VnReview
Hà Nội

Ve sầu ở Mỹ nhiều đến mức tạo thành "đám mây sinh học" trên radar thời tiết

Với những người sống ở miền Đông nước Mỹ chắc đã quen với việc lũ ve sầu xuất hiện. Số lượng ve sầu lớn đến nỗi người ta lầm tưởng rằng tiếng kêu gợi tình của chúng là tiếng còi báo động xe ô tô. Nhưng chính xác lượng ve sầu lớn đến cỡ nào? Chúng lớn đến mức xuất hiện cả trên… radar thời tiết.

Ảnh: Gene Kritsky/Mount St. Joseph University

"Đây không phải là một cơn mưa, cũng không phải nhiễu sóng mặt đất", nhà khí tượng học Lauryn Ricketts của NBC tweet hôm thứ Hai kèm theo hình ảnh radar của một đốm màu xanh lá cây lớn nằm ngay trên khu vực của Washington DC, Virginia và Maryland. "Thuật toán Hydrometeor Classification phân loại đám mây này có bản chất sinh học, vậy nên có thể đám ve sầu đã bị chùm tia radar bắt được".

Đoạn tweet của Ricketts nhận được khá nhiều phản hồi dí dỏm, có người còn cắt cả cảnh quân đội chuẩn bị cho một cuộc đi săn bọ trong bộ phim Aliens:

Có di chuyển. Tín hiệu rõ. Còn cách 20m… 18… 17m… 15… 13… Nó là một đám bọ rất lớn đấy! (@MoFloMoJo)

Tài khoản Twitter chính thức của Dịch vụ Thời tiết Quốc gia khu vực Baltimore-Washington cũng đã tweet về những con ve sầu xuất hiện trên radar: "Có thể bạn đã nhận thấy nhiều tín hiệu nhiễu (giá trị phản xạ thấp). Thuật toán Hydrometeor Classification cho thấy phần lớn có bản chất sinh học. Chúng tôi nghĩ nó là gì ư? Có thể là đám ve sầu".

Washington Post đã liên hệ với một nhà côn trùng học tại Đại học Maryland, người này thoạt đầu không tin rằng hình ảnh trên radar là của đám ve sầu.

"Ve sầu không phải là loài có khả năng bay đường dài, chúng không di cư và đặc điểm sinh học của chúng là bám chặt vào cây cối", Daniel Gruner trả lời tờ Washington Post. Nhưng khi anh được cho biết có radar có thể phát hiện lũ côn trùng ở trên ngọn cây, nhà côn trùng học này đã thay đổi suy nghĩ.

"Nếu radar có thể ghi nhận tính hiệu từ tầng tán, điều đó có thể thay đổi toàn bộ phương trình", anh nói.

Minh Bảo;(Theo Cnet)

Chủ đề khác