FPT mở trung tâm đào tạo bán dẫn

T
Thanh Phong
Phản hồi: 0

TienCM

Pearl
Đây là trung tâm đào tạo bán dẫn được FPT hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi thành lập.
Lễ ký hợp thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam (VSHE) vừa được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), tập đoàn FPT và Tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
FPT mở trung tâm đào tạo bán dẫn
Đại diện FPT, NIC và TreSemi ký kết hợp tác mở Trung tâm đào tạo bán dẫn.
Việc hợp tác thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn VSHE được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á. Việt Nam là điểm đến có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào và cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển.
Theo thỏa thuận hợp tác, các bên tham gia hợp tác sẽ cùng đóng góp nguồn lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến 2045 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, các bên thống nhất tài trợ 300 suất học bổng theo chương trình đào tạo chuẩn quốc tế nâng cao kỹ năng (up skill training) cho sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực bán dẫn tại 20 trường đại học hàng đầu của Việt Nam; hỗ trợ sản xuất (tapeout) cho 13 dự án thiết kế vi mạch xuất sắc trong năm 2024. Bên cạnh đó, Trung tâm đào tạo bán dẫn này đã nhận được sự đồng hành của các công ty phần mềm thiết kế IC hàng đầu thế giới như Cadence, Synopsys, Siemens, Silvaco.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT cho biết: “Theo dự đoán của các chuyên gia về nhân lực toàn cầu, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự, Việt Nam có cơ hội nắm bắt nhu cầu toàn cầu này để vươn lên trong bảng xếp hạng cả về chất lượng giáo dục lẫn cung ứng nhân sự chất lượng cao cho ngành. Việc thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam sẽ là bệ phóng cho nước ta tiến tới hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn tới năm 2030; đồng thời mở ra cơ hội cho các thiết kế vi mạch tiềm năng được ứng dụng trong thực tiễn”.
Trong khuôn khổ hợp tác, FPT cam kết sẽ tài trợ chi phí cho các dự án vi mạch tiềm năng cũng như tài trợ cơ sở vật chất, máy chủ, cơ sở hạ tầng, khung chương trình đào tạo trực tuyến và các cố vấn, chuyên gia trợ giảng cho các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực bán dẫn mà trung tâm tập trung thúc đẩy. Bên cạnh đó, NIC cam kết tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, start-ups trong lĩnh vực công nghiệp điện tử nói chung và bán dẫn nói riêng tại Việt Nam kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới.
FPT đã đầu tư nhiều cho lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam. Năm 2022, Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) được thành lập, tập trung thiết kế chip vi mạch. FPT Semiconductor đã nhận đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử. Trong lĩnh vực đào tạo, Trường Đại học FPT đã kết hợp với FPT Semiconductor thành lập khoa vi mạch bán dẫn vào tháng 9/2023. Bên cạnh đó, FPT cũng bắt tay với đối tác công nghệ Mỹ Silvaco để cùng với FPT Semiconductor, Đại học FPT hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Mỹ.
TreSemi là tổ chức phi lợi nhuận Mỹ, tập hợp bởi các chuyên gia với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn bán dẫn, thiết kế vi mạch lớn trên thế giới. Với sứ mệnh tập trung đào tạo và kết nối cơ hội việc làm trong ngành bán dẫn, TreSemi mang tới đội ngũ giảng viên, chuyên gia để giảng dạy các khóa học trực tuyến và xây dựng chương trình học chuẩn quốc tế tại Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam.
>> Vì sao các hãng công nghệ đang đổ hàng tỷ USD vào ngành chip ở Việt Nam?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top