Từ chỗ suýt phá sản, công ty Nhật Bản này đang tiến đến vị thế công ty giải trí giá trị nhất hành tinh

V
VNR Content
Phản hồi: 0
Từng có lúc bị đồn thổi đang bên bờ vực sụp đổ, truyền thông phỏng đoán thời điểm đế chế châu Á phá sản, giờ đây cái tên Nhật Bản này lại đang vươn mình ăn nên làm ra. Thậm chí, Nikkei còn đặt ra câu hỏi liệu năm 2024 có phải 1 năm đột phá, giúp họ tiến gần hơn đến vị thế công ty giải trí giá trị nhất hành tinh. Sau 1 thập kỷ, họ đã xây dựng 1 nền tảng vững mạnh dựa trên nội dung và nhiều loại tài sản giá trị khác.
Đó chính là Sony, ông lớn Nhật Bản từng gắn liền với TV Trinitron và máy nghe nhạc Walkman. Theo báo Nhật, họ đang nắm giữ hơn 3,78 ngàn tỷ Yên (khoảng 26,4 tỷ USD) lợi thế thương mại và giá trị tài sản vô hình khác, tính tới hết tháng 9 vừa qua. So với thời điểm 10 năm trước, giá trị này hiện đã gấp 2,3 lần. Tài sản vô hình được coi là nguồn thu ổn định và lâu dài hơn tài sản hữu hình, 1 nhân tố tăng trưởng quan trọng.

Từ chỗ suýt phá sản, công ty Nhật Bản này đang tiến đến vị thế công ty giải trí giá trị nhất hành tinh
Ông Yoshida trong 1 cuộc họp chia sẻ về các thành công trong lĩnh vực giải trí
CFO Totoki cho biết “Chúng tôi đã gieo hạt giống” khi nói về chiến lược đầu tư vào tài sản vô hình. Ở đây, ông đang bày tỏ sự tự tin vào tiềm năng mở rộng của các hoạt động kinh doanh trò chơi, âm nhạc, phim ảnh và anime.

Tiết lộ con số gây bất ngờ

Theo Nikkei, cơ cấu tài sản của Sony đang thay đổi ngày càng mạnh, nghiêng về phía giải trí. Tập đoàn nắm giữ tài sản vô hình nhiều gấp 2,6 lần mức giá trị tài sản hữu hình. Tỉ lệ này thấp hơn Siemens (3,6 lần) nhưng cao hơn Microsoft và Hitachi, lần lượt là 0,7 và 2,1 lần.
Đây là kết quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu nguồn thu đã kéo dài 10 năm qua. Từ đồ điện tử tiêu dùng chuyển sang đầu tư mạnh mẽ vào tài sản trí tuệ (IP), sáng tạo và thâu tóm các nội dung giải trí. Hiện tại, lĩnh vực này đang chiếm 60% trong tổng lợi nhuận tập đoàn.

Từ chỗ suýt phá sản, công ty Nhật Bản này đang tiến đến vị thế công ty giải trí giá trị nhất hành tinh
Cấu trúc tập đoàn trải dài nhiều lĩnh vực
Theo giới phân tích, động lực tăng trưởng từ giải trí sẽ thúc đẩy lợi nhuận hoạt động của công ty tăng 15% trong năm tới, đạt kỷ lục 1,35 ngàn tỷ Yên. Đến năm 2025, tiếp tục phình to thêm 10% nữa và tăng trưởng đều đặn qua từng năm.

PlayStation là trung tâm

Bộ phận trò chơi là tâm điểm khi đang theo đuổi kế hoạch bán được 25 triệu chiếc PS5 trong năm nay. Hiện tại, họ đã hoàn thành được 30% mục tiêu đề ra và trong quý vừa rồi, chứng kiến doanh số máy chơi game bùng nổ hơn bao giờ hết.
Nhà phân tích Masahiro Ono tại Morgan Stanley MUFG Securities cho rằng, lợi nhuận từ video game sẽ còn tăng mạnh hơn cả dự báo của chính tập đoàn. Năm tài khóa 2024 có thể phá vỡ kỷ lục lợi nhuận 346 tỷ Yên từng đạt được vào năm 2021. Chủ yếu do cắt giảm chi phí linh kiện và quảng cáo, trong khi lại tăng giá dịch vụ.

