Xe ô tô điện có dùng dung dịch làm mát không, có cần thay dung dịch thường xuyên?

Xe ô tô điện (EV) dễ bảo trì hơn xe ô tô động cơ đốt trong (ICE), và chi phí bảo trì cũng rẻ hơn nữa. Nguyên nhân là bởi EV không có các thành phần di chuyển phức tạp vốn hiện diện bên trong động cơ đốt trong. Nhưng liệu EV có cần sử dụng dung dịch làm mát giống như xe chạy xăng truyền thống?
Đây hoàn toàn không phải câu hỏi thừa thãi, bởi pin EV chắc chắn cần được làm mát theo một vài phương pháp nào đó. Nếu bạn tò mò muốn biết liệu EV có sử dụng dung dịch làm mát hay không, và nếu có thì dung dịch này có cần được định kỳ thay thế hay không, thì bạn đã tìm đến đúng nơi rồi đấy!

Dung dịch làm mát trong xe ô tô là gì?

Xe ô tô điện có dùng dung dịch làm mát không, có cần thay dung dịch thường xuyên?
Trong một phương tiện ICE, dung dịch làm mát được sử dụng như một phương thức chủ đạo để truyền nhiệt từ động cơ và các thành phần bên trong ra ngoài. Dung dịch làm mát có tầm quan trọng đặc biệt trong những phương tiện này bởi nó giúp giữ động cơ luôn ở nhiệt độ tối ưu khi vận hành. Đây là điều không hề dễ dàng, đặc biệt bởi các động cơ xăng có nhược điểm là lãng phí khá nhiều năng lượng mỗi khi nóng lên. Ngoài ra, dung dịch làm mát có nhiệt độ sôi cao hơn rất nhiều so với nước, nên được xem là lựa chọn hoàn hảo để làm mát động cơ đốt trong vốn sản sinh một lượng nhiệt khổng lồ trong quá trình hoạt động.
Dung dịch làm mát gốc glycol cũng có nhiệt độ đóng băng thấp hơn nước, do đó khá lý tưởng trong mùa đông khắc nghiệt, khi nước có khả năng đóng băng bên trong hệ thống làm mát của xe. Nếu nước đóng băng trong động cơ, thiệt hại có thể rất nghiêm trọng ngay khi nước bắt đầu chuyển từ thể lỏng sang thể rắn. Đó là lý do tại sao bạn cần dùng đúng loại dung dịch làm mát cho phương tiện của mình giữa mùa đông. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dung dịch làm mát không chỉ phát huy hiệu quả trong mùa đông. Nhiều người cho rằng dung dịch làm mát gốc glycol là không cần thiết ở những khu vực nắng ấm bởi rủi ro chất lỏng bị đóng băng là gần như không có.
Quả là một sai lầm lớn, và nhiều người còn sử dụng nước máy trong hệ thống làm mát của động cơ nữa - về lâu về dài, hệ thống sẽ bị đóng cặn do nước máy không phải là loại nước tinh khiết. Dung dịch làm mát còn có đặc tính chống gỉ sét để ngăn gỉ sét của nhiều kim loại khác nhau mà nó tiếp xúc trong quá trình chảy trong hệ thống. Nước máy không có bất kỳ phụ gia chống gỉ sét nào. Nếu bạn nghiêm túc về việc bảo vệ động cơ ô tô, bạn phải thay dung dịch làm mát định kỳ trong các lần bảo dưỡng phương tiện.

Ô tô điện có cần dung dịch làm mát?

