Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)

Phần 5: Lumia không thể cứu Nokia
(Phần 1) (Phần 2) (Phần 3) (Phần 4)
Đã có một số người nghi ngờ rằng Elop sẽ biến Nokia thành “vị khách béo bở” chuyên mua giấy phép sử dụng phần mềm của Microsoft ngay khi ông lên chức CEO. Sau một hồi cân nhắc, ban quản trị Nokia đi đến kết luận Elop là người phù hợp để gánh vác công ty và đưa họ từ một nhà sản xuất thiết bị thành một công ty nền tảng Internet. Vanjoki đã từ chức vào đúng ngày quyết định được đưa ra.
Đề xuất đầu tiên của Elop sau khi đánh giá về thế mạnh và điểm yếu của Nokia là tăng cường phát triển MeeGo. Tuy nhiên, bản thân ông cũng nghi ngờ không biết liệu nó có phải là cách tốt nhất để đưa công ty tiến về phía trước hay không, do đó Elop tiếp tục cân nhắc ý tưởng mở rộng mối quan hệ giữa Nokia và Microsoft. Không lâu sau đó, nhiều tin đồn đã xuất hiện trên mạng về khả năng Nokia sử dụng hệ điều hành Windows Phone 7 của Microsoft. Trong một cuộc họp cổ đông vào tháng 1/2011, Elop bóng gió về điều đó, nhưng không trực tiếp nói ra.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Trong vài tuần sau đó, ông quyết định gửi một bức thư khá thẳng thắn đến các lãnh đạo của Nokia - bức thư đi vào lịch sử với cái tên “nền tảng đang cháy”. Trong thư, Elop thừa nhận ông không tin MeeGo là giải pháp. Nhưng quan trọng hơn, ông trình bày đánh giá của mình về tình trạng công ty bằng cách sử dụng câu chuyện một người đàn ông đứng trên một giàn khoan dầu đang cháy ở Biển Bắc. Người đàn ông này đối mặt với hai lựa chọn - “ông ấy có thể đứng trên giàn khoan, và không tránh khỏi việc bị lửa thiêu rụi. Hoặc, ông ấy có thể nhảy từ độ cao 30 mét xuống làn nước lạnh giá”.
Đó là cách Elop nói rằng Nokia đang đứng ở thế tiến thoái lưỡng nan, khi mà Apple đang chiếm một thị phần ngày càng cao trên thị trường smartphone cao cấp, trong khi Google Android đang ăn mọi thứ ở phân khúc trung cấp và bình dân. Ông cũng nhận thấy tình hình phát triển MeeGo là quá chậm chạp, và Symbian không khác gì một rào cản trên con đường trở thành một thế lực cạnh tranh với các nền tảng đang trỗi dậy.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
CEO Nokia Stephen Elop
Vào ngày 11/2/2011, Nokia dưới thời Elop công bố sẽ xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn với Microsoft để tạo nên một hệ sinh thái di động toàn cầu hoàn toàn mới. Nói cách khác, Nokia sẽ sử dụng Windows Phone để thay Symbian trên các smartphone trong tương lai của công ty, đồng thời làm việc chặt chẽ với Microsoft để phát triển hơn nữa nền tảng mới này. Tuy nhiên, Microsoft vẫn có quyền cấp giấy phép Windows Phone cho các bên thứ ba khác!
Symbian sẽ được dùng cho các thiết bị tầm thấp hơn và trở thành “nền tảng nhượng quyền” với ước tính bán được ít nhất 150 triệu máy trong những năm tiếp theo. Việc hỗ trợ cho các điện thoại Symbian sẽ được chuyển giao cho công ty Accenture, và 2.300 kỹ sư của Nokia cũng sẽ được đưa sang công ty này. Về phần MeeGo, nó sẽ được mở mã nguồn và trở thành một công cụ phục vụ việc thử nghiệm các thiết bị và nền tảng thế hệ mới.
