Ăn sâu bọ có thể giúp ích cho môi trường hơn chúng ta tưởng

Côn trùng được khuyến nghị là thực phẩm của tương lai, nhất là vì những lợi ích bền vững của nó.
Ăn sâu bọ có thể giúp ích cho môi trường hơn chúng ta tưởng
Món ăn ấu trùng bọ cánh cứng nướng tại Ecuador. Ảnh: Westend61/Getty Images
Là một nguồn protein tuyệt vời, chúng đòi hỏi nguyên liệu sản xuất ít hơn đáng kể so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Trại giun bột của bạn sẽ chỉ cần khoảng 2 kg thức ăn chăn nuôi và sẽ nhận lại 1 kg protein ăn được; đối với thịt bò, bạn lại cần không gian lớn hơn gấp 10 lần và tạo ra lượng khí thải nhà kính gấp 18 lần.
Theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đề xuất rằng chuyển sang một chế độ ăn kết hợp côn trùng có thể bổ sung những tác động tích cực đến phương thức con người trồng trọt. Theo đó, các tác giả thảo luận về việc sử dụng các chất thải được tạo ra từ quá trình chăn nuôi côn trùng để phục vụ thực phẩm cho con người và thức ăn gia súc, những lợi ích mà chất thải của chúng có thể mang lại đối với vụ mùa bền vững.
Các sản phẩm phụ của trang trại nuôi côn trùng đem đến cho người nông dân một chất phụ gia hữu cơ cho đất, giúp thúc đẩy sự phát triển và sức khỏe của cây trồng, tác động đến hệ vi sinh vật bên dưới.
“Một biện pháp cải tạo đất hữu cơ mới, manh nha từ hoạt động sản xuất nguồn protein động vật, đó là sản phẩm từ các côn trùng như sâu bột vàng (Tenebrio molitor), sâu bột bé (Alphitobius diaperinus), dế nhà (Acheta domesticus), ruồi lính đen (Hermetia illucens) hoặc ruồi nhà (Musca domestica) để làm thực phẩm hoặc thực ăn chăn nuôi”, các tác giả trình bày.
Việc nuôi côn trùng để làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi thường đem đến hai phụ phẩm: lớp vỏ sau khi lột xác và chất thải của chúng. Lớp vỏ lột là bộ xương ngoài còn sót lại sau khi côn trùng lột xác; còn chất thải về cơ bản là phân của côn trùng và thức ăn chưa được tiêu hóa hết; hai phụ phẩm này có thể trở thành những vật liệu thay thế tiềm năng cho phân bón và thuốc trừ sâu thông thường.
“Một thành phần quan trọng của lớp vỏ lột là chitin, một polysaccharide cao phân tử xuất hiện trong các tế bào nấm và bộ xương ngoài của nhiều loài động vật giáp xác. Các chất cải tạo đất có chứa chitin đã được chứng minh là có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của thực vật”, theo bài viết.
Ăn sâu bọ có thể giúp ích cho môi trường hơn chúng ta tưởng
Món ăn từ sâu bột.
Marcel Dicke, nhà sinh vật học thực vật từ Đại học Wageningen ở Hà Lan, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Tuy nhiên, có một bộ vi khuẩn có thể chuyển hóa chitin và những vi khuẩn đó giúp cây trồng chống chịu tốt hơn với bệnh tật và sâu bệnh. Khi lớp vỏ xác được thêm vào đất, quần thể của những vi khuẩn có lợi đó sẽ tăng lên”.
Ngoài ra, bổ sung chất thải của côn trùng vào trong đất còn có thể thúc đẩy sự phát triển của thực vật vì phân côn trùng rất giàu nitơ, một chất dinh dưỡng then chốt cho sự phát triển của thực vật nhưng lại khan hiếm trong hầu hết các loại đất. Nitơ thường được bổ sung vào đất dưới dạng phân bón tổng hợp.
“Tương tự như vậy, việc bổ sung chất thải côn trùng vào đất đã được chứng minh là cung cấp nitơ và các chất dinh dưỡng khác cho cây trồng, làm tăng sinh khối và hàm lượng dinh dưỡng của chúng. Cả chitin và chất thải côn trùng đều tác động đến thành phần vi sinh vật trong đất và đây có thể là một yếu tố quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển và sức khỏe của thực vật”, các tác giả cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến khả năng lớp vỏ sinh vật có chức năng kiểm soát sâu bệnh. Các vi khuẩn có lợi trong đất chuyển hóa chitin từ xác vỏ lột không chỉ thúc đẩy sự phát triển của thực vật mà còn gây ra những thay đổi trong sinh lý học thực vật, thu hút các loài côn trùng cộng sinh tương hỗ, chẳng hạn như các loài thụ phấn và thậm chí là thiên địch của côn trùng phá hoại.
Khi cây bị côn trùng tấn công, lá của nó tiết ra chất bay hơi thu hút kẻ thù của sâu bệnh.
“Tôi gọi đó là tiếng kêu cứu của thực vật. Chúng đang tuyển vệ sĩ”, Dicke nói.
Các tác giả nghiên cứu tin rằng việc áp dụng các sản phẩm phụ có được từ hoạt động sản xuất nuôi côn trùng vào cây trồng có thể là một bước tiến đối với vòng tuần hoàn của hệ thống thực phẩm, trong đó chất thải gần như được loại bỏ. Côn trùng được nuôi từ các chất thải của hoạt động trồng trọt hoặc sản xuất thực phẩm; sau đó côn trùng cung cấp cho con người các sản phẩm thịt làm thực phẩm; tiếp đó, phần còn lại từ hoạt động chăn nuôi sẽ được sử dụng để thúc đẩy phát triển của cây trồng, khép lại vòng tuần hoàn.
Dicke lập luận rằng bước tiếp theo là thuyết phục mọi người, đặc biệt là người phương Tây bỏ qua định kiến ăn côn trùng. Ở một số nơi trên thế giới, chúng đã sớm là thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn uống của họ.
Châu chấu được tiêu thụ phổ biến ở hàng chục quốc gia châu Phi, nơi côn trùng được thu lượm vào đầu ngày trước khi chúng bắt đầu hoạt động, sau đó đem đi nấu sôi, làm sạch và ướp muối. Ở Cộng hòa Dân chủ Congo, sâu bướm xuất hiện quanh năm ở các chợ, trong khi sâu mối có thể được chiên hoặc phơi nắng để giã thành bột.
“Tôi đã ăn dế, sâu bột và cào cào”, Dicke cho biết.
“Nhiều người trên thế giới cần phải làm quen với việc ăn côn trùng, tôi có thể khẳng định với bạn rằng mình đã ăn nhiều loài côn trùng khác trên toàn thế giới và tôi luôn có một bữa ăn tuyệt vời từ chúng”.
Nguồn: ScienceAlert
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top