VnReview
Hà Nội

Đánh giá Nokia 7.2: Bỏ thì thương, vương thì tội

Nokia 7.2 là một sản phẩm với những điểm mạnh độc đáo giữa rừng smartphone tầm trung quá bão hòa, và đó là một điều cần thiết để bạn có thể trở nên nổi bật. Tuy nhiên, những hạt sạn trải nghiệm của nó cũng sẽ dần xuất hiện khi "sống chung", và lúc đó bạn sẽ rơi vào tình huống "bỏ thì thương, vương thì tội".

Sau 2 năm kể từ ngày "hồi sinh" dưới quyền sở hữu của HMD Global, thương hiệu smartphone Nokia, vốn đã gắn liền với nhiều thế hệ người Việt, đã liên tục "bắn phá" phân khúc tầm trung bằng những sản phẩm chất lượng với mức giá hữu nghị. Năm nay, Nokia 7.2 là cái tên nắm giữ vai trò chiến lược của hãng, nhưng mọi chuyện đang có xu hướng thay đổi theo chiều hướng bất lợi.

Trong năm 2019, đã có quá nhiều sự thay đổi diễn ra trong phân khúc tầm trung. Samsung thay đổi chiến lược, tập trung đưa những tính năng mới lên dòng Galaxy A và M; Realme kể từ ngày tách ra khỏi Oppo thành công ty con đã có những bước tăng trưởng thần tốc; Redmi/Xiaomi với thế mạnh về cấu hình và giá bán vẫn luôn là một đối thủ không thể xem nhẹ,... và hơn thế nữa. Nếu ngủ quên trên chiến thắng, Nokia hoàn toàn có thể bị hất văng bất kỳ lúc nào.

Phiên bản đánh giá của VnReview có màu xám than, ngoài ra thì Nokia 7.2 còn có hai tùy chọn màu nữa là xám băng và xanh lục bảo. Hiện tại, phiên bản 4GB RAM/64GB bộ nhớ trong có giá niêm yết chính hãng 5,99 triệu đồng, nhưng tại một số cửa hàng bán lẻ như Hoàng Hà Mobile, Nokia 7.2 hiện chỉ còn 5,2 triệu đồng.

Thiết kế vẫn có chất riêng của Nokia

Trước ra sao, giờ vẫn vậy, những sản phẩm của Nokia vẫn luôn được thiết kế với tiêu chí tối giản, tinh tế. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao thương hiệu này được người tiêu dùng Việt yêu thích đến vậy. Tuy nhiên, trào lưu mặt lưng hiệu ứng chuyển màu gradient đã bao phủ gần như toàn bộ thị trường smartphone, từ cao cấp cho đến trung cấp, giá rẻ. Nokia hiểu rõ họ cần phải nắm bắt những sự thay đổi về xu thế ấy, nhưng đồng thời vẫn mang lại chất riêng của mình.

Mặt lưng của Nokia 7.2 được bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass 3, nhưng thay vì trong suốt để "khoe" hiệu ứng chuyển màu khi thay đổi góc nhìn, lớp kính này được phủ mờ để bạn chỉ vừa đủ thấy những hiệu ứng ấy một cách tinh tế. Cảm giác khi sờ mặt lưng của Nokia 7.2 rất sướng, nó giống như một làn gió mới so với rất nhiều những chiếc smartphone khác mà tôi từng được trải nghiệm. Tình trạng bám mồ hôi, vân tay được giảm xuống mức tối thiểu, tôi có thể tự tin dùng máy "trần" mà không phải lo lắng đến việc cứ vài giây lại phải lau máy một lần.

Điểm nổi bật nhất trên mặt lưng của Nokia 7.2, không gì khác chính là cụm ba camera to "khủng bố". Nó làm tôi hoài niệm đến những chiếc "camera-phone" như Lumia 1020, Lumia 1050 cũng từng của Nokia. Trào lưu điện thoại mỏng nhẹ đã buộc các nhà sản xuất phải thiết kế cụm camera lồi lên để có thể "nhồi nhét" thêm phần cứng và các tính năng, nhưng độ lồi của cụm camera trên Nokia 7.2 đã được đưa lên một "tầm cao mới".

