bằng cách sử dụng các công ty Trung Quốc làm đòn bẩy không còn bền vững."
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly92bnJldmlldy52bi90aHJlYWRzL3ZhY2gtdHJhbi1waGVwLW1hdS1jdWEtYXBwbGUtc3VvdC0yLXRoYXAta3ktcXVhLWNodW5nLXRvaS1kYS1sYW0tZHVvYy12aWVjLTEtMS1raG9uZy1waGFpLWJhbmctMi1tYS1iYW5nLTMuNjQ2OTMv
Top