Năm 2020, Hollywood thất thế trước các phim nội địa châu Á


Trong khi phòng vé Bắc Mỹ đem về dưới 5 triệu USD mỗi tuần "nhờ" đại dịch COVID-19, tại Trung Quốc và Nhật Bản, rạp chiếu không những không đóng cửa mà còn liên tục xuất hiện những kỷ lục doanh thu mới.

Người chiến thắng thực sự của rạp chiếu phim năm vừa qua đều là các nhà sản xuất trong nước, Hollywood đã hoàn toàn bị đánh bại. Trong thời buổi hỗn loạn này, một phim Mỹ chỉ cần kiếm được 10 triệu USD từ thị trường Trung Quốc có lẽ cũng đã rất quý giá, khi mà châu Âu và cả Bắc Mỹ đều chưa thoát khỏi bóng ma đại dịch. Các thị trường điện ảnh châu Á tái khởi động sớm hơn, có bom tấn xuất hiện đúng thời điểm, đã nhanh chóng phục hồi và vượt qua Hollywood.

Nhìn thấy cơ hội này, Disney đã thực hiện chiến lược phát hành kép cho Mulan. Một mặt, họ chiếu phim trực tuyến trên Disney+ theo hình thức PVOD. Mặt khác, tại những vùng lãnh thổ mà dịch vụ chưa có mặt, phim sẽ ra rạp bình thường. Doanh thu tại Trung Quốc là 42,2 triệu USD dù bị coi là bom xịt, nhưng nhiều phim Mỹ khác thậm chí còn khó đạt nổi con số ấy. Mới đây, Monster Hunter đã bị cấm chiếu vì lùm xùm phân biệt chủng tộc, còn Wonder Woman 1984 là một nỗi thất vọng và cũng khó đạt tới thành tích của Mulan.

Hollywood thất thế tại phòng vé 2020 trước các phim nội địa châu Á (ảnh: Showbox)

Tương tự với Disney, hãng Universal cũng coi phòng vé Trung Quốc là một cứu cánh. Bộ phim hoạt hình The Croods: A New Age đã kiếm được 85 triệu USD toàn cầu, trong đó Trung Quốc đóng góp tới 49,9 triệu USD. Chỉ một mình thị trường tỷ dân cũng có thể "gồng gánh" tới hơn một nửa doanh thu cho bộ phim, qua đó cho thấy tầm quan trọng hơn bao giờ hết của khán giả nơi đây. Các dịch vụ streaming đều chưa hiện diện nhiều ở châu Á, nên ra rạp vẫn là hình thức chủ yếu.

Đây chính là nguyên nhân quan trọng cho sự trỗi dậy của các thị trường điện ảnh châu Á, khác với Bắc Mỹ. Amazon Prime Video chủ yếu phục vụ cho Nhật Bản, Úc, New Zealand, Singapore và Ấn Độ. Warner Media đã lên kế hoạch đem HBO Max tới Mỹ Latin và châu Âu vào năm sau, nhưng châu Á thì vẫn còn rất xa. Disney+ hay Peacook của Disney và Universal đều chưa tập trung vào nhóm khách hàng này. Chỉ duy nhất Netflix là dịch vụ streaming video phổ biến ở đây.

Vivek Couto, giám đốc điều hành tại hãng tư vấn Madia Partner Asia nhận xét: "Lý thuyết nghe chừng khá đơn giản. Nếu bạn không cung cấp một dịch vụ D2C (phân phối sản phẩm tới trực tiếp khách hàng) tại Trung Quốc, vậy thì chỉ còn cách cấp phép phát hành nội dung của bạn, hoặc tìm con đường khác mà thôi. Chính vì thế, các cụm rạp càng trở nên cần thiết để phim được chiếu". Tuy nhiên, sự thất thế của Hollywood năm nay cũng vẫn còn một nguyên nhân nữa.

Phim ăn khách nhất năm 2020 là một tác phẩm của điện ảnh Hoa ngữ (ảnh: Variety)

Vấn đề lâu dài của các bộ phim Hollywood là khẩu vị của khán giả châu Á đang thay đổi. Sức cạnh tranh các bom tấn đến từ điện ảnh Mỹ đang suy yếu rõ rệt trước làn sóng của các nhà sản xuất địa phương, đang ngày càng tiến bộ. Khán giả châu Á đang chuộng phim nội địa của nước mình hơn tác phẩm nước ngoài, đặc biệt ở ba thị trường điện ảnh lớn là Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Hollywood đang thất bại trong việc cố đưa thêm yếu tố văn hóa bản địa vào phim, khiến họ khó thuyết phục khán giả ở đây.

Bộ phim ăn khách nhất năm 2020 thuộc về điện ảnh Hoa ngữ, Bát bách, kiếm được 472 triệu USD. Tại Nhật Bản, hiện tượng Demon Slayer The Move: Mugen Train thu về hơn 291 triệu USD, sắp vượt qua Spirited Away để thành phim ăn khách nhất lịch sử điện ảnh nước này. Bộ phim cũng lập hàng loạt kỷ lục doanh thu khác, hiện đang đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng phim ăn khách năm 2020. Phòng vé Đài Loan cũng bị thống trị bởi anime Demon Slayer (20,4 triệu USD). Còn ở Hàn Quốc, cả bốn phim đứng đầu đều là phim Hàn.

