5 đại án kinh tế gây rúng động dư luận trong năm 2022

Năm 2022 quả là 1 năm "đáng nhớ" với nền kinh tế nước nhà với hàng loạt đại án kinh tế tham nhũng bị đưa ra ánh sáng, khiến dư luận toàn quốc và cả thế giới rúng động. Từ "quả bom" mang tên Việt Á, đến những cú "ngã ngựa" của hàng loạt các đại gia của nền kinh tế: FLC, Tân Hoàng Minh, AIC...

1. Đại án Việt Á gây bức xúc dư luận

Công ty Việt Á do ông Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Tháng 4/2020, công ty này được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19.
Tuy nhiên, Phan Quốc Việt đã lợi dụng nhu cầu cấp bách của việc xét nghiệm Covid-19 trong toàn quốc nhằm cung ứng trước các sản phẩm liên quan cho các bệnh viện, cơ quan y tế và CDC các tỉnh thành. Ông này còn thông đồng với các lãnh đạo cấp cao để nhằm hợp pháp hóa hồ sơ, hợp đồng, các giấy tờ quyết toán cho công ty Việt Á với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá sản xuất. Việt Á đã thu lời khoảng 4.000 tỷ đồng và hơn 800 tỷ đồng "bôi trơn" các lãnh đạo.

5 đại án kinh tế gây rúng động dư luận trong năm 2022
Phan Quốc Việt (áo kẻ)
Ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đối với ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và ông Phạm Duy Tiến (Giám đốc CDC Hải Dương).
Vào những ngày cuối cùng của năm 2021, Bộ Công an tiếp tục khởi tố 4 vụ án hình sự liên quan đến các vi phạm "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đồng thời "còng tay" 15 bị can với những cái tên nhắc đến "ai cũng biết đó là ai" như ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế), ông Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An), ông Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương).
Đầu năm 2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an kết hợp với Bộ Quốc phòng, Công an các tỉnh thành đã khởi tố trên 100 bị can có dính lứu, đáng chú ý có 3 người là ủy viên Trung ương Đảng, gồm các ông: Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế; Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Chưa kể hàng loạt lãnh đạo các cấp sở, nhân viên y tế của hàng chục tỉnh thành cũng nằm trong danh sách này.

2. Tân Hoàng Minh và cú lừa hơn 8.000 tỷ đồng

Ngày 5/4/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 người có liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Đáng chú ý, trong những "nhân vật" bị khởi tố có ông Đỗ Anh Dũng là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (con trai bị can Đỗ Anh Dũng).
5 đại án kinh tế gây rúng động dư luận trong năm 2022
2 bị can Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt
Theo hồ sơ Bộ Công An, tập đoàn này có nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động huy động tiền của nhà đầu tư, phát hành trái phiếu. Cụ thể, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có những hành vi lừa dối khách hàng, sử dụng 3 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông để phát hành 9 đợt trái phiếu trái pháp luật, tổng giá trị lên đến 10.300 tỷ đồng.
Mục đích của việc phát hành trái phiếu là nhằm "hút" tiền các nhà đầu tư nhưng lại không dùng cho các hoạt động kinh doanh theo cam kết trong hồ sơ phát hành trái phiếu. Hơn 6.000 nhà đầu tư tin tưởng vào Tân Hoàng Minh đã "cống nộp" cho tập đoàn này hơn 8.000 tỷ.

3. Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng giá cổ phiếu

Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC và cá nhân thuộc FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty thành viên bị Cơ quan điều tra Bộ công an khởi tố ngày 29/3/2022 về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Kết quả điều tra cho biết, từ 1/9/2016 - 10/1/2022, bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết, nhân viên Ban Kế toán, Công ty CP Tập đoàn FLC) được Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thành lập khoảng 20 công ty thông qua các cá nhân có mối quan hệ họ hàng, đồng thời mượn thông tin trên CMND của 26 người thân mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán.

