Khi sinh viên Mỹ "vượt mặt" kỹ sư Mitsubishi: tạo robot giải rubik chỉ trong 0,103 giây, nhanh hơn chớp mắt, tạo kỷ lục thế giới mới

Thế Việt
Thế Việt
Phản hồi: 0
Với tốc độ nhanh hơn cả một cái chớp mắt, cỗ máy Purdubik's Cube do nhóm sinh viên Đại học Purdue chế tạo đã rút ngắn thời gian giải Rubik xuống gấp 3 lần so với kỷ lục trước đó, mở ra những giới hạn mới cho hệ thống điều khiển nhân tạo.

maevppxj4uw4y25dcewltr-17473256286001691433286-1747363979901-1747363980138581405265_gif_75.jpg

Kỷ lục thế giới mới: Giải Rubik nhanh hơn nửa cái chớp mắt

Thế giới vừa chứng kiến một kỷ lục Guinness mới đầy kinh ngạc trong lĩnh vực robot giải khối Rubik. Một nhóm gồm bốn sinh viên người Mỹ từ Trường Kỹ thuật Điện và Máy tính Elmore Family (ECE) thuộc Đại học Purdue đã chế tạo thành công một cỗ máy có khả năng giải khối Rubik chỉ trong vòng 0,103 giây – một thành tích không chỉ phá sâu kỷ lục cũ mà còn bỏ xa kỷ lục được thiết lập bởi các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm tại tập đoàn công nghiệp Mitsubishi của Nhật Bản.

"Chúng em đã giải quyết khối Rubik trong 103 mili giây," Matthew Patrohay, đại diện nhóm sinh viên, cho biết. "Một cái chớp mắt của con người mất khoảng 200-300 mili giây. Vì vậy, trước khi mọi người kịp nhận ra khối Rubik đang di chuyển thì chúng em đã giải xong nó."
Thành tích này đã đánh bại kỷ lục 0,305 giây được Trung tâm Kỹ thuật Sản xuất Linh kiện của Tập đoàn Mitsubishi Electric (Nhật Bản) thiết lập vào năm 2024, một con số vốn đã được xem là đỉnh cao của kỹ thuật cơ khí và điều khiển robot. Để thấy được sự vượt trội, robot của nhóm sinh viên Purdue đã giải Rubik nhanh hơn gần 3 lần so với cỗ máy của Mitsubishi.


Purdubik's Cube: Sự kết hợp của thuật toán và cơ khí chính xác

Cỗ máy lập kỷ lục này được đặt tên là Purdubik's Cube. Đoạn video ghi lại khoảnh khắc robot hoạt động thực sự khiến người xem phải kinh ngạc. Toàn bộ thao tác chỉ diễn ra trong chớp nhoáng, nhanh đến mức mắt thường gần như không thể theo kịp. Chỉ khi đoạn video được làm chậm xuống hàng chục nghìn lần, sự mượt mà, chính xác đến từng phần nghìn giây của cỗ máy mới thực sự hiện rõ.

Purdubik's Cube sử dụng một hệ thống cảm biến thị giác để phát hiện màu sắc của từng ô trên khối Rubik. Sau đó, một thuật toán do chính các sinh viên tại Purdue lập trình sẽ phân tích và tìm ra lời giải tối ưu hóa nhất trong thời gian ngắn nhất. Để hiện thực hóa các thao tác xoay khối Rubik với tốc độ và độ chính xác phi thường, nhóm sinh viên đã đặt hàng các linh kiện robot từ Kollmorgen, một tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại Mỹ chuyên sản xuất máy móc công nghiệp, và tự tay chế tạo hệ thống cơ khí. Họ đã phải liên tục tinh chỉnh hệ thống này để đạt được khả năng tăng tốc, giảm tốc và xoay các mặt của khối Rubik một cách hiệu quả, với độ chính xác đến từng mili giây.

