Tiểu sử Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa có đơn xin thôi việc sau 4 năm được bổ nhiệm (từ năm 2018), và theo VnExpress, Chính phủ đang xem xét việc này.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong hai năm vừa qua là lãnh đạo ngành y tế xông xáo nhất trên mặt trận chống dịch covid từ Bắc vào Nam. Ông có mặt tại các tâm dịch, điểm nóng, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống đại dịch covid-19.
Ngày 20/3/2018, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy lần thứ 3. Việc bổ nhiệm lại làm giám đốc bệnh viện nhiệm kỳ thứ 3 là một trong những trường hợp rất hiếm hoi của Bộ Y tế trong nhiều năm trở lại đây. Trước khi bổ nhiệm lại lần 3, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn được sự tín nhiệm cao gần như tuyệt đối, với số phiếu chiếm 98% cán bộ công nhân viên và 100% trong Đảng ủy Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến tháng 11/2018, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế.
Theo báo Lao động, ông Sơn được đánh giá cao, có nhiều đóng góp cho ngành y tế Việt Nam nói chung và BV Chợ Rẫy nói riêng trong việc phát triển kỹ thuật cao, ghép tạng, phục vụ người dân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo khu vực phía Nam.
Tiểu sử Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Ông Nguyễn Trường Sơn chính thức giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 11/2018
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1964 tại TP HCM. Hơn 30 năm làm công tác chuyên môn, ông Sơn có 16 năm trực tiếp làm công tác chuyên môn với vai trò bác sĩ điều trị tại khoa Huyết học Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy. Năm 2004, ông chuyển sang trọng trách quản lý ở cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ năm 2008 đến nay, ông Sơn đã được bổ nhiệm liên tục 3 nhiệm kỳ (5 năm/nhiệm kỳ) vị trí Giám đốc Bệnh viện.
PGS Sơn được đánh giá cao về năng lực chuyên môn cũng như quản lý với những đóng góp lớn cho ngành Y tế, sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là nỗ lực trong việc phát triển kỹ thuật cao, công tác ghép thận, ghép gan, ghép tế bào gốc máu ngoại biên.
Bên cạnh công tác chuyên môn, quản lý, giảng dạy, PGS Sơn còn dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu khoa học với hàng chục đề tài các cấp. Có thể kể đến như đề tài cấp Nhà nước: "Nghiên cứu triển khai Ghép thận từ người cho tim ngừng đập", "Nghiên cứu tỷ lệ nhập viện do những biến cố liên quan đến thuốc ở bệnh viện Chợ Rẫy", "Nghiên cứu tỷ lệ phần trăm các biến cố có hại liên quan đến thuốc được báo cáo đã xử trí thích hợp ở bệnh viện Chợ Rẫy"; đề tài cấp Bộ: "Đánh giá tính khả thi, an toàn và kết quả bước đầu cắt thực quản qua nội soi ngực bụng điều trị ung thư thực quản", "Nghiên cứu ứng dụng ghép gan theo mô hình người sống cho tạng và mô hình người chết não hiến tạng"…
Những cống hiến của PGS-TS Nguyễn Trường Sơn cho nền y học nước nhà đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, ban ngành ghi nhận. Ông được phong tặng danh hiệu "Thầy thuốc Ưu tú" năm 2005, "Thầy thuốc Nhân dân" năm 2017; đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2012, vinh dự được bình chọn là "Chiến sĩ thi đua toàn quốc" năm 2017 và nhận nhiều bằng khen của Chính phủ và Bộ Y tế.
Tuy nhiên, cuối năm 2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Trường Sơn do đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Trước đó, tháng 2/2021, chính ông đã phải ký thu hồi công văn do ông ký có nội dung tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc y học cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu kèm theo danh mục 26 sản phẩm thuộc 4 nhóm: sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị, sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe, đều ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất, cách sử dụng kèm theo. Danh mục này bao gồm cả thực phẩm chức năng, thuốc hoạt huyết dưỡng não... nhưng cơ chế, tác dụng với bệnh nhân COVID-19 chưa được làm rõ hoặc mới ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

>> Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn xin thôi việc

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top