Cụm ba camera này gồm camera chính 48MP, khẩu f/1.8 cảm biến ISOCELL GM1 của Samsung, camera góc siêu rộng 8MP, khẩu f/2.2 và camera đo độ sâu trường ảnh 5MP. Tất nhiên, Nokia 7.2 sử dụng ống kính Zeiss độc quyền, và đèn flash LED được đưa luôn vào cụm camera để cân đối. Bạn không cần phải quá lo lắng về việc xước camera do độ lồi này, vì cụm camera cũng được bảo vệ bằng kính cường lực Gorilla Glass 3 và bao quanh chúng là một viền kim loại để hạn chế sự tiếp xúc khi bạn đặt máy trên nền phẳng.

Nếu như mặt lưng của Nokia 7.2 khiến tôi hào hứng thì mặt trước của máy lại khiến tôi thấy hơi "hụt hẫng". Thiết kế màn hình "giọt nước" của Nokia 7.2 rõ ràng là một sự nâng cấp nếu so với "tai thỏ" của Nokia 7.1 hay Nokia 7 Plus, nhưng nó đã trở nên nhàm chán khi ngay cả những máy giá rẻ cũng mang thiết kế này. Trong khi các đối thủ trực tiếp của Nokia trong tầm giá đang chuyển sang màn hình tràn viền hoàn toàn, nếu không có logo Nokia xuất hiện ở cạnh dưới của máy, có lẽ bạn sẽ chẳng phân biệt được Nokia 7.2 với những máy khác.

Khung của Nokia 7.2 chỉ được làm từ chất liệu nhựa nhưng vẫn cho cảm giác cứng cáp, các mép được làm kín khít, đó là một điểm cộng. Có trọng lượng 180g, dày 8.3mm, chiếc điện thoại này của Nokia tuy không phải "thấp bé nhẹ cân" nhưng vẫn gọn gàng hơn nếu so với Redmi Note 8 (190g/8.4mm) hay Realme 5 Pro (184g/8.9mm).

Một điểm thú vị của Nokia 7.2 là máy được trang bị phím bấm vật lý riêng để gọi trợ lý ảo Google Assistant từ bất kỳ màn hình nào. Nếu nhà bạn có lắp đặt nhiều thiết bị thông minh điều khiển qua Google Assistant, phím bấm vật lý này sẽ tỏ ra rất hữu ích. Tuy nhiên, điểm trừ của phím bấm này là rất dễ bấm nhầm – vì nó đối xứng với nút nguồn ở cạnh bên kia – và hiện tại thì bạn chưa thể gán chức năng khác cho phím này nếu không có nhu cầu dùng Google Assistant.

Để tiết kiệm diện tích của phần giọt nước, Nokia 7.2 có một cách khá hay ho để thay thế cho đèn LED thông báo là tích hợp nó vào phím nguồn. Khi có thông báo mới hay cắm sạc thì đèn này sẽ sáng lên, và việc đặt ở vị trí phím nguồn thế này sẽ giúp bạn phần nào giảm sự chú ý của mình tới điện thoại hơn.

Nokia 7.2 vẫn còn jack tai nghe 3.5mm nhưng lại được đặt ở cạnh trên của máy, một vị trí không thực sự tối ưu, trong khi cạnh dưới chỉ có mic thoải, dải loa đơn và cổng kết nối USB Type-C. So với đàn anh Nokia 7.1, Nokia 7.2 cũng đã được "nâng cấp nhẹ" về khe cắm sim, hỗ trợ 2 sim nano và 1 thẻ microSD tối đa 512GB riêng biệt so với 1 sim nano và 1 khe hybrid (sim hoặc thẻ nhớ).

Nhìn chung, mặt lưng phủ mờ và cụm camera kích thước lớn là những điểm nhấn sáng giá nhất về thiết kế của Nokia 7.2. Chúng mang lại những sự độc đáo nhất định, và đó là cách mà bạn trở nên nổi bật giữa một rừng những smartphone khác "na ná" nhau.

