Thành Cát Tư Hãn, vị chiến binh đã chinh phục cả thế giới trên lưng ngựa. Câu chuyện của ông đầy những vụ bắt cóc, những cuộc đổ máu, tình yêu và sự báo thù. Nhưng đó là lịch sử. Huyền thoại bắt đầu từ khi ông qua đời. Thành Cát Tư Hãn (người Mông Cổ gọi ông là Chinggis Khaan) từng một thời thống trị mọi vùng đất, từ Thái Bình Dương đến Biển Caspian. Trước khi qua đời, ông yêu cầu được chôn cất bí mật. Đội quân mai táng đem thi thể ông về nhà, giết bất kỳ ai họ gặp trên đường để che giấu hành trình.
Khi vị hoàng đế yên nghỉ, quân lính của ông cho 1.000 con ngựa chạy qua mộ để tiêu hủy bất cứ dấu vết gì còn sót lại. Một nghìn con ngựa đã được cho chạy qua chạy lại trên mộ Thành Cát Tư Hãn để xóa hết mọi dấu vết. Trong 800 năm từ khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, chưa từng có ai tìm ra mộ ông. Nhưng hầu hết những người mong muốn tìm ra đều là người nước ngoài, còn dân Mông Cổ thì không. Không phải vì Thành Cát Tư Hãn không quan trọng với quê hương ông - mà ngược lại. Gương mặt ông được in trên tiền và trên chai rượu vodka; ông chưa từng nổi tiếng đến vậy kể từ sau khi qua đời vào năm 1227. Vì thế rất khó để giải thích cho người ngoài hiểu được vì sao truy tìm lăng mộ ông lại là điều cấm kỵ ở nơi này. Sự né tránh này thường được truyền thông nước ngoài tô hồng vì đó là lời nguyền, với niềm tin cho rằng thế giới sẽ kết thúc nếu người ta tìm ra lăng mộ Thành Cát Tư Hãn. Điều này gợi nhắc về truyền thuyết Tamarlane, vị vua Mông Cổ gốc Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ 14 có lăng mộ được các nhà khảo cổ Xô Viết tìm ra vào năm 1941. Ngay sau khi ngôi mộ bị xâm phạm, quân Phát Xít đã xâm lăng Liên bang Xô Viết, mở ra cuộc chiến đẫm máu ở Mặt trận Phía Đông trong Thế Chiến thứ Hai. Những người dị đoan gọi đó là nhân quả. Còn người Mông Cổ tin rằng khai quật lăng mộ là vi phạm ước nguyện của ông. Đây là cảm xúc khá phổ biến. Mông Cổ là quốc gia có truyền thống lâu dài và lòng tự hào sâu sắc. Rất nhiều gia đình treo thảm dệt hoặc chân dung của vị Đại đế. Một số người tự gọi mình là "Hậu duệ Vàng", gợi nhắc về tổ tiên hoàng gia cũ. Tại Mông Cổ, hình ảnh người chiến binh vẫn là biểu tượng đầy sức mạnh.
Cuộc truy tìm lăng mộ
Ngoài áp lực văn hóa phải tôn trọng ước nguyện được chôn cất bí mật của Thành Cát Tư Hãn, nhiều vấn đề kỹ thuật đã cản trở quá trình tìm kiếm lăng mộ ông. Mông Cổ là quốc gia rộng lớn và kém phát triển - rộng gấp bảy lần diện tích Anh Quốc và chỉ có 2% diện tích có đường sá. Mật độ dân cư quá thấp đến mức chỉ vài vùng như Greenland và các hòn đảo xa xôi có mật độ thấp hơn nơi này. Vì thế, nơi đâu ta cũng thấy cảnh hoang dã dữ dội. Con người hiện diện ở đó, có lẽ chỉ để nhằm cho thấy tỷ lệ: độ xa xôi, những đường cong màu trắng trên chiếc lều ger của người chăn gia súc, hoặc một tượng thờ bằng đá với dải cờ cầu nguyện phất phơ bay. Tiến sĩ Diimaajav Erdenebaatar đã tạo dựng được sự nghiệp với việc vượt qua những thách thức đó để theo đuổi ngành khảo cổ. Là Trưởng Khoa Khảo Cổ tại Đại học Quốc gia Ulaanbaatar ở thủ đô của Mông Cổ, Tiến sĩ Erdenebaatar tham dự vào hành trình đầu tiên tìm kiếm lăng mộ. Dự án Nhật Bản - Mông Cổ có tên gọi Guran Gol (nghĩa là Ba Dòng Sông) tập trung vào nơi sinh của Thành Cát Tư Hãn ở Tỉnh Khentii, nơi ba dòng sông Onon, Kherlen và Tuul chảy qua. Song Mông Cổ từ chối dự án tìm kiếm mộ Thành Cát Tư Hãn, và công chúng biểu tình để ngăn cản dự án Gurvan Gol. Từ năm 2001, Tiến sĩ Erdenebaatar đã khai quật một lăng mộ 2.000 tuổi của các vị vua Hung Nô tại tỉnh Arkhangai miền trung Mông Cổ. Tiến sĩ Erdenebaatar tin rằng Hung Nô là tổ tiên của người Mông Cổ; bản thân Thành Cát Tư Hãn cũng tin vào thuyết này. Điều này có thể dẫn đến các nghi thức chôn cất tương tự, và lăng mộ vua Hung Nô có thể sẽ giúp ta hình dung ra lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn trông ra sao. Các vị vua Hung Nô được chôn sâu