Châu Âu chốt áp thuế 45% với xe điện Trung Quốc

Theo tờ FT, các quốc gia thành viên EU đã đồng ý áp thuế lên tới 45% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, làm gia tăng tranh chấp thương mại giữa hai siêu cường kinh tế.

1728116350748.png

Trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 3/10, một số lượng đủ lớn các thành viên EU đã ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm đánh thuế nhập khẩu lên tới 35,3% ngoài mức thuế hiện tại là 10%, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hungary.

Quyết định này được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài một năm về thị trường xe điện, trong đó ủy ban châu Âu đã phát hiện ra các khoản trợ cấp từ chính phủ cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và các nhà cung cấp của họ, bao gồm cả các khoản vay từ các ngân hàng của nước này.

Quyết định này cũng khép lại nhiều tháng xung đột leo thang giữa Brussels và Bắc Kinh về ô tô và xuất khẩu nông sản.

Thuế quan của EU sẽ kéo dài tới 5 năm và dao động từ 7,8% đối với Tesla đến 35,3% đối với SAIC, công ty sở hữu thương hiệu MG.

Động thái này diễn ra khi các công ty Trung Quốc bắt đầu mở rộng mạnh mẽ ở châu Âu, nơi các nhà sản xuất ô tô trong nước đang phải vật lộn để sản xuất xe điện giá rẻ.

Trước cuộc bỏ phiếu hôm 3/10, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đe dọa áp thuế đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU đồng thời điều tra về thịt lợn và các sản phẩm từ sữa.

"Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với sự trả đũa", một nhà ngoại giao EU tham gia vào cuộc bỏ phiếu cho biết. "Không có chiến lược chung nào về Trung Quốc. Về cơ bản, chúng ta chỉ đang loay hoay giải quyết".

Cuộc bỏ phiếu cũng phơi bày những căng thẳng trong khối về chính sách thương mại đối với Trung Quốc. Đức và Hungary, hai quốc gia xuất khẩu lớn sang Trung Quốc, muốn có chính sách thuế nhẹ nhàng hơn với xe điện Trung Quốc.

Theo tờ FT, 10 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ tăng thuế quan, năm quốc gia phản đối và 12 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Slovakia, Slovenia và Malta đã cùng Đức và Hungary bỏ phiếu chống. Pháp, Ý, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Đan Mạch, Ireland và các quốc gia vùng Baltic đã bỏ phiếu ủng hộ.

Tây Ban Nha, nơi Thủ tướng Pedro Sanchez đã cảnh báo về một cuộc chiến thương mại trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây, đã bỏ phiếu trắng, trên thực tế là ủng hộ đề xuất của ủy ban.

Kể từ khi ủy ban châu Âu tiến hành cuộc điều tra, Bắc Kinh đã chỉ trích châu Âu vì những gì mà họ cho là chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Trung Quốc đã tấn công Pháp bằng cách công bố kế hoạch đánh thuế 34% đối với rượu mạnh, mặc dù nước này vẫn chưa áp dụng biện pháp đó.

Các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đã đề nghị hạn chế bán hàng và tăng giá để tránh tác động của thuế quan.

Các nhà sản xuất ô tô Đức, vốn phụ thuộc vào Trung Quốc để có được phần lớn doanh số và lợi nhuận của họ, đã lên tiếng phản đối việc tăng thuế quan.

Trước cuộc bỏ phiếu, giám đốc điều hành của BMW Oliver Zipse đã cảnh báo một cuộc xung đột thương mại giữa EU và Trung Quốc sẽ "làm chậm nghiêm trọng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Tanja Gönner, giám đốc điều hành của BDI, tổ chức kinh doanh hàng đầu của Đức, kêu gọi cả hai bên "tiếp tục đàm phán và ngăn chặn xung đột thương mại leo thang".

Theo Climate Energy Finance, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Sydney, các nhà sản xuất pin và xe điện Trung Quốc đã thực hiện ít nhất tám khoản đầu tư lớn để thiết lập hoạt động sản xuất tại khối này kể từ đầu năm 2023. BYD và CATL, hai nhà sản xuất xe điện và pin lớn nhất thế giới, đã mở các cơ sở sản xuất mới tại Hungary. Một số nhà máy khác đang được các công ty Trung Quốc xây dựng tại Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ gần đó.

Bộ thương mại Trung Quốc chỉ trích thuế quan là chủ nghĩa bảo hộ "bất công, bất hợp pháp và vô lý", đồng thời nói thêm rằng EU nên giải quyết "căng thẳng thương mại thông qua đàm phán".
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top