Từng được kỳ vọng sẽ thay thế OLED, giờ đây microLED lại là nỗi hụt hẫng lớn: Apple đầu hàng, LG và Samsung cũng “nản chí”

SummerKisses❤️WinterTears

Bao Nhiêu Tình Yêu, Bấy Nhiêu Nước Mắt
Thành viên BQT
Từng được ca ngợi sẽ thay thế OLED khi có thể đạt được những ưu điểm của cả LCD lẫn OLED trong khi không có nhược điểm nào, microLED được coi là tương lai của công nghệ hiển thị. Song, giấc mơ về 1 công nghệ màn hình tối thượng đã bị dội gáo nước lạnh sau khi Apple từ bỏ dự án.
Một trong những thách thức lớn nhất vẫn là làm cho microLED đủ rẻ để sản xuất hàng loạt, mở rộng quy mô để đáp ứng đa dạng các nhu cầu từ smartphone, smartwatch đến laptop, TV. Nhưng trong thực tế, giá bán của những chiếc TV microLED hiện đang quá đắt. Ngay cả LG và Samsung cũng tỏ ra lung lay niềm tin.
Báo cáo từ nhiều nhà phân tích trong ngành cho thấy, sẽ phải mất rất nhiều năm nữa công nghệ này mới sẵn sàng đi vào sản xuất hàng loạt. Do đó, LG và Samsung được cho là đang dừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô đối với các dự án microLED. Mặc dù Samsung có vẻ vẫn muốn tiếp tục nghiên cứu công nghệ này.

1720167943391.png


Báo cáo từ Hàn Quốc cho biết, Samsung Display sẽ tiếp tục đầu tư vào R&D microLED nhưng đã trì hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất. Còn về LG Display, công ty đã thu hẹp quy mô nhóm nghiên cứu và đang cân nhắc chuyển bớt nhân sự sang OLED, nhằm củng cố hoạt động kinh doanh có thể tạo ra thu nhập trước mắt.
Doanh số các sản phẩm microLED mà Samsung và LG đang bán được cho là khá thấp, không đạt tới 5 chữ số. Trong khi đó, dù đã theo đuổi vài năm nhưng họ vẫn chưa giảm được giá cả xuống như mong đợi, 1 chiếc TV microLED bây giờ vẫn rơi vào trên 2 tỷ đồng. Rất khó tạo ra thị trường đủ lớn để tiêu thụ và có lợi nhuận. Nhất là sau thất bại của Apple, microLED càng bị hoài nghi về tính khả thi trong thực tế.
“Hai công ty màn hình lớn nhất Hàn Quốc đang điều chỉnh tốc độ kinh doanh micro LED của họ. Vì việc đảm bảo lợi nhuận trở nên khó khăn do chi phí sản xuất cao, nhu cầu tăng chậm và áo lực cạnh tranh gay gắt,” truyền thông Hàn Quốc giải thích về bối cảnh dẫn đến quyết định của LG và Samsung. Cả 2 hãng đã đưa ra điều chỉnh đối với tham vọng để tạm đối phó trước môi trường kinh doanh chưa khởi sắc.