Tin tức về sự thay đổi chiến lược này khiến giá cổ phiếu Nokia lao dốc, làm nhiều nhân viên Nokia bị sốc, đặc biệt khi mà công ty dự kiến cắt giảm hàng ngàn nhân lực và đóng cửa một số trung tâm nghiên cứu và phát triển. Tại MWC năm đó, Elop phủ nhận những cáo buộc rằng ông là một tên gián điệp được Microsoft cử sang để thâu tóm Nokia, nhấn mạnh kế hoạch nêu trên đã được thảo luận với toàn bộ đội ngũ quản lý và được phê duyệt bởi ban quản trị của Nokia.
Động thái này cũng dẫn đến sự ra đi của nhiều lãnh đạo quan trọng như Alberto Torres - người đứng đầu bộ phận phát triển MeeGo, cũng như CTO Rich Green - một trong những người ủng hộ nhiệt tình MeeGo. Elop thay thế họ bằng các lãnh đạo khác trong Nokia và ít nhiều mang về cho bản thân sự tin tưởng cũng như mến mộ. Ông còn lập ra một nhóm “Địa điểm và Thương mại”, trong đó kết hợp Navteq với các bộ phận địa điểm và dịch vụ xã hội khác của Nokia.
Khi kế hoạch đã dần được triển khai, Elop bắt đầu phân công vai trò tại Microsoft và Nokia để đảm bảo mọi khía cạnh trong quá trình phát triển Windows Phone được triển khai một cách mượt mà, từ kiến trúc sản phẩm đến tính năng và mọi thứ khác. Mọi người tại Nokia dường như khá phấn khích trước làn gió mới này, và ban đầu, họ tỏ ra rất ấn tượng trước mối quan hệ đối tác mới với phía Microsoft.
Tuy nhiên, tình hình thay đổi nhanh chóng khi họ dần nhận ra hệ điều hành WIndows Phone của Microsoft kém hơn nhiều so với Symbian xét trên nhiều góc độ khác nhau, trong khi Microsoft - giống như Nokia - hầu như không mấy uy tín với các nhà mạng tại Mỹ. Chưa hết, nhiều người tiêu dùng đã quen với các hệ sinh thái ứng dụng mạnh mẽ trên Android và iOS, và Windows Phone gặp nhiều khó khăn trong thu hút các nhà phát triển để lấp đầy “khoảng trống ứng dụng”. Điều này tạo nên một vòng lặp chết người khi người tiêu dùng không chọn Windows Phone bởi thiếu ứng dụng, và nhiều nhà phát triển chọn không làm ứng dụng cho hệ điều hành này bởi lượng người dùng quá ít.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Nokia N9
Lúc đó, Nokia đang chuẩn bị tung ra chiếc điện thoại MeeGo đầu tiên và cũng là cuối cùng của họ - N9. Đó là một thiết bị tuyệt đẹp, nhận được nhiều sự tán dương vì thiết kế công nghiệp độc đáo, màn hình chất lượng cao, cấu trúc cứng cáp, thời lượng pin xuất sắc, camera đẹp, và giao diện người dùng thân thiện. Tuy nhiên, N9 lại là một sản phẩm kén người dùng, đánh dấu cái kết cho một Nokia đã già cỗi, và được hãng cẩn thận marketing theo kiểu một thiết bị giới hạn để không hút hết ánh hào quang của những thiết bị Windows Phone sắp sửa ra mắt của Nokia.
Nokia N9 sử dụng bộ vỏ nhựa polycarbonate với 3 lựa chọn màu sắc khác nhau. Dù khá cồng kềnh và khu vực dày nhất lên đến 12mm, cách hãng thiết kế thân máy uốn cong cũng như màn hình trông như hòa làm một với thân máy khiến N9 trở thành một thiết bị cực kỳ đã mắt. Riêng về cấu hình, có thể nói Nokia N9 lạc hậu chậm hơn nhiều điện thoại khác cùng thời.