hơn 20m dưới lòng đất trong những quan quách gỗ, và trên mặt đất được đánh dấu bằng các khối đá vuông. Tiến sĩ Erdenebaatar đã trải qua 10 mùa hè khai quật để tìm ra lăng mộ đầu tiên, và lăng này đã bị các nhóm cướp mộ phá từ trước. Dù vậy, nơi đây vẫn còn cả một khối tài sản đồ quý cho thấy quan hệ ngoại giao từ thời Hung Nô: một chiếc chiến xa Trung Hoa, đồ thủy tinh La Mã và rất nhiều kim loại quý. Tiến sĩ Erdenebaatar giới thiệu bảo tàng khảo cổ nhỏ xíu trong trường đại học để xem những hiện vật đó. Đồ trang trí vàng bạc được chôn theo cùng nhiều chú ngựa hiến tế ngay tại lăng mộ. Ông chỉ ra hình ảnh báo và ngựa một sừng trong thiết kế - là các hình ảnh dành cho hoàng gia mà Thành Cát Tư Hãn và hậu duệ của ông cũng sử dụng. Nhiều người tin rằng lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn cũng sẽ đầy châu báu mà ông thu chiếm được từ khắp các vùng thuộc Đế chế Mông Cổ. Đó cũng là một lý do khiến người nước ngoài rất muốn tìm ra mộ. Nhưng nếu như Đại đế được chôn theo kiểu vua Hung Nô thì việc tìm ra lăng mộ này là cực kỳ khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi. Để che giấu lăng mộ kiểu này, người ta chỉ cần bỏ đi các cột đá đánh dấu. Hầm mộ chính nằm sâu 20m dưới mặt đất, không ai có thể tìm ra giữa Mông Cổ mênh mông. Khi được hỏi Tiến sĩ Erdenebaatar liệu ông có nghĩ mộ của Thành Cát Tư Hãn rồi có lúc sẽ được tìm ra hay không, ông đáp bằng cái nhún vai bình tĩnh gần như không thay đổi. Ông đã không có đủ thời gian trong đời cho việc đó. Lịch sử quá lớn lao.
Manh mối từ núi thiêng
Dân gian truyền rằng Thành Cát Tư Hãn được chôn trên một đỉnh núi trên dãy Khentii, có tên gọi Đỉnh Burkhan Khaldun, nằm cách Ulaanbaatar chừng 160km về phía đông bắc. Ông từng trốn tránh kẻ thù trong ngọn núi khi còn trẻ và thề sẽ quay về khi chết. Tuy nhiên, lại có những bất đồng giữa giới học giả về vị trí chính xác ông được chôn là ở đâu trên núi - nếu giả thiết này là thật. "Đó là ngọn núi thiêng," Tiến sĩ Sodnom Tsolmon, giáo sư sử học tại Đại học Quốc gia Ulaanbaatar chuyên về lịch sử Mông Cổ thế kỷ 13 cho biết. "Điều đó không có nghĩa là ông được chôn ở đó." Nhưng bức tranh họ vẽ ra lại thường đối lập nhau. Một ngàn con ngựa chạy qua gợi ý đến một thung lũng hay vùng thoải, cũng như mộ của các vua Hung Nô. Nhưng lời thề của ông lại gắn liền với ngọn núi. Tình hình trở nên phức tạp hơn, khi nhà dân tộc học S Badamkhatan xác định có đến năm ngọn núi trong lịch sử được gọi tên là Burkhan Khaldun (dù ông kết luận rằng ngọn núi Burjhan Khaldun trong thời hiện đại có lẽ là đúng). Phụ nữ không được chào đón ở núi thiêng Burkhan Khaldun. Ngay cả khu vực xung quanh có thời cũng bị cấm và chỉ dành cho hoàng gia. Từng nổi tiếng với Ikh Khorig, hay "Vùng cấm vĩ đại", nơi đây giờ là Khu Bảo tồn Nghiêm ngặt Khan Khentii và là Di sản Thế giới Unesco. Từ khi được phong danh hiệu này, Burkhan Khaldun cũng cấm giới nghiên cứu lui tới, và điều này khiến bất cứ giả thiết nào về vị trí mộ của Thành Cát Tư Hãn đều trở nên mù mờ không thể chứng minh.
Ước nguyện cuối cùng của chiến binh vĩ đại
Ngôi mộ gần như không thể tìm ra, nhưng tại sao đây vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở Mông Cổ? Thành Cát Tư Hãn đơn giản là vị anh hùng vĩ đại nhất Mông Cổ. Phương Tây chỉ còn nhớ ông đã xâm lược tới đâu, nhưng người Mông Cổ lại nhớ những gì ông đã kiến tạo nên. Đế quốc của ông kết nối Phương Đông với Phương Tây, giúp Con đường Tơ Lụa phát triển. Thời ông cai trị là thời ý tưởng về miễn cống nạp ngoại giao và tự do tôn giáo được thiết lập. Ông xây dựng hệ thống bưu chính đáng tin cậy và cách sử dụng tiền giấy. Thành Cát Tư Hãn không chỉ xâm chiếm thế giới, ông còn văn minh hóa thế giới đó. Cho đến ngày nay, ông vẫn luôn là biểu tượng cho lòng kính ngưỡng vĩ đại, đó là lý do khiến người Mông Cổ mong muốn lăng mộ ông không bị ai quấy rầy. Nếu họ muốn ta tìm ra, họ đã để lại những chỉ dấu.