Samsung microLED CES 2020 1.jpg

Doanh số sản phẩm microLED hàng năm cực kì thấp so với LCD và OLED

Ngành công nghiệp cho biết, tổng doanh số TV microLED hàng năm trên toàn cầu chỉ trong khoảng 1.000 đến 2.000 chiếc. Con số này không bõ bèn gì so với TV LCD (200 triệu chiếc) và TV OLED (8 triệu chiếc), do vậy không đáng để các hãng theo đuổi ráo riết. Ngoài ra, chi phí sản xuất và rào cản kỹ thuật cũng là lí do khiến cả 2 không muốn lãng phí nguồn lực.
Một quan chức cấp cao trong ngành màn hình cho biết: “Samsung Display và LG Display đang tạm dừng hoạt động kinh doanh microLED vì tin rằng rất khó kiếm được lợi nhuận.”
Quy trình sản xuất microLED có chi phí cao hơn nhiều so với LCD và OLED. Một quan chức trong ngành cho biết: “Chi phí sản xuất Micro LED cao hơn nhiều so với LCD cũng như OLED. Không dễ để sản xuất hàng loạt cho đến khi có được khách hàng quen thuộc.” Tuy vậy, 1 số người khác lại lo ngại Hàn Quốc sẽ tụt lại ở phân khúc mới nổi này chỉ vì không dám mạo hiểm.
Các công ty màn hình Trung Quốc có chi phí lao động thấp và rất nhiều nhà máy, giúp hạ thấp đơn giá bằng cách tăng sản lượng ngay cả khi năng suất thành phẩm và trình độ công nghệ thấp. BOE đang xây 1 nhà máy ở Quảng Đông để sản xuất khoảng 60.000 tấm wafer microLED mỗi năm. TCL CSOT cũng tăng đều đặn các lô hàng microLED dù sản lượng thấp.

CH series 1.jpg

Là công ty tiên phong phát triển và kinh doanh, Sony vẫn tiếp tục mở rộng kinh doanh màn hình microLED ở thị trường B2B

Sony của Nhật Bản, công ty tiên phong nghiên cứu và thương mại microLED, vẫn tiếp tục mở rộng các dòng sản phẩm microLED. Sony đặc biệt có lợi thế so với LG và Samsung khi bán màn hình microLED thành 1 giải pháp sản xuất nội dung, cùng với camera điện ảnh VENICE và bộ công cụ phần mềm. Họ đã lắp đặt nhiều studio ảo ở trong và ngoài nước. Ngoài ra còn có nhiều công ty khác như AUO của Đài Loan và Aledia của Pháp, tiếp tục rót vốn mở rộng phát triển và sản xuất.
Trong khi đó, mặc dù bộ phận màn hình tỏ ra chần chừ nhưng Visual Dipslay, đơn vị chịu trách nhiệm kinh doanh TV và màn hình bên trong Samsung vẫn chưa từ bỏ. Bộ phận thuộc Samsung Electronics đặt mục tiêu giảm giá TV microLED thật mạnh mẽ, giảm chi phí sản xuất xuống còn 1/10 so với hiện tại trong vòng 2-3 năm tới. Họ tin rằng giảm giá mạnh tay là cách để mở rộng thị trường và tăng doanh số sản phẩm microLED.
Samsung Electronics đã gặp gỡ 30 đối tác trong chuỗi cung ứng, từ nguồn sáng LED, bảng điều khiển TFT, vật liệu, thiết bị chuyển giao chip, chất kết dính,... đến hội thảo nội bộ. Tại đây, họ cùng thảo luận về kế hoạch nội bộ nhằm đạt được mục tiêu đề ra là cắt giảm chi phí sản xuất xuống còn 1/10. Nhiều quan chức trong ngành cho biết: “Đây là lần đầu tiên Samsung tổ chức hội thảo với các đối tác về TV microLED. Họ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ để thúc đẩy microLED trở nên phổ biến”.

1720168096059.png

TCL vừa ra mắt TV microLED để cạnh tranh với Samsung và LG

Được biết, doanh số hàng năm của công ty chỉ hơn 100 chiếc TV microLED vốn có giá trên 100.000 USD. Công ty nhận thấy doanh số tăng trưởng quá chậm chạp, trong khi các hãng Trung Quốc đang ngày càng gây áp lực đối với TV OLED và LCD. Samsung cảm thấy rõ cơn khủng hoảng nếu không thể “phá băng” cho microLED, do vậy họ muốn tăng tốc bứt phá.
Hệ sinh thái công nghiệp microLED của Hàn Quốc tụt hậu so với Trung Quốc và Đài Loan. Đây là kết quả của sự sụp đổ của ngành sản xuất trong nước trước đây. Họ đã bị đánh bại bởi chip LED giá rẻ từ Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường. Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng đầu tư hàng trăm tỷ won để vực dậy hệ sinh thái microLED.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top