Màn hình AMOLED 3.9-inch của nó có mật độ điểm ảnh 251 ppi, và sắc đen sâu thường khiến màn hình như hòa làm một với viền, khi mà background màu đen được sử dụng khá nhiều xuyên suốt giao diện người dùng của máy. Camera 8 MP, dù hơi kém hơn so với camera 12 MP trên người tiền nhiêm N8, vẫn cho ra ảnh và video với chất lượng tốt, xứng tầm một chiếc điện thoại flagship Nokia.
Hệ điều hành MeeGo Harmattan chạy khá mượt trên vi xử lý OMAP3630 có phần lỗi thời cùng 1 GB RAM, và pin máy có thể trụ vững đến 2 ngày. Giao diện Swipe giúp sử dụng máy bằng một tay trở nên thoải mái, và Nokia còn trang bị cho N9 tính năng gõ hai lần vào màn hình để bật màn hình khóa mà không cần bất kỳ nút bấm nào. Kết nối không dây trên N9 bao gồm Wi-Fi và Bluetooth chuẩn mới nhất thời bấy giờ, chưa kể đến NFC nữa. Và JoikuSpot cũng được mang từ Symbian lên MeeGo, cho phép người dùng chia sẻ kết nối 3G thông qua một sợi cáp hay Wi-Fi.
Mặc cho nhận được sự khen ngợi từ nhiều reviewer, Nokia chỉ bán N9 với số lượng rất hạn chế, ở một số ít khu vực trên thế giới, và không tung máy ra tại nhiều thị trường lớn nhất thế giới, bao gồm Bắc Mỹ và phần lớn châu Âu.
Nokia thời Elop dường như chỉ chăm chăm hướng về Windows Phone của Microsoft, nhưng sớm thôi, họ sẽ nhận ra rằng đây là một nước đi sai lầm. Năm 2011, doanh thu của Nokia giảm 9% so với năm 2010, trong khi lợi nhuận hoạt động giảm đến 75% xuống mức 1,23 tỷ USD.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Lumia 800
Trên thực tế, Nokia đã đặt niềm tin quá lớn vào sự trung thành với nhãn hiệu, nhưng hầu hết người dùng lại miễn cưỡng chuyển từ Symbian sang WIndows Phone, không cần biết phần cứng sau này tốt ra sao. Lumia 800 mà Nokia ra mắt năm đó trông tương tự N9 về thiết kế, nhưng cấu hình khác biệt và hệ điều hành thậm chí còn khác nhiều hơn nữa.
Nhìn bên ngoài, những điểm khác biệt đáng chú ý nhất của Lumia 800 so với N9 là dãy nút điều hướng cảm ứng điện dung đặc trưng của Windows Phone ở mặt trước, nút chụp hình, và màn hình nhỏ hơn. Cấu hình máy bao gồm vi xử lý Qualcomm Snapdragon S2, RAM 512 MB, và bộ nhớ trong 16 GB. Màn hình ClearBlack và camera của Lumia 800 cũng ấn tượng không kém N9. Thời lượng pin thì giao động tùy cách sử dụng, nhưng nhìn chung Lumia 800 có thể trụ vững suốt 1 ngày dài.
Trải nghiệm Windows Phone được nâng tầm nhờ một số cải tiến do Nokia mang lại, cụ thể là các thao tác vuốt và gõ hai lần để bật màn hình, nhưng tất cả chỉ xuất hiện sau một vài bản cập nhật. Tuy vậy, những hạn chế của hệ điều hành này vẫn lộ rõ, chủ yếu là việc thiếu vắng nhiều ứng dụng trừ những thứ thiết yếu mặc định do Nokia cài sẵn. Một số người dùng thích Live Tiles trên màn hình chính, vốn là một biến thể khá độc đáo của widget, trong khi số khác lại chê bai thậm tệ thiết kế này.
