VnReview
Hà Nội

CPU ARM ngừng hỗ trợ 32-bit vào năm 2022 sẽ dẫn đến hệ quả gì?

Phát biểu tại sự kiện ARM DevSummit, ông Paul Williamson, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc mảng kinh doanh tại ARM cho biết các nhân CPU Cortex-A trong tương lai của ARM sẽ chỉ hỗ trợ 64-bit từ năm 2022 trở đi.

Điều đó có nghĩa là trong tương lai, các ứng dụng 32-bit cũ sẽ không còn được hỗ trợ phần cứng nữa, báo hiệu những thay đổi nhỏ nhưng quan trọng đối với những chiếc smartphone và hệ điều hành Android trong tương lai.

Nếu bạn lo lắng về vấn đề hỗ trợ ứng dụng, thì hãy an tâm. Từ tháng 8/2019, Google đã yêu cầu mọi ứng dụng khi được đưa lên Google Play đều phải là 64-bit. ARM cho biết có khoảng 60% các ứng dụng hiện nay đã tương thích 64-bit. Hầu hết những ứng dụng không phải 64-bit cũng không thuộc các hệ sinh thái của Apple và Google. Nói cách khác, gần như mọi ứng dụng bạn đã, đang và sẽ có thể dùng đã sẵn sàng cho 64-bit, và vẫn còn rất nhiều thời gian để các nhà phát triển chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới. Một vài ứng dụng hiện không còn được duy trì nữa, do đó chúng đơn giản là sẽ ngừng hoạt động, bạn chẳng thể làm gì khác.

Android chẳng phải đã là một hệ điều hành 64-bit hay sao?

Về mặt kỹ thuật thì đúng. Android đã hỗ trợ 64-bit trên phiên bản 5.0 Lollipop vào năm 2014, nhưng Android và các nhân CPU của ARM vẫn tiếp tục hỗ trợ các ứng dụng 32-bit truyền thống. Do đó, Android không phải là một hệ điều hành thuần 64-bit, ít nhất là chưa. Thứ sẽ chấm dứt vào năm 2022 nói trên chính là khả năng hỗ trợ ứng dụng 32-bit xét từ quan điểm phần cứng, và Google chắc chắn cũng sẽ ngừng hỗ trợ về mặt phần mềm. Từ quan điểm người dùng, quá trình chuyển đổi sẽ khá nhẹ nhàng và gọn gàng.

Lợi ích của việc chuyển sang thuần 64-bit bao gồm cải thiện được hiệu năng của các ứng dụng, game, và của cả hệ điều hành - trong một số trường hợp là tăng đến 20%. Các nhà phát triển sẽ không phải hỗ trợ hai bộ nhị phân nữa, và do đó có thể tập trung hoàn toàn vào tối ưu hoá bộ nhị phân 64-bit mà thôi. Kết quả? Thời gian cập nhật các phần mềm sẽ nhanh hơn nhiều.

Xét trên nhiều góc độ, việc chuyển lên 64-bit là hệ quả tất yếu. Smartphone và ứng dụng từ nhiều năm qua đã ở trong trạng thái chuyển đổi. Đã đến lúc cả phần cứng và phần mềm hoàn tất quá trình đó. Nếu bạn chưa biết thì hệ điều hành iOS 11 của Apple đã trở thành hệ điều hành thuần 64-bit vào năm 2017 rồi.

Một số thông tin về các CPU 64-bit của ARM

Đối với ARM, họ cuối cùng cũng có thể loại bỏ những thành phần thừa thãi trong CPU vốn phải đưa vào để hỗ trợ 32-bit. Nhờ đó, diện tích chip sẽ trở nên thoáng hơn, cho phép thu nhỏ các nhân CPU và giảm lượng nhiệt mà chúng toả ra trong quá trình hoạt động, hoặc đưa thêm nhiều tính năng đặc sắc vào chip mà không khiến kích thước của nó tăng lên.

Việc chuyển đổi sang 64-bit chỉ diễn ra với các nhân CPU Cortex-A cỡ lớn mà thôi, và việc CPU Arm trở thành thuần 64-bit cũng không đồng nghĩa họ phải đưa ra một kiến trúc mới, như ArmV9 chẳng hạn. Nói cách khác, chúng ta sẽ có những thiết kế CPU hoà trộn Makalu 64-bit với một CPU 32/64-bit cỡ nhỏ hơn, như Cortex-A55. Dù vậy, sản phẩm cuối cùng vẫn sẽ là những CPU thuần 64-bit xét từ góc nhìn của nhà phát triển lẫn người dùng.

Sẽ còn khá lâu nữa chúng ta mới thấy những nhân CPU cỡ nhỏ chuyển sang thuần 64-bit để đồng bộ với các nhân cỡ lớn, tức các thiết bị với mức tiêu thu điện năng thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ 32-bit thêm một thời gian nữa. Có thông tin rằng chúng ta sẽ thấy một nhân CPU cỡ nhỏ để thay thế Cortex-A55 xuất hiện trước thời điểm đó, tuy nhiên nhân này có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cả 32-bit lẫn 64-bit để đảm bảo cho quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ hơn.

Chuyển sang thuần 64-bit là một bước chuyển lớn đối với Android, với các nhà phát triển, lẫn với Arm. Đây là một bước quan trọng để đơn giản hoá cơ chế hỗ trợ kiến trúc truyền thống vốn khá rắc rối. Tuy nhiên, nó sẽ không phải là một thay đổi mang tính nền tảng đối với hệ sinh thái lẫn trải nghiệm người dùng thông thường. Miễn là các nhà phát triển ứng dụng cùng chung tay thực hiện chuyển đổi - và họ có khá nhiều thời gian để làm điều đó - thì người tiêu dùng có lẽ sẽ chẳng biết sự thay đổi đang diễn ra.

Minh.T.T (Tham khảo;AndroidAuthority)

Chủ đề khác