Từ chỗ suýt phá sản, công ty Nhật Bản này đang tiến đến vị thế công ty giải trí giá trị nhất hành tinh
PlayStation đang dần trở thành 1 thương hiệu giải trí toàn cầu, vượt ra khỏi máy chơi game truyền thống
Nhà phân tích cấp cao Ryosuke Katsura cũng tỏ ra lạc quan, tin rằng biên lợi nhuận sẽ lập những kỷ lục mới trong tương lai dựa vào tiềm năng to lớn của game và nhạc. Trong năm tài khóa vừa kết thúc, âm nhạc thậm chí đã vượt qua game để mang về nhiều lợi nhuận nhất.

Những viên ngọc ít được biết đến

Bộ phận âm nhạc của Sony có thể tăng trưởng lợi nhuận năm thứ 5 liên tiếp. Họ đang sở hữu số tài sản trị giá 800 tỷ Yên bao gồm bản quyền âm nhạc, hợp đồng phân phối cho các nghệ sĩ cùng nhiều loại tài sản khác. Xu hướng streaming nở rộ càng giúp công ty kiếm thêm nhiều tiền hơn. Tỉ suất sinh lời của âm nhạc cao nhất trong cấu trúc tập đoàn, đạt trên 20%.
Trong khi đó, Sony còn sở hữu Crunchyroll, nền tảng phát trực tuyến sở hữu kho anime bản quyền lớn nhất hành tinh. Đây là động lực tăng trưởng đáng chú ý của mảng phim ảnh sau khi công ty chi 1,2 tỷ USD mua lại từ tay AT&T. Dịch vụ đang có hơn 12 triệu thuê bao trả phí và ngày càng bổ sung nhiều nội dung mới. Hưởng lợi lớn từ xu hướng bùng nổ của anime trên toàn cầu.

Từ chỗ suýt phá sản, công ty Nhật Bản này đang tiến đến vị thế công ty giải trí giá trị nhất hành tinh
Sản phẩm giải trí đa dạng từ game, phim, nhạc cho tới cả anime

Đặt cược vào tài sản vô hình

Vốn hóa của công ty đã tăng gấp 9 lần sau 10 năm lên khoảng 17 nghìn tỷ Yên, phản ánh niềm tin của nhiều nhà đầu tư. Trong ngành điện tử, thứ hạng của họ xét theo vốn hóa đã tăng lên vị trí thứ 12. Còn ở ngành giải trí, họ đang đứng thứ 3 chỉ sau Netflix và The Walt Disney. Và Sony vẫn còn nhiều tiềm tăng để mở rộng.
Nhà phân tích tại Mizuho Securities, Yasuo Nakane, nêu bật lợi thế cạnh tranh của họ so với 2 tập đoàn kia: “Điều quan trọng là chia sẻ quyền khai thác IP giữa các hoạt động khác nhau trong cùng tập đoàn, cùng nhau kiếm lợi nhuận từ nội dung. Tạo ra nội dung hiệu quả hơn, thu hút nhiều lượt xem hơn và từ đó tăng giá trị cho tổng thể doanh nghiệp”.
Đó chính xác là những gì mà Sony đã đạt được trong năm 2023 vừa qua, với loạt sản phẩm giải trí gây sốt toàn cầu gồm phim truyền hình The Last of Us, phim hoạt hình Spider-Man: Across the Spider-Verse, game PlayStation Marvel’s Spider–Man 2 và đĩa đơn Idol do bộ đôi Yoasobi trình bày. Tất cả chúng đều đạt thành công thương mại đáng nể bên cạnh khen ngợi về mặt chuyên môn.

Từ chỗ suýt phá sản, công ty Nhật Bản này đang tiến đến vị thế công ty giải trí giá trị nhất hành tinh
4 sản phẩm giải trí gây sốt toàn cầu của Sony năm vừa qua
Kết luận, Nikkei cho rằng Sony đang trên con đường trở thành công ty giải trí có giá trị nhất thế giới, chạy đua cùng Netflix và Disney của nước Mỹ. Dựa trên vốn hóa, Sony đang được định giá 116 tỷ USD, công ty truyền thông Disney là 165 tỷ USD và gã khổng lồ trực tuyến Netflix trị giá 207 tỷ USD. Mặc dù vẫn còn khoảng cách đáng kể nhưng không phải không có cơ hội vượt qua.

>>> Sony nay đã khác xưa! Một Sony hoàn toàn mới vừa xuất hiện ở CES 2023
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top