Màn hình HDR sáng giá trong phân khúc

Nokia là thương hiệu hiếm hoi trang bị màn hình HDR cho những sản phẩm smartphone tầm trung ở thời điểm hiện tại, và Nokia 7.2 vẫn được kế thừa ưu điểm ấy. Kết hợp với công nghệ PureDisplay của Nokia, dải màu và độ chính xác màu của màn hình sẽ được thể hiện tốt hơn, và Nokia 7.2 cũng có khả năng nâng cấp nội dung SDR lên HDR nhờ bộ xử lý hình ảnh chuyên dụng.

Sử dụng thực tế, màn hình 6.3 inch IPS LCD độ phân giải Full HD+ của Nokia 7.2 cho trải nghiệm giải trí tốt với dải tương phản màu rộng, màu sắc sống động và chân thực. Bộ xử lý hình ảnh sẽ tự động nâng cấp nội dung SDR lên HDR, bạn sẽ không cần phải làm thao tác nào hết. Độ sáng của màn hình trong thực tế cũng rất ổn, theo nhà sản xuất thì tấm nền của Nokia 7.2 có thể đạt mức tối đa 500 nits, đáp ứng tốt sử dụng ngoài trời.

Chip hơi cũ, phần mềm Android gốc sạch sẽ, mượt mà

Nokia 7.2 trang bị con chip Snapdragon 660, cùng với đó là 4GB RAM và 64GB bộ nhớ trong. Đây hiển nhiên không phải là con chip tầm trung mạnh mẽ nhất hiện nay, Nokia 7.2 chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn nữa trong phân khúc nếu sở hữu một con chip khác mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, Snapdragon 660 vẫn có thể đáp ứng tốt hầu hết mọi tác vụ mà người dùng đưa ra, ngoại trừ chơi game nặng thì bạn sẽ phải giảm thiết lập đồ họa xuống một chút.

Tuy có cấu hình tương đồng với Nokia 7 Plus mà VnReview từng đánh giá, Nokia 7.2 vẫn có hiệu năng nhỉnh hơn tới 20% trong ứng dụng AnTuTu Benchmark đo hiệu năng tổng thể. Kết quả này nhiều khả năng là do sự khác biệt về phần mềm, khi Nokia 7 Plus trong thời điểm đánh giá vẫn đang chạy Android 8 Oreo. Do GeekBench 5 thay đổi cách tính điểm, chúng tôi sẽ chỉ sử dụng hai công cụ đo là AnTuTu Benchmark và GFX Bench.

AnTuTu Benchmark đo hiệu năng tổng thể

Bài test Manhattan trong ứng dụng GFXBench đo hiệu năng xử lý đồ họa ở độ phân giải thực của màn hình (onscreen) và độ phân giải tiêu chuẩn (offscreen).

Với những tựa game quen thuộc của VnReview, Nokia 7.2 vẫn đáp ứng tốt ở mức thiết lập đồ họa cao nhất có thể, dù các tựa game vẫn đang ngày càng nặng lên.

Nokia 7.2 chơi mượt Liên Quân Mobile trong mức 50-55 fps ở thiết lập đồ họa cao nhất

Snapdragon 660 bị khóa khung hình ở mức 30fps trong tựa game PUBG Mobile

Dead Trigger 2 không thể làm khó được Nokia 7.2, máy chơi mượt 60 fps

Về phần mềm, Nokia 7.2 được cài đặt sẵn Android 9 Pie. Nằm trong chương trình Android One giống như nhiều máy Nokia đàn anh, phần mềm của Nokia 7.2 rất "thuần khiết", không hề chứa bất kỳ ứng dụng rác nào mà chỉ tích hợp sẵn bộ ứng dụng của Google (GMS) như Maps hay Youtube. Ngoài ra, Nokia 7.2 cũng được cam kết cập nhật phần mềm trong tối đa 2 năm, và chúng ta đều đã biết Nokia là thương hiệu cập nhật Android nhanh nhất trên thị trường hiện nay (tất nhiên, không tính Google).

Phần mềm đã được tối ưu hóa nên dù chỉ được trang bị chip Snapdragon 660 và 4GB RAM, Nokia 7.2 vẫn mang lại cảm giác mượt mà, tốc độ mở ứng dụng nhanh, đa nhiệm ổn. Tuy nhiên, hiện tại thì Nokia 7.2 vẫn chưa có chế độ nền tối Dark Mode. Tính năng này sẽ có sẵn trên Android 10, dự kiến được đưa lên Nokia 7.2 vào tháng 12 tới.

