Xe điện nhen nhóm hy vọng cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam

Khi VinFast đưa 2 mẫu ôtô điện mới VF e35 và VF e36 ra mắt chính thức tại Triển lãm ôtô Los Angeles 2021 (Mỹ), việc nhập cuộc thị trường này không còn là quá sớm sủa. Tuy nhiên, xu hướng của xe điện nói riêng và xe xanh nói chung đang đà lên. Và Việt Nam, với VinFast tiên phong, dù không quá sớm nhưng cũng chưa muộn.

Xu thế của xe điện

Nếu xét ở bình diện khu vực Đông Nam Á, với VinFast là đại diện, Việt Nam đã có bước đi khá sớm sủa tham gia vào lĩnh vực ôtô điện. Trên thế giới, những quốc gia đã có nền tảng về ngành công nghiệp ôtô điện đứng đầu là Trung Quốc, tiếp đến Mỹ, Nhật Bản, và một phần ở Châu Âu... Có thể thấy, số quốc gia đã hình thành và phát triển được ngành công nghiệp xe điện nói chung và ôtô điện nói riêng chưa nhiều. Ngay cả lục địa già Châu Âu, một khu vực có đồng tiền chung và nền văn minh phát triển cao, kinh tế hùng mạnh, cũng đang cho thấy sự chậm chạp trước một số quốc gia Châu Á và Mỹ trong cuộc đua về ngành công nghiệp ôtô điện. Ôtô điện, xét từ thị trường ôtô lớn nhất và cũng có doanh số bán ôtô điện nhiều nhất là Trung Quốc, mới chỉ chiếm trên dưới 10% thị phần ôtô. Đủ thấy, dư địa cho xe điện còn quá rộng lớn. Nhìn sang Mỹ, quốc gia mỗi năm tiêu thụ hàng chục triệu chiếc ôtô mới xuất xưởng, doanh số bán ôtô điện cũng mới chỉ chiếm trên dưới 2% thị phần trên thị trường ôtô. Dư địa để ôtô điện phát triển và cơ hội để cho ôtô điện chiếm được thị phần không chỉ dành cho hãng xe của tỉ phú Phạm Nhật Vượng mà còn dành cho bất cứ doanh nghiệp ôtô nào khác. Vấn đề khác biệt là, ai đi trước mở lối, người đó có cơ hội nhiều hơn, cùng với đó là tầm nhìn và quyết tâm. Điều này thì VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã thể hiện rất rõ trong thời gian qua. Ông Vượng cho thấy sự quyết liệt “trảm” nhiều mảng khác của Vingroup, ngay cả mảng điện thoại và điện tử tưởng chừng sẽ trở thành một trong những trụ cột của tập đoàn này, cuối cùng cũng phải hi sinh cho ngành ôtô điện. Ngày nay, những chiếc ôtô điện sản xuất ở Mỹ, Trung Quốc…, một lần nạp pin hoàn toàn có thể chạy được 500-700km, khắc phục được dần điểm yếu về nguồn cung năng lượng/nhiên liệu cho những hành trình dài, nhờ đó cũng thuận lợi hơn trong việc thuyết phục người tiêu dùng.
Xe điện nhen nhóm hy vọng cho ngành công nghiệp ôtô Việt Nam
VinFast ra mắt 2 mẫu ôtô điện mới tại Los Angeles Motor Show 2021. Công nghệ pin cho xe điện nói chung và ôtô điện nói riêng cũng giúp đưa loại phương tiện này bước vào thời kỳ mới, đó là thời kỳ phổ cập ngày càng rộng hơn. Và theo đó, dung lượng thị trường cũng sẽ tăng nhanh, tạo cơ hội cho tất cả các thương hiệu sản xuất ôtô thuộc phân khúc này.

Cơ hội phát triển ngành công nghiệp ôtô mới cho Việt Nam

Xu thế của ngành ôtô điện trên toàn cầu đã diễn biến rất nhanh trong vòng 2-3 năm trở lại đây. Điển hình nhất chính là Tesla của tỉ phú Elon Musk, đã nhanh chóng cán đỉnh vốn hóa 1.000 tỉ USD, trở thành công ty ôtô có vốn hóa lớn nhất thị trường chứ không phải những cái tên đã ra đời cả trăm năm như GM, Ford hay Lexus… Cách đây mấy năm khi Uber chuẩn bị IPO, vốn hóa được đẩy lên mức 70 rồi 72 tỉ USD, đã gây ầm ĩ trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng, với một startup về ôtô điện còn ít người ở bên ngoài nước Mỹ biết đến như Lucid, vốn hóa trong ngày IPO đã không mấy khó khăn cán mốc 100 tỉ USD. Vài tháng trước, thông tin từ một số tờ báo quốc tế cho rằng, VinFast của tỉ phú Vượng có kế hoạch IPO tại Mỹ, với giá trị vốn hóa có thể đạt tới 50 tỉ USD. Xu thế của ngành ôtô điện đã đốt nóng giá cổ phiếu của những doanh nghiệp trong lĩnh vực này thời gian qua. Đứng trước xu thế đó, những người hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam, sau khi không thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp ôtô theo mô hình cũ, có lẽ nên có sự chọn lựa mới thực tế hơn. Bởi nếu cứ tiếp tục bám víu vào chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu), thì không chỉ khó thành công, bởi sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia có ngành công nghiệp ôtô đi trước chúng ta cả trăm năm, với thị trường có dung lượng lớn hơn, và nền tảng phát triển mạnh mẽ từ rất lâu rồi. Giả thiết Việt Nam hình thành được ngành công nghiệp ôtô, sản phẩm cũng không dễ đi ra thế giới vì khả năng cạnh tranh. Còn thị trường trong nước, với dung lượng thị trường vài trăm ngàn chiếc mỗi năm, rất khó nuôi được một ngành công nghiệp ôtô vững mạnh. Bước qua mô hình cũ gắn với tư duy cũ, chiến lược cũ, để xây dựng mô hình mới với tư duy mới và chiến lược mới, cơ hội trước hết chính là tự vượt lên chính mình. Bên cạnh đó về thực tế, ngành công nghiệp xe điện thế giới hiện nay chưa có quá nhiều nước hình thành và phát triển đến đỉnh cao. Và Việt Nam, với bước đi đột phá từ VinFast, thuộc một trong số không nhiều quốc gia đang nắm trong tay phần nào cơ hội để tự quyết trong cuộc đua về ngành ôtô điện. Thậm chí ở góc độ nào đó, Việt Nam đang có cơ hội phát triển ngành công nghiệp ôtô điện ngang bằng với rất nhiều quốc gia khác ngay cả đó là Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, là những nước đã bỏ khá xa chúng ta trong ngành công nghiệp ôtô sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thậm chí, việc Việt Nam không thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp ôtô theo chiến lược cũ cũng phần nào đóng góp vào động lực để dứt khỏi những cái cũ vướng víu và bước hẳn vào cách làm mới trong một ngành công nghiệp ôtô mới.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top