AI "đe dọa" Big Four ngành kiểm toán: Nguy cơ "xóa sổ" 50% kiểm toán viên, công nghệ thực hiện 90% quy trình, cơn sóng thần lật đổ đã tới?

Mai Nhung
Mai Nhung
Phản hồi: 0

Mai Nhung

Writer
Business Insider cảnh báo, hiệu quả vượt trội, khả năng tính toán không thiên vị và chi phí thấp của AI đang khiến khách hàng đặt dấu hỏi lớn về giá trị của các dịch vụ kiểm toán truyền thống từ Deloitte, PwC, EY và KPMG, mở đường cho một cuộc cải tổ mạnh mẽ trong ngành.

2025-05-21141403-1747813079272-17478130793981107630149_png_75.jpg

"Đế chế" Big Four lung lay trước làn sóng AI

Một "cơn sóng thần" mang tên Trí tuệ Nhân tạo (AI) được cho là đang âm thầm diễn ra, có khả năng lật đổ vị thế thống trị của nhóm Big Four trong ngành kiểm toán, bao gồm Deloitte, PwC, EY và KPMG. Tờ Business Insider (BI) nhận định, AI không chỉ có khả năng thay thế hàng loạt kiểm toán viên mà còn khiến chính khách hàng phải đặt câu hỏi về giá trị thực sự mà các thương hiệu kiểm toán khổng lồ này mang lại so với chi phí bỏ ra.

Trong nhiều thập kỷ, Big Four đã trở thành biểu tượng gần như không thể thay thế, thu lợi nhuận khổng lồ nhờ uy tín thương hiệu, phạm vi hoạt động quốc tế, lực lượng lao động đông đảo và danh mục dịch vụ đa dạng. Nhiều tập đoàn lớn coi việc được Big Four kiểm toán là một sự đảm bảo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, BI cho rằng không có "đế chế" nào là bất khả xâm phạm. Ngành kiểm toán hiện nay nhiều khả năng đang đứng trước một xu hướng sáp nhập, chuyển đổi hoặc thậm chí bị thay thế bởi một làn sóng mới từ các công ty khởi nghiệp (startup) sáng tạo, với AI là vũ khí chủ lực. AI được dự báo sẽ phá vỡ các mô hình kinh doanh, cơ cấu tổ chức và vai trò công việc hàng ngày tại Big Four, đồng thời mở ra cơ hội cho các công ty kiểm toán và tư vấn quy mô vừa và nhỏ.
2025-05-21141009-1747813075438-1747813075590218432490_png_75.jpg


Nguy cơ sa thải 50% nhân sự và áp lực lên mô hình "kim tự tháp"

Theo BI, các chuyên gia hàng đầu trong ngành đồng loạt đưa ra nhận định rằng trong vòng 3 đến 5 năm tới, phần lớn những tác vụ nặng về dữ liệu và có tính cấu trúc cao – từ kiểm toán, hoạch định thuế đến phân tích tài chính – đều có thể được xử lý tự động bởi AI.

Kịch bản này, nếu trở thành hiện thực, đồng nghĩa với việc cắt giảm khoảng 50% nhân sự tại những bộ phận cốt lõi của Big Four. Điều này không chỉ tạo ra áp lực khổng lồ lên doanh thu mà còn thách thức trực tiếp chiến lược "kim tự tháp" nhân sự vốn dựa nhiều vào việc thuê ngoài (outsource) nguồn nhân lực giá rẻ tại các quốc gia châu Á.

Ông Alan Paton, CEO của Qodea (một công ty tư vấn giải pháp Google Cloud) và từng là cựu đối tác chuyên mảng dịch vụ tài chính của PwC, chia sẻ với BI rằng ông tin chắc tự động hóa do AI thúc đẩy sẽ gây ra sự gián đoạn lớn cho ngành kiểm toán và dẫn đến "sự sụt giảm lớn" về lợi nhuận. Ông Paton cho biết, hầu hết các nhiệm vụ có cấu trúc, nặng về dữ liệu trong kiểm toán, thuế và tư vấn chiến lược sẽ được tự động hóa, loại bỏ khoảng 50% các vai trò hiện tại. Thậm chí, ông thừa nhận đã có những ví dụ thực tế về các giải pháp AI có khả năng thực hiện tới 90% quy trình của một cuộc kiểm toán.