Thời lượng pin trung bình

Viên pin 3.500 mAh của Nokia 7.2 khó có thể làm tôi ấn tượng. 4.000 mAh đã gần như trở thành một tiêu chuẩn mới trong ngành công nghiệp smartphone, iPhone của Apple nổi tiếng với khả năng tối ưu hóa thời lượng pin cũng đã tiến rất sát mức này (iPhone 11 Pro Max).

Thời gian xem phim offline liên tục, tính từ pin đầy tới 10%, độ sáng 70%, âm lượng 50%

Thời gian lướt web liên tục;tính từ pin đầy tới 10%, độ sáng 70%

Thời gian chơi game liên tục tính từ pin đầy tới 10%, độ sáng 70%

Trong những bài test thời lượng pin quen thuộc, Nokia 7.2 thua thiệt hơn đáng kể so với những sản phẩm khác cùng phân khúc. Thời lượng sử dụng thực tế của máy cũng không ấn tượng, thường khi về đến nhà sau một ngày làm việc là tôi sẽ phải cắm sạc cho máy.

Một bất lợi nữa của Nokia 7.2 là máy không hỗ trợ sạc nhanh. Sạc đầy viên pin 3.500 mAh từ mức 10% mất tới 2 tiếng 25 phút, rõ ràng không phải là điều mà bạn muốn thấy trong năm 2019.

Phần cứng camera ấn tượng bị nhấn chìm bởi phần mềm

Tôi đã đặt nhiều kỳ vọng vào camera của Nokia 7.2. To hơn một chút cũng được, lồi hơn một chút cũng được, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng ảnh chụp. Thông số kỹ thuật camera của Nokia 7.2 cũng không hề tệ chút nào, và chúng còn có trợ thủ đắc lực là ống kính Zeiss danh tiếng. Tuy nhiên, khi trải nghiệm thực tế, tôi mới hiểu vì sao những tên tuổi lớn như Google, Apple lại chuyển sang dồn nhiều nguồn lực vào phát triển những tính năng xử lý phần mềm trên camera.

Trước hết là về phần mềm chụp ảnh của Nokia 7.2. Thông thường đây không phải là thứ mà tôi sẽ đề cập đến nhiều, nhưng Nokia 7.2 sẽ là một "ngoại lệ đặc biệt". Không chỉ vẫn giữ nguyên những lỗi dịch thuật "ngô nghê", khó hiểu như những thế hệ trước đây (Portrait dịch thành chế độ chụp dọc, chế độ chuyên nghiệp chỉ viết tắt thành CN,...), những tính năng phần mềm của Nokia 7.2 cũng bị hạn chế đáng kể.

Lỗi dịch thuật "ngô nghê"

Tùy chọn khi chụp cũng rất hạn chế, không có watermark, không tắt được HDR tự động

Máy không có tùy chọn chèn dấu chìm watermark, không thể tắt tính năng tự động kích hoạt HDR. Vì lý do nào đó, bạn không thể chuyển sang camera góc siêu rộng ở chế độ chụp thông thường nhưng nó lại xuất hiện ở chế độ chụp đêm và quay video? Có quá nhiều quyết định khó hiểu của Nokia.

Camera góc rộng chỉ xuất hiện trong chế độ... chụp đêm

Trong điều kiện đủ sáng, Nokia 7.2 cho chất lượng ảnh tốt đúng như kỳ vọng. Ảnh có độ chi tiết tốt, dải sáng rộng, tái hiện màu sắc sống động, chân thực, ít bị rực. Thế nhưng, do không tắt được tính năng tự động kích hoạt HDR nên ngay cả trong điều kiện đủ sáng, máy cũng phải mất tới 1,5-2 giây để xử lý ảnh. Điều này đôi khi có thể khiến bạn bỏ lỡ khoảnh khắc đẹp mà mình định chụp.

Ảnh trong điều kiện ánh sáng thuận lợi của Nokia 7.2

Ảnh chụp thường (trên) và camera góc rộng (dưới)

Khi chuyển sang camera góc siêu rộng thì chất lượng ảnh bị giảm đi đáng kể, cả về màu sắc, độ tương phản lẫn chi tiết. Đây là điều dễ hiểu, thông số của camera góc rộng rõ ràng không thể "đọ" với camera chính, nhưng sự suy giảm ấy của Nokia 7.2 rõ rệt hơn hẳn nếu so với những smartphone có camera góc rộng khác.