Ngoại trừ thành công 530 triệu USD của The Meg, các nỗ lực gần đây nhằm khai thác thị trường châu Á của Hollywood đều không thành công như mong đợi. Crazy Rich Asians là một cú hit toàn cầu, nhưng không làm nên chuyện ở Trung Quốc. Tác phẩm Tử chiến Trường Thành của hãng Legendary Entertainment, có sự tham gia của ngôi sao Matt Damon và Trương Nghệ Mưu chỉ đạo, thu về chỉ 170 triệu USD từ Trung Quốc. Ước tính, phim gây lỗ 75 triệu USD và là một nỗi thất vọng.

Bộ phim không chỉ thất bại tại phòng vé mà còn bị tẩy chay vì chứa tình tiết vi phạm chủ quyền (ảnh: The New York Times)

Xưởng phim hoạt hình Trung Quốc Pearl Studio cũng không tìm thấy thành công với hai tác phẩm gần đây, dù đã cố pha trộn yếu tố văn hóa Đông - Tây. Phim Everest: Người tuyết bé nhỏ thu về 179 triệu USD toàn cầu nhưng ở Trung Quốc, chỉ kiếm được 16 triệu USD. Không chỉ thất bại, phim còn gây tranh cãi vì có chi tiết tuyên truyền vi phạm chủ quyền của một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, bị tẩy chay và phải rút khỏi rạp.

Tác phẩm mới nhất Over The Moon cũng bị nhận xét là quá Tây, còn xa lạ với khán giả Trung Quốc dù đã truyền tải khôn khéo hơn Mulan của Disney. Bộ phim thu về chưa tới 1 triệu USD tiền bán vé ở Trung Quốc, sau đó phải sớm bán cho các nền tảng streaming video như Tencent Video, iQIYI. Pearl Studio giờ đã hết cộng tác với Dreamworks, đang phải tìm hướng đi mới. Chủ tịch mới của xưởng nói với Variety rằng công ty sẽ thay đổi trong chiến lược xây dựng nội dung, tập trung vào thị trường Trung Quốc nhiều hơn.

Nội dung phù hợp với văn hóa châu Á đang là một bài toán nan giải. Nếu Disney+ và Peacook muốn phổ biến như Netflix, họ phải có nhiều hơn những sản phẩm như vậy. Netflix đang hợp tác rất nhiều nhà làm phim châu Á, tại Hàn Quốc và Nhật Bản, nhằm bản địa hóa chương trình của mình phù hợp với khán giả địa phương hơn. Hollywood đang dần bị gạt ra khỏi cuộc đua phòng vé, chiếu trực tuyến cũng là một cách, nhưng ở quốc gia nào cũng có những dịch vụ bản địa với kho phim dễ tiếp cận.

Hollywood gặp khó trong việc thu hút khán giả châu Á (ảnh: Disney)

Các nhà làm phim ở Hollywood đã liên tục cố gắng để làm điều đó, nhưng dường như họ đang dần xa rời hơn khán giả tại đây. Disney đã dừng sản xuất phim tại Trung Quốc cũng như rút khỏi Ấn Độ. Warner âm thầm đóng cửa hoạt động sản xuất của mình ở Hàn Quốc trong năm vừa qua, dù vẫn duy trì hỗ trợ tài chính và phân phối cho các cứ điểm ở Đài Loan và Nhật Bản. Trong khi các studio lâu đời ở Hollywood chật vật, những tân binh như Netflix hay Amazon lại tỏ ra nhanh nhạy hơn nhiều để bắt kịp làn sóng châu Á.

Netflix đang đẩy mạnh hoạt động tại Hàn Quốc hơn bao giờ hết, đã có 50 phim Hàn sản xuất và trình chiếu trên Netflix cho đến hiện tại. Không ít trong số đó lập tức tạo nên cơn sốt với khán giả khu vực. Vừa rồi, công ty đã ký hợp đồng với 7 studio anime Nhật Bản, tuyên bố nội dung anime sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của dịch vụ streaming này. Thực tế, ngay ngoài rạp lúc này, anime cũng đang thống trị. Phim hoạt hình ăn khách nhất năm thuộc về Demon Slayer,;5/10 vị trí doanh thu cao nhất cũng là anime Nhật Bản.

Phát ngôn viên của Netflix nói với Variety: "Anime Nhật Bản sẽ là một thành công lớn của năm nay. Nó mang tới sự thỏa mãn dễ chịu cho tất cả mọi người. Và thật thú vị khi phải nói rằng, với anime, việc phát hành tại rạp dường như không làm giảm đi giá trị của người dùng chúng tôi". Hollywood đang để thua các nhà sản xuất châu Á, dù là trên dịch vụ streaming hay ngoài rạp chiếu. Nền tảng của họ thiếu hụt nội dung chất lượng cho khán giả phương Đông, còn ngoài rạp, sức hút của các tác phẩm Mỹ đang thua kém phim nội địa.

Ambitious Man

Top