2025-05-21141139-1747813078072-1747813078205566146407_png_75.jpg

Chính ông Paton cũng nhận định rằng Big Four sẽ là những công ty dễ bị tổn thương nhất trước AI. Nguyên nhân rất đơn giản: việc AI có thể tự động hóa phần lớn công việc khiến khách hàng đặt câu hỏi tại sao họ phải trả những khoản phí khổng lồ cho các dịch vụ kiểm toán chỉ vì đó là một thương hiệu lâu năm, trong khi con người vẫn có thể mắc lỗi, thậm chí vướng vào các bê bối như nhận hối lộ hoặc gian lận (ví dụ điển hình là vụ PwC bị phạt 62 triệu USD và đình chỉ 6 tháng liên quan đến sự sụp đổ của Evergrande tại Trung Quốc). Ngược lại, máy móc và những con số thì không thể bị mua chuộc, và AI luôn có ưu thế về tốc độ, độ chính xác trong tính toán so với con người. Ngay cả khi cần tư vấn, khách hàng có thể tương tác với AI ngay lập tức thay vì quy trình phức tạp khi làm việc với một tập đoàn lớn.

"Tại sao phải trả hàng trăm USD mỗi giờ cho một chuyên gia, trong khi AI có thể đưa ra kết quả tương đương?... Trừ khi trở nên chuyên môn hóa hơn nhiều so với AI, bằng không các Big Four sẽ gặp rắc rối lớn," ông Paton cảnh báo. Lời cảnh báo này đang thôi thúc Big Four phải tự vấn về chiến lược nhân sự và mô hình dịch vụ.

AI: Mối đe dọa hay cơ hội "thay máu"?

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhận AI là một mối đe dọa thuần túy. Bà Casey Foss, Giám đốc Thương mại của West Monroe, một công ty tư vấn tầm trung, cho rằng AI chính là "cơ hội để các chuyên viên tư vấn tập trung vào những vấn đề phức tạp và mang tính chiến lược hơn." Bà Foss tin rằng, dù AI nâng cao năng suất, yếu tố con người với "cảm nhận nghề nghiệp" và khả năng tổng hợp, phán đoán thông tin vẫn không thể thay thế. Thực tế, West Monroe cho biết tỷ lệ thắng thầu dự án của họ đã tăng hơn 20% kể từ khi ứng dụng AI vào quy trình làm việc, thu hút nhiều nhân sự tài năng từng làm cho Big Four chuyển sang.

Cuộc tranh luận này phản ánh một bức tranh rộng lớn hơn: AI không chỉ định nghĩa lại "công việc" mà còn đặt ra những thách thức mới về kỹ năng. Những chuyên gia biết cách kết hợp "trí tuệ nhân tạo" với "trí tuệ cảm xúc" (EQ) và tư duy phản biện có thể sẽ là những người được các tổ chức săn đón nhất.

auditai-1747813072996-1747813073533811704519_jpg_75.jpg

Phá vỡ cấu trúc và mô hình kinh doanh truyền thống

Không chỉ dừng lại ở nguy cơ sa thải hàng loạt, AI còn đang trực tiếp phá vỡ cấu trúc và mô hình kinh doanh từng làm nên thành công cho Big Four. Cấu trúc kim tự tháp với tỷ lệ lớn nhân viên cấp thấp thực hiện các thao tác lặp đi lặp lại từng giúp Big Four tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, khi AI có thể đảm nhận hầu hết các công việc này, mô hình đó bất ngờ trở thành gánh nặng. Ngay cả việc thuê ngoài nhân công giá rẻ ở các thị trường châu Á cũng sẽ mất đi ý nghĩa nếu so sánh chi phí với việc sử dụng thuật toán và AI.

Thêm vào đó, áp lực từ khách hàng về việc chuyển sang mô hình tính phí dựa trên kết quả (outcomes-based pricing) thay vì tính phí theo giờ làm việc truyền thống cũng buộc các Big Four phải xem xét lại cơ cấu doanh thu. Trong bối cảnh đó, những tập đoàn khổng lồ như Big Four sẽ khó lòng thay đổi cấu trúc một cách nhanh chóng và linh hoạt như các doanh nghiệp kiểm toán nhỏ hơn.

