VNR Content
Pearl
Theo các chuyên gia, chúng ta thường quá tập trung vào sức khỏe tâm thần và thể chất, nhưng sức khỏe tâm linh cũng quan trọng không kém. Lý do là vì cơ thể, tâm trí và tinh thần của chúng ta có liên quan với nhau một cách chặt chẽ. Dưới đây là những bằng chứng khoa học về ảnh hưởng tích cực của tâm linh đến thể chất và tinh thần được các báo nước ngoài trích dẫn lại.
Đầu tiên, một nghiên cứu được Times đề cập cho thấy những người có tâm linh hoặc thường xuyên tham gia các nghi lễ tôn giáo có xu hướng sống lâu hơn, ít bị trầm cảm hơn, uống rượu và hút thuốc ít hơn, năng động hơn về mặt thể chất. Tâm linh hay sức khỏe tâm linh là gì? “Một số người trải nghiệm tâm linh qua tôn giáo, nhưng tôn giáo không phải là công cụ duy nhất để trải nghiệm điều này”, nguyên văn lời cha tuyên úy Carrie Wester ở bệnh viện sức khỏe hành vi Banner, bang Arizona (Mỹ). “Tâm linh là cảm giác hạnh phúc bên trong và cách bạn kết nối với một điều gì đó lớn lao hơn chính bạn – có thể là một sức mạnh cao hơn, thiên nhiên, âm nhạc, nghệ thuật, toàn thể nhân loại. Những lý tưởng và niềm tin được hình thành trong suốt cuộc đời bạn sẽ tạo nên tính tâm linh riêng biệt của chính bạn”. Tiếp đến, nhiều nghiên cứu đã công nhận, chúng ta sẽ có hạnh phúc và sức khỏe tâm thần tổng thể cao hơn khi có tôn giáo hay niềm tin tâm linh. Những người có niềm tin tâm linh có thể đối phó với căng thẳng tốt hơn, ít trải qua các triệu chứng lo âu và trầm cảm hơn, theo nhiều nghiên cứu được LiveScience tổng hợp. Một số nghi thức tôn giáo thậm chí có thể thay đổi bộ não con người theo hướng thúc đẩy sức khỏe tâm thần, điều này được nhiều nghiên cứu khẳng định: - Một nghiên cứu năm 2013: các bệnh nhân trầm cảm và lo âu tin vào Chúa sẽ đáp ứng điều trị tốt hơn. - Một nghiên cứu đánh giá 93 nghiên cứu về tôn giáo và sức khỏe: những người sùng đạo hơn sẽ có ít triệu chứng trầm cảm hơn. Theo tác giả nghiên cứu- bác sĩ Harold G. Koenig, những người tham gia nghi lễ tôn giáo nhiều hơn và tận tụy hơn về mặt tín ngưỡng đối phó với căng thẳng tốt hơn vì tôn giáo “đem lại cho mọi người ý thức về mục đích và ý nghĩa cuộc đời, và điều đó giúp họ thấy được những điều tiêu cực xảy ra với họ”. Ngoài ra, cộng đồng tôn giáo của một người nào đó cũng đem lại cho họ sự hỗ trợ và khuyến khích vào những thời điểm khó khăn. Bác sĩ Koenig là giám đốc Trung tâm Sức khỏe, Thần học và Tâm linh thuộc Trung tâm Y khoa đại học Duke (Mỹ). - Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa nổi tiếng JAMA Journal cũng có kết luận tương tự: việc đáp ứng các nhu cầu tâm linh của bệnh nhân, chẳng hạn như giúp họ tiếp cận với cha tuyên úy ở bệnh viện, sẽ đem lại “những kết quả chăm sóc y khoa và chất lượng cuộc sống tốt hơn”, nguyên văn phát biểu trong nghiên cứu. Cha tuyên úy Carrie cho biết, “các cha tuyên úy được đào tạo chuyên sâu về những cuộc chiến đức tin trong bối cảnh lâm sàng. Họ có thể giúp bạn xác nhận lại cảm xúc mà không chối bỏ chúng. Họ có thể định hướng cho bạn trở lại con đường tâm linh của bạn”. JAMA Journal là tập san khoa học về y học có lịch sử lâu đời và danh tiếng trên thế giới của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, tổ chức lớn nhất của các bác sĩ và sinh viên y khoa tại Mỹ. Cha tuyên úy là các tu sĩ Thiên Chúa giáo hay các tôn giáo khác phục vụ trong quân đội.
(Ảnh: FirstCry Parenting) - Các nghiên cứu về não bộ của những người có tôn giáo: có sự liên quan giữa tôn giáo và các tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần, lời bác sĩ Andrew Newberg, một nhà thần kinh học Bệnh viện và trường đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia (Mỹ) trên Live Science. Cụ thể, theo một nghiên cứu năm 2010 của bác sĩ Newberg và đồng nghiệp, ảnh chụp não các nhà sư Tây Tạng và các nữ tu Phanxico cho thấy, ở những người có tâm linh, so với nhóm không thiền lâu năm thì nhóm thiền định lâu năm có nhiều hoạt động hơn ở các khu vực thùy trán, chẳng hạn như vỏ não trước trán. Việc củng cố các khu vực não này có thể giúp chúng ta “bình tĩnh hơn, ít phản ứng hơn, có thể đương đầu với các yếu tố căng thẳng tốt hơn”, lời bác sĩ Newberg.
(Ảnh: Earth) - Một phân tích trên 400 nghiên cứu từ năm 2000 – tháng 4 năm ngoái (2021) của trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan và Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Massachusetts (Mỹ) được Times nhắc đến: Trong mối liên hệ giữa việc tham gia nghi lễ tôn giáo thường xuyên và sức khỏe tốt hơn, phân tích cho thấy có sự liên quan tới “nguy cơ tử vong thấp hơn, hút thuốc và uống rượu ít hơn, dùng cần sa và chất gây nghiện bị cấm ít hơn, hài lòng hơn trong cuộc sống, sức khỏe tâm thần tốt hơn, triệu chứng trầm cảm ít hơn và hành vi ***** thấp hơn”. Theo đó, những người thường xuyên tham gia các nghi lễ tôn giáo có khả năng chết sớm thấp hơn 33% và khả năng bị trầm cảm thấp hơn 33%. Mục đích của phân tích trên là khảo sát sự liên quan giữa tâm linh và sức khỏe tâm thần và thể chất tốt hơn, nhất là ở các bệnh nhân đang điều trị các bệnh nghiêm trọng. - Một nghiên cứu Anh quốc: những người chuyển sang các dich vụ tôn giáo hay tâm linh trực tuyến ở các khu vực bị phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19 có khả năng “suy nghĩ hủy hoại bản thân” thấp hơn 76% và có “hạnh phúc và sự hài lòng với cuộc sống cao hơn”. Ngược lại, mất đi sức mạnh tâm linh có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy bị “mất kết nối” với hệ thống chăm sóc sức khỏe và những người chăm sóc họ, chuyên gia y tế công cộng Harvard Howard Koh trao đổi với Times. “Kết hợp tâm linh với sự chăm sóc y tế có thể giúp mỗi người có cơ hội tốt hơn để vươn tới hạnh phúc trọn vẹn và sức khỏe theo tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được của mình”. Nguồn: Eastern Eye