Điều tương tự cũng đúng với toàn bộ ngôn ngữ thiết kế Metro được áp dụng trên giao diện người dùng Windows Phone - nhiều fan của Microsoft Zune yêu thích Metro, không ít người bị lôi cuốn bởi giao diện phẳng tối giản, nhưng một lần nữa, vẫn có những người cảm thấy giao diện này quá thiếu sức sống khi so với iOS và Android.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Ngoài những vấn đề đó, Lumia 800 chạy Windows Phone 7.5 khá mượt mặc cho cấu hình khiêm tốn, và hầu hết người dùng thiết bị này cho biết giao diện người dùng của nó rất dễ sử dụng, trừ ứng dụng People Hub với ý tưởng tập trung toàn bộ các tương tác của bạn trên mạng xã hội vào một nơi có phần hơi rắc rối. Nokia đã tắt tính năng Internet Sharing trên thiết bị này, đồng nghĩa bạn không thể biến Lumia 800 thành điểm phát sóng di động được, nhưng đó cũng không phải là điểm trừ lớn cho lắm.
Vấn đề lớn hơn chỉ lộ ra khi Microsoft tiến gần đến ngày ra mắt Windows Phone 8 - Lumia 800, và gần như tất cả những thiết bị Windows Phone 7 khác, sẽ không thể nâng cấp lên hệ điều hành mới. Danh sách này bao gồm cả Lumia 900, một thiết bị mà Nokia ra mắt chi vài tháng trước khi hệ điều hành mới xuất hiện. Bản nâng cấp duy nhất mà những thiết bị này nhận được là Windows Phone 7.8 - chủ yếu tập trung vào giao diện, khiến điện thoại trông như đang chạy Windows Phone 8, cùng vài thứ nhỏ nhặt khác.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Năm 2012, Microsoft giới thiệu Windows Phone 8, một hệ điều hành với nhiều cải tiến đáng giá dựa trên nhân NT như Windows 8 (hệ điều hành dành cho desktop, laptop, và tablet). Nó sở hữu nhiều điểm mạnh so với Windows Phone 7, trong đó có khả năng thay đổi kích cỡ Live Tiles trên màn hình Start. Màn hình khóa thì cho phép bạn tùy biến đến 5 ứng dụng có thể hiển thị số thông báo chưa đọc và 1 ứng dụng có thể hiển thị thông báo chi tiết.
Tiếp đó là khả năng hỗ trợ phần cứng cao cấp hơn, như các chipset Qualcomm đa nhân, màn hình độ phân giải cao hơn, cũng như hỗ trợ NFC và thẻ nhớ microSD. Microsoft sở hữu Skype, và họ bắt đầu tích hợp nó vào Windows Phone, đồng thời giới thiệu Internet Explorer 10 nhằm mang lại nhiều cải tiến cho trải nghiệm duyệt web, từ hỗ trợ tốt hơn HTML5 đến một engine dựng trang nhanh hơn.
Một tính năng mới hữu ích khác là Kid’s Corner, giúp việc chia sẻ thiết bị với con cái bạn dễ dàng hơn mà không phải lo lắng việc chúng phá phách cài đặt hay dữ liệu riêng tư trên máy. Ứng dụng Xbox Smart Glass thì cho phép bạn điều khiển máy chơi game Xbox. Khi sử dụng ứng dụng Camera, bạn có thể cài đặt các Lenses, về cơ bản là các plugin để bổ sung chức năng, như thêm bộ lọc hay quét mã QR. Dẫu vậy, Windows Store vẫn là một vùng đất cằn cỗi với rất ít ứng dụng chất lượng, và tình trạng này càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Đến cuối năm 2011, ước tính Nokia đã bán được hơn 1 triệu thiết bị Lumia, một con số đầy lạc quan nếu bạn bỏ qua sự thật rằng vào năm 2007, cứ 2 smartphone được bán trên thế giới thì có 1 máy là smartphone của Nokia. Tình hình tài chính của hãng tiếp tục giảm sút trong quý đầu năm 2012, và không lâu sau đó, Colin Giles, giám đốc kinh doanh của công ty, rời bỏ vị trí của mình. Theo chân ông là chủ tịch Jorma Ollila, người trước đó đã công bố sẽ từ chức trong năm 2011.