Để đối phó, Big Four đã bắt đầu có những động thái "thắt lưng buộc bụng". Tập đoàn PwC tại Mỹ đã cắt giảm khoảng 2% lực lượng lao động ở mảng kiểm toán và thuế vào tháng 5/2025. Nhiều chi nhánh tại Anh và Mỹ của Big Four cũng đã sa thải nhân viên và tạm ngừng tuyển dụng trong năm qua.

ung-dung-ai-trong-kiem-toan-0_webp_75.jpg

"Biến nguy thành cơ": Nỗ lực thích ứng của Big Four

Dù đối mặt với nhiều thách thức, Big Four không phải là những "tay mơ" trước cuộc chơi công nghệ. Các hãng Deloitte, PwC, EY và KPMG đã đầu tư tổng cộng hàng tỷ USD vào các chương trình AI và dịch vụ đám mây. Năm 2023, KPMG cam kết chi 2 tỷ USD cho AI và điện toán đám mây trong 5 năm, kỳ vọng tạo ra 12 tỷ USD doanh thu. EY và PwC cũng đã thiết lập các liên minh chiến lược với Google Cloud, Microsoft và AWS để phát triển giải pháp AI nội bộ.

Ông Cliff Justice, Giám đốc chương trình AI toàn cầu tại KPMG, khẳng định quy mô của Big Four chính là một lợi thế: "Chúng tôi có khả năng triển khai giải pháp trên hàng trăm quốc gia, đảm bảo tuân thủ quy định, bảo mật và tích hợp với hệ thống doanh nghiệp lớn." Từ góc độ này, AI không chỉ là mối đe dọa mà còn là "đòn bẩy" giúp họ định hình lại dịch vụ, tập trung vào các mảng giá trị gia tăng cao như tư vấn chiến lược AI, quản trị rủi ro công nghệ và bảo mật dữ liệu.

Screenshot_2025_02_24_124825_e97e198427_jpg_75.jpg

Điểm mấu chốt nằm ở khả năng "biến nguy thành cơ". Big Four đang theo đuổi chiến lược "hai mũi giáp công": cắt giảm những bộ phận dễ bị tự động hóa, đồng thời tái tập trung vào các dịch vụ chuyên sâu, đòi hỏi kinh nghiệm và phán đoán của con người. Họ đang mở rộng các chương trình đào tạo AI cho nhân viên, tuyển dụng chuyên gia dữ liệu và nhà khoa học AI, đồng thời xây dựng các "phòng lab công nghệ" để thử nghiệm nhanh các giải pháp mới. Bước tiếp theo có thể là thay đổi cách thức giao tiếp với khách hàng: từ việc bán thời gian giờ công sang bán các kết quả định lượng, gắn chặt hợp đồng với các chỉ số hiệu quả công việc.

Ông Raj Sharma, đối tác quản lý toàn cầu về tăng trưởng và đổi mới của EY, cho biết phạm vi kinh doanh rộng lớn của công ty đã biến Big Four trở thành "nơi thử nghiệm hoàn hảo cho đổi mới và AI", với hơn 100 năm kinh nghiệm chuyên sâu và tập dữ liệu chất lượng.

"Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều định hình lại các dịch vụ chuyên nghiệp và AI cũng không ngoại lệ," ông Umang Paw, Giám đốc công nghệ của PwC, kết luận. Cuộc chiến sinh tồn và chuyển mình của Big Four trong kỷ nguyên AI chỉ mới bắt đầu.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
http://textlink.linktop.vn/?adslk=aHR0cHM6Ly92bnJldmlldy52bi90aHJlYWRzL2FpLWRlLWRvYS1iaWctZm91ci1uZ2FuaC1raWVtLXRvYW4tbmd1eS1jby14b2Etc28tNTAta2llbS10b2FuLXZpZW4tY29uZy1uZ2hlLXRodWMtaGllbi05MC1xdXktdHJpbmgtY29uLXNvbmctdGhhbi1sYXQtZG8tZGEtdG9pLjYxNjg4Lw==
Top