5 đại án kinh tế gây rúng động dư luận trong năm 2022
Trịnh Văn Quyết
Sau khi các tài khoản này được mở, bị can Huế đã chỉ đạo các cá nhân liên quan liên tục mua bán chứng khoán với khối lượng lớn, chi phối toàn bộ thị trường vào thời điểm mở cửa/đóng cửa, đặt lệnh/hủy lệnh liên tục tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán của tập đoàn FLC nhằm thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng.
Tính đến ngày 24/02/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS do Quyết đứng tên cùng số cổ phiếu từ 5 cá nhân cũng do Quyết đứng nhớ tên để thu lợi 6.412 tỷ đồng, sau đó rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Ngày 25/8/2022 ông ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân có liên quan bị khởi tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, từ năm 2014-2016, ông Quyết và đồng phạm còn làm các thủ tục để tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Giá trị này tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros, khi 430 triệu cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, những người này đã bán để chiếm đoạt tiền từ các nhà đầu tư.

4. Chuyến bay giải cứu

Vào giai đoạn khoảng cuối tháng 3/2020. Việt Nam ưu tiên cho các "chuyến bay giải cứu" nhằm đưa người lao động và các chuyên gia người Việt ở nước ngoài có nhu cầu về nước. Những chuyến bay này thường có sự tham gia và phối hợp hoạt động từ Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế và Giao thông vận tải.
Tính cho đến gần cuối năm 2021, gần 2.000 chuyến bay đã được thực hiện, đưa các công dân từ nhiều quốc gia về Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm này cũng bắt đầu rộ thông tin về việc trục lợi giá vé các chuyến bay này.

5 đại án kinh tế gây rúng động dư luận trong năm 2022
Các bị can trong vụ án
Ngày 27/1/2022, 4 cán bộ thuộc Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) trong đó có Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ". Đến ngày 14/4, Bộ Công an tiếp tục ra lệnh khởi tố đối với ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cùng 2 cán bộ khác tại Bộ Y tế và Bộ Công an về tội "Nhận hối lộ".
Tiếp đó, từ 6/5 đến 25/7/2022, 8 người khác trong đó có 3 lãnh đạo doanh nghiệp và 5 cán bộ, nguyên cán bộ Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT và Bộ Y tế có liên quan đến vụ án "chuyến bay giải cứu" bị khởi tố.
Đến nửa cuối năm 2022, Cơ quan công an mở rộng điều tra và đưa thêm 19 người khác vướng vòng lao lý. Trong đó có những nhân vật "máu mặt" như ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó Thủ tướng; Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ; các cán bộ, nguyên cán bộ tại các lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka (Nhật Bản), Angola, Nga. Bộ Công an cho biết, mỗi bị can trong vụ án này có thể thu lợi vài tỷ đồng trên mỗi chuyến bay.

5. Đại án Chủ tịch AIC "đi đêm" để thông thầu

Ngày 29/4/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Hiện bị can được xác định bỏ trốn và đang bị truy nã.
Ngày 19/10, ông Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) và ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Nhận hối lộ". Theo kết quả điều tra, từ năm 2003, bà Nhàn quen viết với Trần Đình Thành khi đó đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và nhờ ông này tạo điều kiện để tham gia các dự án của tỉnh.

5 đại án kinh tế gây rúng động dư luận trong năm 2022
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn hiện đang bị truy nã
Số tiền hối lộ mà bà Nhàn đưa cho các cán bộ tỉnh Đồng Nai gồm ông ông Thành, ông Đinh Quốc Thái (khi đang là Phó Chủ tịch tỉnh), bà Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư) là khoảng 43,8 tỷ đồng.
Năm 2014, bà Nhàn chỉ đạo các thuộc cấp thông đồng và móc nối với các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và quân xanh để AIC được trúng thầu dự án điều chỉnh danh mục y tế tại Bệnh viện Đồng Nai. Cho đến nay, Công ty AIC đã trung 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp tại Dự án với tổng số tiền gần 666 tỷ đồng, ngoài ra còn thu lợi bất chính 148 tỷ đồng. Hành vi này được xếp vào mục "gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước."


>>>Các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc "lao đao" khi hàng hóa bị nhái tràn lan ở thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top