Vào tháng 2/2012, Nokia công bố cắt giảm 4.000 nhân công trong các nhà máy sản xuất điện thoại của hãng, và vào tháng 6 là 10.000 nhân công khác, nâng tổng số nhân viên Nokia mất việc kể từ khi Elop giữ chức CEO lên con số 40.000.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Vào tháng 9/2012, Nokia giới thiệu Lumia 920 và Lumia 820, hai mẫu máy flagship và tầm trung mới chạy Windows Phone 8. Chúng có các phiên bản 3G và 4G, với nhiều cải tiến như màn hình tốt hơn, camera PureView, vi xử lý nhanh hơn, và sạc không dây Qi. Các reviewer đánh giá cao phần cứng và phần mềm của Nokia, nhưng một lần nữa chỉ ra rằng hệ sinh thái ứng dụng nghèo nàn là lý do khiến hầu hết mọi người chưa muốn bỏ tiền mua thiết bị.
Đến cuối năm 2012, ban quản trị của Nokia bắt đầu nhận thức được tình hình tài chính ngày càng đổ dốc. Sau 6 quý liên tục thua lỗ, công ty tổng kết năm tài khóa 2012 với doanh thu 19,9 tỷ USD và khoản tổn thất hoạt động lên đến 1,4 tỷ USD.
Chiến lược của Elop đã thất bại thảm hại, mặc cho Nokia hi vọng rằng sự đón nhận tích cực của người hâm mộ đối với Lumia 920 sẽ đưa doanh số lên đỉnh cao cũ.
Dẫu vậy, Nokia vẫn tiếp tục thu hút người dùng trong năm 2013 với sự ra mắt của Lumia 928, một thiết bị độc quyền cho mạng Verizon tại Mỹ. Và dù đây không phải một chiếc điện thoại kém, nó đã bị lu mờ trước Lumia 925 ra mắt sau đó vài ngày, chủ yếu nhờ thân máy nhỏ hơn và mỏng hơn được làm hoàn toàn từ nhôm. Cả 928 lẫn 925 đều không trở thành những sản phẩm phẩm bán chạy - danh hiệu đó thuộc về Lumia 520 với giá bán rẻ mạt chỉ 200 USD (với một số chương trình khuyến mãi chỉ còn 50 USD) và cấu hình tầm thường, nhưng bán được ít nhất 12 triệu máy trước khi bị ngừng sản xuất.
Cũng trong năm 2013, Nokia công bố Symbian đã đi đến cuối vòng đời sau khi doanh số bán ra chỉ chưa bằng 1/2 so với dòng Lumia. Điều đó đồng nghĩa chiếc Nokia 808 PureView ra mắt một năm trước đó, với cảm biến camera lớn nhất từng được đưa vào một chiếc điện thoại (kích thước 1/2”, độ phân giải 41 MP), chính là chiếc điện thoại Symbian cuối cùng của hãng.