Xe ô tô điện có dùng dung dịch làm mát không, có cần thay dung dịch thường xuyên?
EV cũng tạo ra nhiệt, nhưng linh kiện chính cần làm mát của EV là pin chứ không phải động cơ. Động cơ đốt trong sản sinh ra nhiều nhiệt hơn hẳn so với động cơ điện. Nhưng do tầm quan trọng của việc giữ pin EV ở nhiệt độ an toàn, dung dịch làm mát cũng là một phần không thể thiếu đối với EV. Tuy vậy, không phải mọi EV đều sử dụng dung dịch làm mát. Một số EV được trang bị hệ thống làm mát bằng không khí, vốn không hiệu quả bằng phương thức làm mát bằng chất lỏng.
Nissan Leaf là mẫu EV sử dụng làm mát bằng không khí, và hiển nhiên chưa từng có vấn đề gì liên quan đến nhiệt xảy ra với nó. Nhưng một điều không thể phủ nhận là làm mát bằng chất lỏng sẽ hiệu quả hơn trong việc làm mát pin EV ở những điều kiện khắc nghiệt, đặc biệt là khi sử dụng xe trong vùng khí hậu rất nóng. Lý giải cho điều này là bởi nước dẫn nhiệt tốt hơn nhiều so với không khí. Do đó, nếu bạn đang định mua ô tô điện và sống ở vùng khí hậu nóng bức, hãy chọn những mẫu xe có hệ thống làm mát chất lỏng. Cơ chế hoạt động của hệ thống làm mát pin EV bằng chất lỏng cũng tương tự như làm mát động cơ đốt trong trên xe truyền thống vậy.
Cụ thể, các động cơ đốt trong có nhiều ống dẫn bên trong động cơ để đưa dung dịch làm mát đi qua những khu vực nóng của động cơ, nhờ sự trợ giúp của một máy bơm. Dung dịch làm mát lúc này sẽ nóng lên, và được đưa qua bộ tản nhiệt, nơi có quạt để hạ nhiệt độ của chất lỏng. Nhờ đó, động cơ sẽ không bị hư hỏng do quá nhiệt. EV cũng cần sử dụng các phương thức làm mát để giữ pin không bị hỏng, và trên thực tế, phương thức làm mát pin EV không khác là bao so với phương thức làm mát động cơ đốt trong nêu trên.
Bao quanh khối pin của EV là mạng lưới các ống dẫn dung dịch làm mát. Dung dịch làm mát khi nóng lên cũng sẽ được dẫn qua bộ tản nhiệt. Đây là gọi làm mát gián tiếp, và tất nhiên là có các phương thức khác, bao gồm làm mát trực tiếp. Trong làm mát trực tiếp, khối pin sẽ được nhúng vào dung dịch làm mát, nhưng dung dịch làm mát này cần phải được xử lý để giảm thiểu khả năng dẫn điện. Không may là, làm mát trực tiếp chưa xuất hiện trên bất kỳ mẫu xe nào trên thị trường. Có lẽ phương thức này sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho các mẫu EV trong tương lai, nhưng ở thời điểm hiện tại, làm mát gián tiếp vẫn phổ biến hơn.

Ô tô điện dùng loại dung dịch làm mát nào?

Xe ô tô điện có dùng dung dịch làm mát không, có cần thay dung dịch thường xuyên?
Hầu hết EV, giống như xe động cơ đốt trong, sử dụng các dung dịch làm mát gốc glycol. Xe xăng truyền thống sản sinh ra một lượng nhiệt rất lớn, do đó dung dịch làm mát phải làm việc cật lực khi di chuyển quanh khu vực động cơ. Vì lý do này, dung dịch làm mát trên EV phải là loại có tính dẫn thấp. Có những loại dung dịch làm mát tính dẫn thấp được sản xuất riêng cho EV để ngăn những tình huống bất ngờ xảy ra.
Các hệ thống làm mát bằng chất lỏng ưu việt hơn làm mát bằng không khí xét về khả năng dẫn nhiệt, nhưng qua một thời gian, nguy cơ rò rỉ chất lỏng hoàn toàn có thể xuất hiện. Nếu dung dịch làm mát bắt đầu ngấm vào khối pin, và nó là loại có tính dẫn cao, thì quả là công thức hoàn hảo dẫn đến…thảm họa. Vậy nên, nắm được loại dung dịch làm mát phù hợp cho chiếc EV của bạn là điều cực kỳ quan trọng.

Có cần thay thế dung dịch làm mát của EV không?

Xe ô tô điện có dùng dung dịch làm mát không, có cần thay dung dịch thường xuyên?
Còn tùy thuộc vào nhà sản xuất, nhưng trong hướng dẫn sử dụng của Model Y, Tesla nói rằng bạn không cần thay dung dịch làm mát trong toàn bộ vòng đời sản phẩm. Tesla cũng nhấn mạnh rằng người dùng không nên tự thay thế dung dịch này. Có vẻ như việc loại bỏ yêu cầu định kỳ thay dung dịch làm mát là một ưu điểm khác của sử dụng EV!
Dung dịch làm mát trên EV thường ít phải tiếp xúc với một lượng nhiệt lớn, do đó cũng hợp lý khi dung dịch này sẽ sử dụng được lâu hơn xe truyền thống. Dù sao đi nữa, định kỳ thay dung dịch làm mát cũng chẳng hại gì, mà còn giúp đảm bảo dung dịch này luôn trong tình trạng tốt nhất và có thể tiếp tục làm mát pin hiệu quả.

Dung dịch làm mát là yêu cầu cơ bản nhằm bảo vệ tuổi thọ pin

Sử dụng loại dung dịch làm mát phù hợp cho ô tô điện sẽ đảm bảo pin xe luôn hoạt động ở nhiệt độ vừa phải và được bảo vệ trong những tình huống rò rỉ bất ngờ. Dù một số nhà sản xuất nói rằng dung dịch này có thể hoạt động trong toàn bộ vòng đời của xe, bạn vẫn nên kiểm tra dung dịch làm mát thường xuyên để pin luôn được bảo vệ!
Tham khảo: MakeUseOf
>> Xe ô tô điện có thực sự cần bảo dưỡng ít hơn xe xăng?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top