Nhóm sinh viên tài năng này bao gồm Matthew Patrohay, Junpei Ota, Aden Hurd và Alex Berta.

puzzle-cube-robot-team-1747325887781416555956-1747363981204-1747363981440818393616_jpg_75.jpg

Vượt trên cả kỷ lục: Mở rộng ranh giới của hệ thống nhân tạo

Phó giáo sư Nak-seung Patrick Hyun, ngành kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Purdue, đồng thời là người hướng dẫn nhóm sinh viên, chia sẻ: "Thành tựu này không chỉ là việc phá vỡ một kỷ lục, mà còn là sự mở rộng ranh giới của những gì một hệ thống nhân tạo có thể làm được. Nó sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với việc hiểu các hệ thống phối hợp điều khiển cực nhanh được tìm thấy trong tự nhiên, như cách mắt của loài ruồi xử lý chuyển động, hay các phản xạ thần kinh của con người."

puzzle-cube-robot-full-view-of-robot-17473259243661228890089-1747363982951-1747363983405410782...jpg

Để thấy rõ bước tiến ngoạn mục này, cần nhìn lại lịch sử hơn một thập kỷ của các kỷ lục Guinness Thế giới về thời gian giải Rubik của robot:
  • 2009: 1 phút 4 giây (Peter Redmond, Ireland)
  • 2011: 5,27 giây (Mike Dobson & David Gilday, Anh)
  • 2016: 0,9 giây (Jay Flatland & Paul Rose; Albert Beer, Đức)
  • 2018: 0,38 giây (Ben Katz & Jared Di Carlo, Mỹ)
  • 2024: 0,305 giây (Mitsubishi Electric, Nhật Bản)
  • 2025: 0,103 giây (Nhóm sinh viên Đại học Purdue, Mỹ)
Một thập kỷ trước, khi các kỹ sư người Đức chế tạo robot giải Rubik dưới 1 giây, họ từng nghĩ đó là giới hạn không thể vượt qua. Giờ đây, giới quan sát đang tự hỏi liệu cột mốc 0,1 giây mà đội Đại học Purdue vừa thiết lập có phải là giới hạn cuối cùng mà các cỗ máy nhân tạo có thể đạt được hay không.

puzzle-cube-robot-holding-puzzle-17473259498331216044511-1747363984744-1747363990061614948662_...jpg

Niềm đam mê, sự hợp tác và truyền thống kỹ thuật xuất sắc

Matthew Patrohay cho biết cậu đã ấp ủ ý tưởng chế tạo robot giải Rubik từ thời trung học, sau khi xem video một robot của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giải Rubik trong 380 mili giây. Một chương trình giáo dục hợp tác của Đại học Purdue sau đó đã kết nối Matthew với ba thành viên còn lại, mỗi người có một chuyên môn khác nhau như lập trình, cơ khí kỹ thuật, và điều khiển tự động hóa, tạo nên một đội ngũ hoàn hảo.
Giáo sư Shreyas Sundaram tại Trường ECE thuộc Đại học Purdue tự hào chia sẻ: "Nhóm Purdubik's Cube là một ví dụ điển hình về cách Đại học Purdue kết hợp các thuật toán, robot và điều khiển để đạt được những kỳ tích lớn về mặt kỹ thuật." Ông cũng nhắc lại truyền thống của ECE, ngôi trường từng cung cấp những sinh viên và kỹ sư xuất sắc nhất tham gia vào dự án Apollo của NASA trong thập niên 1960.

"Hãy chọn những sinh viên xuất sắc, trao cho họ các công cụ và cơ hội, và họ sẽ khiến bạn kinh ngạc," Giáo sư trưởng khoa Milind Kulkarni tại ECE nói. "Trong chưa đầy một năm, 4 sinh viên bậc đại học của ECE đã phá vỡ được kỷ lục do một đội ngũ kỹ sư đẳng cấp thế giới tại Mitsubishi lập ra. Tôi luôn nói rằng chúng tôi có những sinh viên ECE giỏi nhất cả nước — và lần này, họ đã chứng minh điều đó."
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top