Được trang bị khả năng zoom quang học 3x và tương thích với tỉ lệ khung hình 4:3 lẫn 16:9, 808 PureView là một trong những mẫu điện thoại chụp ảnh tốt nhất lịch sử. Hệ thống microphone kép cũng giúp người dùng thu âm thanh tốt hơn hầu hết các điện thoại khác cùng thời, đặc biệt khi quay video tại một buổi hòa nhạc.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Nokia 808 PureView
Nokia đã bỏ nhiều năm trời để hoàn thiện công nghệ camera trên thiết bị này. Họ tận dụng kỹ thuật ghép điểm ảnh để cho ra những bức ảnh chất lượng cao hơn từ rất lâu trước khi các hãng khác học theo. Tuy nhiên, kích cỡ khá lớn của cụm camera đã gây ra một số thách thức về mặt thiết kế, do đó Nokia phải gọt bớt thân máy để khiến nó hấp dẫn hơn trong thời đại mà mọi nhà sản xuất điện thoại đều tìm cách tạo ra những cỗ máy mỏng nhất và nhẹ nhất có thể. Kết quả là 808 PureView có cụm camera lồi ra khá lớn ở mặt lưng - một lựa chọn thiết kế gây tranh cãi ở thời điểm đó, nhưng ngày nay lại cực kỳ phổ biến.
Không lâu sau, Nokia tung ra kẻ kế thừa 808 PureView nhưng chạy Windows Phone. Vào tháng 7/2013, Lumia 1020 xuất hiện với cụm camera tương tự trong một thiết kế mới mẻ hơn cùng trải nghiệm phần mềm hiệu quả hơn nhiều. Lúc đó, tình hình ứng dụng của Windows Phone đã có chút cải tiến, khi mà hầu hết các ứng dụng lớn đều đã xuất hiện, chưa kể hàng loạt ứng dụng bên thứ ba thay thế tốt cho những ứng dụng còn thiếu. Tuy vậy, nhiều người ngoài Nokia lẫn bên trong công ty đều đặt ra một câu hỏi: phải chăng Android là lựa chọn phù hợp hơn cho các điện thoại Lumia?
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Lumia 1020
Lumia 1020 hội tụ tinh hoa từ cả Nokia và Microsoft, từ thân máy polycarbonate nguyên khối cồng kềnh đầy màu sắc, đến camera sau mạnh mẽ với thấu kính Carl Zeiss, màn hình ClearBlack ăn khớp hoàn hảo với nền đen của giao diện người dùng Windows Phone. Nó là hiện thân rõ rệt nhất của cơn sốt điện thoại camera, và hầu hết - nếu không muốn nói là tất cả - những người đã mua 1020 đều sẽ thừa nhận với bạn rằng chiếc điện thoại này khiến họ phấn khích tìm cách chụp ảnh của mọi thứ thấy được!
Trái tim thiết bị là SoC Snapdragon S4 Plus hai nhân với 2GB RAM, quá đủ để chạy Windows Phone mượt mà - cho đến khi bạn muốn chụp ảnh ở chế độ chụp kép, tức lưu một bức ảnh 41 MP cùng một bức ảnh 5 MP khác. Ứng dụng Lumia Camera có nhiều tùy chọn thủ công mà bạn có thể tinh chỉnh giống như trên camera thật, và trải nghiệm chụp ảnh được nâng lên một tầm cao mới với nút chụp cơ hai nấc.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Cho đến ngày nay, bạn vẫn sẽ thấy nhiều người so sánh những siêu phẩm điện thoại chụp ảnh mới nhất với vị vua già Lumia 1020. Ví dụ, trang GSMArena từng nói rằng chiếc điện thoại chụp ảnh cổ xưa này của Nokia vẫn cạnh tranh khá tốt với Xiaomi Mi 11 Ultra, vốn sở hữu một trong những cảm biến máy ảnh di động tốt nhất trên thị trường - Sony IMX586. Steve Litchfield của trang AllAboutWindowsPhone đã thực hiện một so sánh chi tiết giữa camera Lumia 1020 và Nokia 808 PureView với Google Pixel 5 và Apple iPhone 12 Pro Max, cho thấy PureView đã thực sự đi trước thời đại như thế nào.
