VnReview
Hà Nội

Để đào Bitcoin, chúng ta cần tiêu tốn bao nhiêu điện năng?

Phân tích từ Đại học Cambridge (Anh) tiết lộ, việc đào Bitcoin tiêu tốn nhiều điện năng ngang ngửa lượng điện tiêu thụ mỗi năm của Argentina.

Muốn đào được Bitcoin, máy tính cần có phần cứng mạnh và đòi hỏi rất nhiều điện năng để xử lý lượng lớn bài toán mật mã đặc biệt phức tạp. Các nhà nghiên cứu của Cambridge cho biết nó tiêu thụ khoảng 121,36 Terawatt giờ (TWh) mỗi năm và con số đó sẽ không giảm trừ khi Bitcoin lao dốc.

Các nhà phê bình cho rằng quyết định đầu tư mạnh vào Bitcoin của hãng xe điện Tesla có thể khiến hình ảnh thân thiện với môi trường mà công ty theo đuổi không còn được như trước.

Giá trị của đồng tiền này đã đạt mức kỷ lục 48.000 USD (tương đương 34.820 bảng Anh) trong ngày 12/2 sau khi thông báo của Tesla được đưa ra. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cho biết đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và có kế hoạch chấp nhận tiền điện tử như một phương thức thanh toán trong tương lai.

Giá trị tiền tăng đã tạo thêm động lực cho các thợ đào Bitcoin đầu tư nhiều dàn máy hơn

Theo Michel Rauchs, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tài chính Cambridge, người đồng sáng lập công cụ trực tuyến chuyên cho ra những ước tính về điện năng tiêu thụ của Bitcoin cho biết, giá trị đồng tiền và lượng điện năng hao tổn tỷ lệ thuận với nhau.

"Về lý thuyết, Bitcoin ‘ngốn' rất nhiều năng lượng. Đây không phải là điều có thể thay đổi trong tương lai trừ khi giá Bitcoin giảm mạnh", ông Rauchs trả lời phỏng vấn với chuyên mục Tech Tent của BBC.

Theo bảng xếp hạng mức tiêu thụ điện năng của Bitcoin ứng với từng quốc gia, lượng điện mà con người đổ dồn vào đào loại tiền kỹ thuật số này cao mức tiêu thụ điện của Argentina (121 TWh), trong khi Hà Lan chỉ đạt 108,8 TWh và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là 113,20 TWh. Riêng Na Uy, quốc gia Bắc Âu này đang có xu hướng tiêu thụ nhiều điện hơn với 122,20 TWh.

Năng lượng hao tốn vào Bitcoin có thể đun nóng tất cả các ấm đun ở Anh trong vòng 27 năm, ứng dụng ước tính cho biết. Bên cạnh đó, lượng điện tiêu thụ hàng năm của các thiết bị gia đình luôn bật nhưng không hoạt động tại Mỹ có thể cung cấp năng lượng cho toàn bộ mạng lưới Bitcoin trong vòng một năm.

Khai thác Bitcoin

Để "đào" Bitcoin, người ta sẽ sử dụng máy tính, thường là những dàn máy chuyên dụng được kết nối với mạng lưới tiền điện tử. Nhiệm vụ của chúng là xác minh các giao dịch được thực hiện bởi người gửi hoặc nhận Bitcoin.

Quá trình này liên quan đến việc giải các mật mã, đóng vai trò như rào cản để đảm bảo không ai có thể chỉnh sửa gian lận trong cuốn sổ cái toàn cầu ghi lại mọi giao dịch. Như một phần thưởng, các thợ đào sẽ nhận được một lượng nhỏ Bitcoin.

Nếu Bitcoin là một quốc gia, nó sẽ lọt top 30 nước tiêu thụ điện nhiều nhất thế giới

Đẩy nhanh tốc độ và tăng lợi nhuận, họ thường kết nối số lượng lớn các máy tính đào thành một mạng lưới duy nhất. Quá trình này ngốn rất nhiều điện năng vì các máy tính sẽ phải làm việc liên tục để giải các câu đố nói trên.

Công cụ của Đại học Cambridge mô hình hóa vòng đời kinh tế của những người khai thác Bitcoin trên thế giới, qua đó giả định rằng tất cả các cỗ máy đào Bitcoin hiện có đang hoạt động với nhiều hiệu quả khác nhau. Lấy giá điện trung bình mỗi kilowatt giờ là 0,05 USD, chúng ta có thể ước tính số tiền điện mà Bitcoin tiêu thụ tại một thời điểm.

Bài toán hóc búa về môi trường

"Bitcoin thực sự gây tác động xấu lên môi trường. Khi phần cứng của một cỗ máy đào khai thác càng hiệu quả, nó sẽ lại cạnh tranh với phần cứng khai thác hiệu quả khác. Điều này có nghĩa việc tiêu tốn năng lượng vào Bitcoin sẽ thải ra nhiều khí CO2 cho môi trường. Thật tệ khi tất cả năng lượng này đang bị lãng phí theo đúng nghĩa đen mà chưa biết có nhận về kết quả tốt hay không",;David Gerard, tác giả của cuốn Attack of the 50 Foot Blockchain, giải thích. 

Giá Bitcoin đã tăng chóng mặt sau khi Tesla công bố khoản đầu tư của mình. Nhưng các chuyên gia cho rằng khoản đầu tư này mâu thuẫn với quan điểm môi trường trước đây của hãng xe điện.

"Elon Musk đã bỏ qua rất nhiều cơ hội tốt của Tesla trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Điều này thật sự rất tệ ... Tôi không biết làm thế nào mà Musk lại đi ngược với sự tiến bộ của công nghệ xanh", Gerard cho biết.

Ông cũng đề xuất chính phủ các nước nên đề ra một khoản thuế môi trường đối với tiền điện tử nhằm cân bằng vấn đề tiêu dùng tiêu cực.

Ngọc Diệp theo BBC

Chủ đề khác