Liệu Ukraine có thể "lật ngược thế cờ" nhờ drone tham chiến?

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây bày tỏ lo ngại cuộc xung đột ở Ukraine có thể lan rộng, vượt ngoài tầm kiểm soát thành một cuộc đối đầu toàn diện giữa Nga và phương Tây.
"Nếu điều gì đó đi sai hướng, chúng có thể gây ra những sai lầm khủng khiếp", ông Stoltenberg nhận định.
Những bình luận của Tổng thư ký NATO được đưa ra ngày 9/12, chỉ vài ngày sau khi các căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga bị tấn công UAV. Ngày hôm sau (10/12), Nga đã sử dụng UAV tấn công vào thành phố cảng Odessa ở phía Nam Ukraine. Kể từ đó, các cuộc không chiến giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang.
Nga và Ukraine đã triển khai UAV quân sự và thương mại từ những ngày đầu xung đột. Tuy nhiên, việc sử dụng thường xuyên và hiệu quả loại vũ khí này trong thời gian gần đây của hai bên cho thấy giai đoạn mới của leo thang.
Cả Nga và Ukraine đều sử dụng UAV với các nhiệm vụ khác nhau, từ thu thập thông tin tình báo cho tới tham gia các chiến dịch tấn công. Một đặc điểm tương đối mới trong cuộc xung đột ở Ukraine là việc sử dụng các UAV thương mại cỡ nhỏ để thu thập thông tin tình báo.
Một số nhà quan sát nhận định, Ukraine đang tận dụng tối đa lợi ích của việc sử dụng UAV. Các UAV có tầm hoạt động xa hơn các loại tên lửa mà Ukraine sở hữu trong kho vũ khí. Chúng cũng rẻ hơn, không cần huấn luyện nhiều như các máy bay chiến đấu có người lái và không đặt các binh lính vào tình huống nguy hiểm.
Liệu Ukraine có thể lật ngược thế cờ nhờ drone tham chiến?
Phía Nga cáo buộc các cuộc tấn công căn cứ không quân gần đây trong lãnh thổ của nước này là các cuộc tấn công UAV do Ukraine thực hiện.
Dù vậy, theo các nhà quan sát, các UAV không thể tạo ra những thay đổi mang tính quyết định cho Ukraine về mặt chiến lược. Để điều đó xảy ra, Ukraine cần nhiều hệ thống phòng không hiện đại hơn để đối phó với UAV cảm tử mà Nga triển khai nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.
Bên cạnh đó, chỉ riêng các cuộc tấn công UAV sẽ không thể gây ra tổn thất cho Nga để chấm dứt xung đột. Chính các chuyên gia cũng nhận định, các cuộc tấn công UAV nhằm vào các căn cứ không quân vừa qua chủ yếu mang tính biểu tượng bởi chúng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng quân sự của Nga.
"Cần phải lưu ý rằng các cuộc tấn công UAV vào căn cứ không quân Engels không phá hủy được bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Nga", Eugene Chausovsky, chuyên gia quốc phòng, đồng thời là nhà phân tích cấp cao tại Viện New Lines cho hay.
Ukraine cho biết nước này cần các hệ thống pháo và tên lửa tầm xa để thực hiện nhiều cuộc tấn công mạnh mẽ hơn, nhắm vào các căn cứ của Nga tại những khu vực do Moscow kiểm soát và trên chính lãnh thổ của Nga.
Trên thực tế, các cuộc tấn công UAV mới đây nhằm vào lãnh thổ Nga có thể khiến Moscow phải lên kế hoạch lại để bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở xa tiền tuyến. Điều này có thể hạn chế khả năng của Nga nhằm bảo vệ các vùng lãnh thổ vừa sáp nhập chứ chưa nói tới việc tăng cường tấn công để kiểm soát nhiều khu vực hơn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinlen khẳng định Washington "không khuyến khích cũng không tạo điều kiện" cho các cuộc tấn công UAV của Ukraine nhằm vào các căn cứ quân sự Nga. Đến nay, NATO vẫn cố gắng tránh các hành vi có thể khiến xung đột ở Ukraine leo thang vượt ngoài biên giới.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top