Trở lại năm 2013, doanh số quý của Nokia Lumia vẫn dưới kỳ vọng của công ty, nhưng ít nhất họ cũng vượt qua được BlackBerry. Cuối năm đó, Nokia giới thiệu Lumia 1320 và 1520, hai chiếc điện thoại được thiết kế để thu hút những người muốn có màn hình càng lớn càng tốt. Bên cạnh nâng cấp cấu hình phần cứng, tuổi thọ của những thiết bị này tiếp tục phụ thuộc lớn vào việc người dùng của chúng có chấp nhận được việc thiếu hụt nhiều ứng dụng lớn hay không.
Nokia từng công bố một ứng dụng Instagram chính thức sẽ được đưa lên Windows Store, nhưng thứ người dùng có được là một ứng dụng beta không có nhiều thay đổi trong suốt 3 năm tiếp theo đó.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Nokia 2520
Cũng trong năm 2013, Nokia nhắm mắt đưa chân theo tham vọng Windows RT của Microsoft khi giới thiệu mẫu tablet Lumia 2520. Đây là một sản phẩm vắn số khi mà thử nghiệm Windows RT chấm dứt trong tủi hổ sau chưa đầy hai năm. Các reviewer nhận định tablet của Nokia nhìn chung tốt hơn mẫu Surface 2 của chính Microsoft, nhưng xét cho cùng, điều đó cũng không quan trọng bởi Windows RT không bao giờ đủ sức hấp dẫn để lôi kéo người tiêu dùng lẫn nhà phát triển.
Nokia tiếp tục rỉ máu mặc cho doanh số Lumia tăng chậm nhưng đều. Công ty tiết lộ trong một cuộc họp cổ đông rằng đã bán được 8,8 triệu máy Lumia trên toàn cầu trong Quý 3/2013, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 9 liên tiếp công ty báo lỗ, do đó ban quản trị Nokia phải tìm ra một giải pháp - họ tính đến chuyện bán bộ phận kinh doanh Thiết bị và Dịch vụ cho Microsoft.
Sau nhiều phiên tranh luận, hai công ty đi đến một thỏa thuận trị giá 7,2 tỷ USD, trong đó Microsoft sẽ tiếp nhận bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của Nokia cũng như được cấp phép sử dụng nhiều bằng sáng chế của công ty Phần Lan. Gã khổng lồ Redmond nhận thấy đây là cơ hội tuyệt vời để trở thành một công ty thiết bị và dịch vụ, nhưng đối với Nokia, đây là nước đi cần thiết để cứu vãn các mảng kinh doanh còn lại của mình - dịch vụ bản đồ HERE, bộ phận Nokia Siemens Networks, và bộ phận cấp phép Advanced Technologies.
Nokia: số phận thăng trầm của ông hoàng di động một thời (Phần 5)
Stephen Elop và CEO Microsoft thời đó, Steve Ballmer
Theo thỏa thuận, CEO Stephen Elop sẽ từ chức và nhường vị trí CEO cho Risto Siilasmaa. Khi thỏa thuận được ký kết vào năm 2014, Elop trở thành phó chủ tịch bộ phận Thiết bị mới thành lập của Microsoft.
Thỏa thuận này cũng khiến nhiều tên tuổi lớn của Nokia ra đi, bao gồm Marko Ahtisaari, người từng đảm nhận phát triển ngôn ngữ thiết kế phần cứng Lumia, và nhiếp ảnh gia trưởng của Lumia là Ari Partinen, người sau đó chuyển sang Apple.
Sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm vào năm 2014, Microsoft được cấp phép sử dụng tên “Nokia” trên những điện thoại như Lumia 930, Lumia 830, Lumia 730, và Lumia 630, chưa kể dòng Nokia X thất bại thảm hại. Tuy nhiên, không lâu sau, Microsoft thay tên “Nokia” thành “Microsoft Lumia” nhằm đơn giản hóa nhãn hiệu cho các thiết bị của mình. Công ty Redmond cũng làm điều tương tự với hầu hết bộ ứng dụng Windows Phone mà Nokia đã phát triển!
(còn tiếp)
Tham khảo:
TechSpot
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top