Ảnh chụp thường (trên) và ảnh chế độ chụp đêm (dưới)

Giống như mọi chiếc smartphone khác, khi trời tối, điểm yếu của Nokia 7.2 cũng bắt đầu bộc lộ ra. Khả năng bù sáng của máy là khá ấn tượng, nhưng thuật toán khử nhiễu có phần mạnh tay đôi khi khiến ảnh bị bệt, mất chi tiết. Máy cũng có chế độ chụp đêm Night Mode giúp cải thiện hình ảnh, như hai ảnh trên Night Mode đã lấy được nhiều chi tiết gần nguồn sáng hơn.

Nokia cho biết chế độ này có thể tự nhận diện người chụp đang dùng tri-pod để tăng thời gian phơi sáng, nhưng thực sự thì người dùng phổ thông có mấy ai dùng tri-pod cho điện thoại, chứ chưa nói đến một sản phẩm tầm trung như Nokia 7.2.

Hiệu ứng xóa phông "ngôi sao"

Zeiss mượt mà

Ảnh chụp thường (trên) và ảnh xóa phông (dưới)

Ảnh chụp thường (trên) và ảnh xóa phông (dưới)

Ảnh chụp thường (trên) và ảnh xóa phông (dưới)

Ảnh chụp thường (trên) và ảnh xóa phông (dưới)

Ảnh chụp thường (trên) và ảnh xóa phông (dưới)

Camera selfie của Nokia 7.2 có độ phân giải 20MP, khẩu f/2.0, cũng sử dụng ống kính Zeiss. Ảnh chụp của camera này trong phần lớn trường hợp đều có kết quả tốt, màu sắc có đậm hơn thực tế một chút và dường như được tự động làm đẹp nhẹ. Trong điều kiện thiếu sáng, làn da có xu hướng bị làm mịn quá đà, gây thiếu tự nhiên, và thỉnh thoảng xuất hiện tình trạng lấy nét sai (VnReview luôn để cho máy tự nhận diện khuôn mặt khi chụp).

Chất lượng ảnh chụp xóa phông của Nokia 7.2 chưa được như mong đợi. Phông nền được xóa mịn và có nhiều hiệu ứng ánh sáng để bạn lựa chọn như trái tim, ngôi sao, Zeiss mượt mà,... (giống như Art Bokeh của Samsung) nhưng đôi khi tình trạng lấy nét sai chủ thể xuất hiện ngay cả trong điều kiện đủ sáng, và ảnh xóa phông selfie vẫn chưa được tự nhiên vì bị đẩy sáng và màu lên nhiều. Nokia rõ ràng có rất nhiều việc phải làm nếu muốn thu hút những người dùng trẻ.

Giống như nhiều máy Nokia khác, Nokia 7.2 cũng có chế độ chụp bằng cả hai camera trước và sau cùng một lúc có tên gọi là "Bothie", nhưng tính thực tế của nó đối với người dùng hàng ngày vẫn là một dấu hỏi.

Tổng kết

Giống như bất kỳ chiếc điện thoại nào khác, Nokia 7.2 có những điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình. Thiết kế mặt lưng độc đáo, tinh tế, phần mềm Android gốc sạch sẽ, mượt mà, được cập nhật sớm hệ điều hành mới là những lợi thế mà hiện tại hiếm có thương hiệu nào khác ngoài Nokia có được.

Tuy nhiên, cuộc đua camera trên smartphone vẫn đang nóng lên từng ngày, và khi phần cứng tương đương nhau thì các nhà sản xuất phải tìm cách vượt lên bằng phần mềm. Nokia 7.2 có phần cứng ấn tượng trên giấy tờ, nhưng phần mềm thiếu ổn định đã nhấn chìm lợi thế ấy. Cùng với thời lượng pin có phần khiêm tốn, dường như Nokia đang muốn "nhường đường" để những thương hiệu khác vượt lên trên vậy.

Hoàn Đặng

Chủ đề khác