Cảm biến hình ảnh giống như những con con chip máy tính tí hon, biến camera thành đôi mắt. Từ đó, camera sẽ nói cho cỗ máy biết thế giới xung quanh nó trông như thế nào.
Sự trỗi dậy của smartphone đã châm ngòi cho ngành công nghiệp cảm biến bùng nổ chưa từng thấy. Trước khi có khái niệm "camera phone", cảm biến hình ảnh chủ yếu được sử dụng trong các máy ảnh kỹ thuật số. Vào thời kỳ thịnh vương nhất, doanh số máy ảnh toàn cầu cũng chỉ chạm tới 121 triệu đơn vị năm 2010.
Nhưng năm ngoái, có tới 1,4 tỷ chiếc smartphone được giao. Ngày nay, có đến hơn 5 tỷ người trên thế giới sở hữu ít nhất một chiếc smartphone, chúng đều có ít nhất hai camera. Năm 2010, tổng doanh thu của cảm biến hình ảnh đạt dưới 2 tỷ USD. Còn năm nay, chỉ riêng phân khúc cảm biến cho smartphone đã đạt 8 tỷ USD.
Smartphone giúp cảm biến hình ảnh bùng nổ hơn bao giờ hết (ảnh: iFixit)
Ngày nay, cảm biến hình ảnh hiện diện ở nhiều nơi. Từ smartphone trong tay bạn cho tới xe hơi, camera giám sát an ninh, thiết bị y tế, thiết bị bay không người lái, cửa hàng bán lẻ, nhà máy... Dự báo tới năm 2024, doanh thu hàng năm của cảm biến hình ảnh sẽ chạm mốc 29 tỷ USD.
Camera cùng bộ não
Như đã nói ở ngay đầu, cảm biến hình ảnh khiến camera trở thành đôi mắt. Tuy nhiên, có mắt không phải đồng nghĩa với khả năng nhìn. Cho tới hiện tại, máy tính vẫn chưa thể thành thạo nhuần nhuyễn khả năng nhìn. Vào năm 2012, ngay cả những máy tính có chức năng nhận diện hình ảnh mạnh mẽ nhất vẫn trình diễn khá tệ.
Nhưng Alex Krizhevsky đã tạo ra đột phá lớn thay đổi mọi thứ. AlexNet đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta, một cỗ máy có thể xác định vật thể tốt hơn con người. Giờ đây chúng ta đã có thị giác máy tính (một lĩnh vực nghiên cứu khoa học), cảm biến hình ảnh càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thị trường cảm biến hình ảnh đa dạng với nhiều phân khúc như smartphone, xe hơi, giám sát an ninh, y tế... (ảnh: Forbes)
Cảm biến hình ảnh không còn đơn thuần chỉ để chụp ảnh nữa, với thị giác máy tính, chúng có thể trở thành con ngươi cho phép cỗ máy thực sự nhìn được thế giới xung quanh. Hình ảnh sẽ là dữ liệu đầu vào, tương tự ký tự hay con số, camera là bàn phím để nhập liệu. Chúng mở ra kỷ nguyên mà mỗi video trên YouTube, ảnh tự sướng trên Facebook, đều có thể được tìm kiếm và phân tích chính xác - lần đầu tiên.
Nhu cầu của cảm biến hình ảnh bùng nổ hơn bao giờ hết. Ai trở thành người cung ứng hàng đầu thị trường, nghiễm nhiên xứng đáng có một chỗ trong "đại sảnh danh vọng" và kiếm được hàng tỷ USD.
Viên ngọc quý của Sony
Cảm biến hình ảnh chính là động lực đằng sau sự hồi sinh của Sony. Họ đã sản xuất nó được hàng thập kỷ, sản phẩm đầu tiên là một "mắt thần điện tử" được cài đặt trong phản lực cơ All Nippon Airways vào năm 1980. Nhiệm vụ là chiếu hình ảnh hạ cánh và cất cánh từ buồng lái.
Sony đang chiếm hơn một nửa thị trường cảm biến hình ảnh, chia theo doanh thu (ảnh: Forbes)
Sony thống trị tuyệt đối thị trường cảm biến hình ảnh những năm gần đây, chiếm trên 50% thị phần toàn cầu chia theo doanh thu. Trong một bài phỏng vấn với Blommberg, lãnh đạo mảng kinh doanh này thừa nhận: "Chúng tôi thậm chí đang phải xin lỗi khách hàng vì không thể sản xuất đủ sản phẩm". Nói lên thực trạng cung không đủ cầu của cảm biến Sony.
Các nhà máy của họ đang chạy 24/24 ngày qua ngày để bắt kịp nhu cầu, chưa kể thông báo đầu tư xây mới thêm một cơ sở nữa tại Nhật Bản. Tất cả là nhờ vào cuộc chiến của các hãng điện thoại. Họ đang có trong tay hơn 70% thị phần phân khúc cảm biến smartphone. Kể từ năm 2010, Sony đã là nhà cung cấp độc quyền cảm biến cho Apple, sử dụng trong iPhone, iPad.
Sở dĩ Sony được khách hàng tín nhiệm như vậy là nhờ vào chất lượng. Cảm biến của họ bỏ xa đối thủ với mức giá trung bình cao gấp đôi Samsung, đang đứng ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, khách hàng vẫn sẵn sàng trả thêm bất chấp khiến chi phí sản xuất tăng, chỉ để sở hữu cảm biến Sony. Trong thiết lập camera smartphone, ống kính chính được sử dụng nhiều nhất thường là vị trí của họ.
Cảm biến hình ảnh Sony có giá bán cao gấp đôi Samsung trên mỗi đơn vị bán ra, nhưng vẫn cháy hàng (ảnh: ThirdPoint)
Giờ thì Sony còn tiến xa hơn nữa khi công bố một sản phẩm mới: cảm biến DepthSense có thể giúp camera vẽ lại bản đồ 3D của thế giới thực. Sử dụng kỹ thuật đo khoảng cách ToF, cảm biến này đang hiện diện trên smartphone để giúp xác định chủ thể rõ ràng hơn. Từ đó làm mờ phông nền chính xác, hỗ trợ bắt nét,...
Nhưng với những ứng dụng còn cao cấp hơn cả smartphone, cảm biến 3D của Sony sẽ tạo ra tầm nhìn "vượt xa giới hạn con người" cho cỗ máy. Hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota đang triển khai chúng trên các mẫu xe tự hành. Cảm biến giúp xe hơi vẽ bản đồ 3D của con đường theo thời gian thực, cho phép nó nhận biết đâu là đường đi, đâu là vật cản ở khoảng cách xa gấp 1,5 lần các cảm biến hiện có.
Cảm biến 3D của Sony cũng hiện diện trên iPad Pro vừa ra mắt của Apple, hướng tới ứng dụng thực tế tăng cường (AR). Với tiềm năng bùng nổ như vậy, tôi kỳ vọng trong tương lai, cảm biến hình ảnh sẽ trở thành phân khúc tăng trưởng mạnh nhất của tập đoàn Sony. Nó có thể đạt tăng trưởng 300% trong những năm tới đây, trở thành đơn vị lớn nhất vượt qua cả gaming.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Stephen McBride, một chuyên gia phân tích và là nhà đầu tư chuyên nghiệp, đăng tải trên tạp chí Forbes. VnReview.vn lược dịch cho bạn đọc.
Ambitious Man